Bài Cuối - Giải pháp đưa Chương trình OCOP phát triển bền vững

Báo Công Thương đã trao đổi với Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang về những giải pháp nhằm thúc đẩy Chương trình OCOP phát triển bền vững.

Xin ông cho biết những thành tựu nổi bật của Chương trình OCOP tại Thanh Hóa? Ông đánh giá thế nào về những hạn chế còn tồn tại trong Chương trình OCOP của tỉnh ta?

Thanh Hóa là tỉnh có diện tích lớn và dân số đông; có đầy đủ cả vùng đồng bằng, ven biển và vùng trung du, miền núi, có tiềm năng phát triển đa dạng các sản phẩm OCOP. Chính vì vậy, trong thời gian qua tỉnh Thanh Hóa luôn xác định Chương trình OCOP là chương trình trọng tâm để phát triển kinh tế khu vực nông thôn, khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn nhằm nâng cao thu nhập cho người dân; góp phần cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông thôn.

Ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Lê Hợi.

Ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Lê Hợi.

Sau 6 năm triển khai thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, quan trọng, góp phần vào phát triển kinh tế nông thôn và thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; các ngành, địa phương và các thành phần kinh tế tư nhân, hộ gia đình đã vào cuộc một cách trách nhiệm, tích cực. Đến thời điểm hiện tại Thanh Hóa có 595 sản phẩm OCOP, trong đó, có 01 sản phẩm 5 sao, 60 sản phẩm 4 sao, 534 sản phẩm 3 sao. Tất cả 27 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã có sản phẩm OCOP được công nhận. Các sản phẩm có sức cạnh tranh ở thị trường trong nước và quốc tế; đã có 23 sản phẩm OCOP được xuất khẩu sang nhiều thị trường khó tính như: Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Châu Âu và Nam Phi… Sau khi được công nhận sản phẩm OCOP doanh thu bán hàng của các chủ thể OCOP đã được tăng lên từ 2 đến 3 lần, đóng góp lớn cho sự phát triển chung của toàn xã hội.

Bên cạnh những kết quả tích cực, thẳng thắn nhìn nhận, Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế, đó là: Một số sản phẩm OCOP 3 sao chỉ mới đạt chất lượng ở mức cơ bản, chưa thực sự nổi bật nên giá trị gia tăng chưa cao; sức cạnh tranh trên thị trường còn hạn chế; chưa xây dựng được thương hiệu trên thị trường. Việc đầu tư cơ sở hạ tầng, máy móc và công nghệ của các cơ sở sản xuất còn chưa đồng bộ, đặc biệt ở các địa phương vùng sâu, vùng xa. Sự tham gia gắn kết trong phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chưa nhiều, thiếu bền vững; một số địa phương chưa tận dụng được tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương để phát triển sản phẩm OCOP.

Xin ông chia sẻ về những giải pháp mà tỉnh Thanh Hóađang triển khai nhằm khắc phục tình trạng nhiều sản phẩm OCOP có chất lượng chưa đồng đều?

Để khắc phục tình trạng chất lượng sản phẩm OCOP chưa đồng đều, tỉnh đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao năng lực sản xuất và giá trị các sản phẩm. Cụ thể, tỉnh Thanh Hóa đã và đang tập trung kiểm soát chất lượng sản phẩm, chỉ đạo xây dựng quy trình kiểm tra, đánh giá nghiêm ngặt, chặt chẽ, các sản phẩm tham gia OCOP phải tuân thủ quy trình đánh giá dựa trên Bộ tiêu chí OCOP của quốc gia, bao gồm các tiêu chí về chất lượng, tính độc đáo, khả năng thương mại hóa và nguồn gốc xuất xứ.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang cùng Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến thăm gian hàng OCOP trưng bày tại hội chợ do tỉnh Thanh Hóa tổ chức. Ảnh: Hoàng Minh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang cùng Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến thăm gian hàng OCOP trưng bày tại hội chợ do tỉnh Thanh Hóa tổ chức. Ảnh: Hoàng Minh.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung hỗ trợ chuyển giao và ứng dụng tiến bộ công nghệ trong sản xuất, chế biến, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm OCOP. Từ đó, nâng cao sức cạnh tranh và giá trị kinh tế của các sản phẩm OCOP.

Việc đưa sản phẩm OCOP ra thị trường, đặc biệt là các thị trường lớn, thị trường nước ngoài đang là một thách thức lớn. Xin ông chia sẻ về những giải pháp của tỉnh Thanh Hóa trong thời gian tới?

Để giúp sản phẩm OCOP tại Thanh Hóa tiếp cận được thị trường lớn hơn, đặc biệt là thị trường nước ngoài, tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Theo đó, tỉnh đã và đang chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương phải tập trung xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa bản địa; xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP của tỉnh gắn liền với giá trị văn hóa và đặc trưng vùng miền; hỗ trợ các sản phẩm OCOP đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý, tạo lợi thế cạnh tranh và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm địa phương.

Nước mắm Lê Gia - sản phẩm OCOP 5 sao đã xuất khẩu sang nhiều thị trường khó tính trên thế giới. Ảnh: Lê Anh.

Nước mắm Lê Gia - sản phẩm OCOP 5 sao đã xuất khẩu sang nhiều thị trường khó tính trên thế giới. Ảnh: Lê Anh.

Song song với đó là việc đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu cho sản phẩm OCOP thông qua các hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh; hằng năm tỉnh luôn quan tâm hỗ trợ tổ chức các hội chợ, hội nghị kết nối cung cầu vào các dịp lễ, các sự kiện lớn của tỉnh. Tỉnh cũng sẽ tập trung xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP; gắn kết gian hàng OCOP tại các siêu thị, chợ, khu dân cư lớn; thường niên, tổ chức các Đoàn công tác quảng bá, giới thiệu, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP tại các tỉnh bạn, nhằm kết nối, mở rộng thị trường cho các sản phẩm OCOP tỉnh Thanh Hóa.

Ngoài ra, tỉnh cũng sẽ giao cho các sở, ngành, địa phương tổ chức hỗ trợ, hướng dẫn các chủ thể đưa sản phẩm OCOP vào các hệ thống siêu thị như: Go, VinMart, BigC, Coopmart để giúp sản phẩm tiếp cận được nhiều khách hàng và tăng tính chuyên nghiệp trong khâu tiêu thụ; đưa các sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử như Postmart, Shopee, Lazada, Tiki… Tổ chức đào tạo và hỗ trợ kỹ năng bán hàng, marketing thông qua các lớp tập huấn về chuyển đổi số. Trong đó, phát triển kỹ năng marketing, xây dựng chiến lược kinh doanh và sử dụng công nghệ số cho các cơ sở sản xuất OCOP.

Để Chương trình OCOP phát triển bền vững, tỉnh Thanh Hóa cần những nguồn lực gì thưa ông?

Để Chương trình OCOP đạt hiệu quả và phát triển bền vững, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy các cấp, nhất là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị, địa phương trong chỉ đạo tổ chức thực hiện chương trình; xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn là giải pháp và nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, cần phải đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, kỹ năng quản trị của chủ thể OCOP; củng cố, nâng cấp các sản phẩm đã được công nhận và phát triển mới sản phẩm chủ lực của tỉnh để hình thành chuỗi giá trị các ngành hàng nhằm tạo đột phá về sức cạnh tranh, đáp ứng về số lượng, gia tăng giá trị, đảm bảo tiêu chuẩn trong nước và từng bước chuẩn hóa theo tiêu chuẩn quốc tế, phục vụ xuất khẩu

Ngoài sự nỗ lực của các sở, ban, ngành, địa phương, thì các chủ thể OCOP cũng phải thường xuyên có sự cải tiến, phát triển sản phẩm OCOP phù hợp thị hiếu tiêu dùng. Bên cạnh đó, công tác truyền thông về sản phẩm OCOP cần được đẩy mạnh hơn nữa nhằm nâng cao nhận thức cho người dân, cơ quan, tổ chức về tầm quan trọng của Chương trình OCOP.

Với mục tiêu mỗi người dân Thanh Hóa vừa là người sản xuất, người tiêu dùng và là đại sứ quảng bá, giới thiệu, đưa các sản phẩm OCOP của tỉnh thoát khỏi “lũy tre làng” vươn ra thế giới và phát triển bền vững. Ảnh: Hoàng Minh.

Với mục tiêu mỗi người dân Thanh Hóa vừa là người sản xuất, người tiêu dùng và là đại sứ quảng bá, giới thiệu, đưa các sản phẩm OCOP của tỉnh thoát khỏi “lũy tre làng” vươn ra thế giới và phát triển bền vững. Ảnh: Hoàng Minh.

Tỉnh Thanh Hóa đã ban hành chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân trên địa bàn, giai đoạn 2022-2025, trong đó đã quan tâm hỗ trợ phát triển các sản phẩm OCOP. Ngoài ra, hằng năm tỉnh còn hỗ trợ bổ sung kinh phí để tổ chức các hội chợ, các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh, từ đó tăng khả năng kết nối cung cầu và tiêu thụ các sản phẩm OCOP.

Ông đánh giá vai trò của cộng đồng trong việc phát triển Chương trình OCOP như thế nào?

Để nâng cao nhận thức của người dân, khuyến khích các chủ thể tham gia vào các hoạt động sản xuất và tiêu dùng sản phẩm OCOP, chúng tôi tiếp tục tập trung đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cho người dân, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng từ tỉnh đến cấp xã, thôn; gắn kết và lồng ghép với hoạt động tuyên truyền trong xây dựng nông thôn mới; đa dạng hóa các hình thức quảng bá, xúc tiến thương mại, truyền thông gắn với chuyển đổi số, qua các cổng thông tin điện tử (website), truyền thông mạng xã hội, tạp chí, bản tin, chuyên đề, tài liệu (sổ tay, cẩm nang...). Qua đó, thu hút nhiều tầng lớp nhân dân, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp quan tâm, tham gia các hoạt động sản xuất, tiêu dùng sản phẩm OCOP.

Tỉnh Thanh Hóa luôn xác định Chương trình OCOP là chương trình trọng tâm để phát triển kinh tế khu vực nông thôn, khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn. Ảnh: Hoàng Minh.

Tỉnh Thanh Hóa luôn xác định Chương trình OCOP là chương trình trọng tâm để phát triển kinh tế khu vực nông thôn, khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn. Ảnh: Hoàng Minh.

Với mục tiêu mỗi người dân Thanh Hóa vừa là người sản xuất, người tiêu dùng và là đại sứ quảng bá, giới thiệu, đưa các sản phẩm OCOP của tỉnh thoát khỏi “lũy tre làng” vươn ra thế giới và phát triển bền vững.

Hoàng Minh - Hà Khải

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bai-cuoi-giai-phap-dua-chuong-trinh-ocop-phat-trien-ben-vung-365157.html