Đào tạo nghề nông nghiệp: Những thách thức đặt ra

Hơn 60% số dân của Thái Nguyên sống phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp. Do đó, việc đào tạo nghề cho lĩnh vực này đóng một vai trò quan trọng, góp phần giúp người nông dân nắm được kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt để áp dụng vào thực tế sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Dù vậy, đào tạo nghề nông nghiệp vẫn đang gặp không ít thách thức khi học viên tham gia các lớp dạy nghề ngày càng giảm về số lượng.

Các lớp đào tạo nghề nông nghiệp trên địa bàn tỉnh được tổ chức, giúp cho người dân nắm được quy trình thâm canh sản xuất; chủ động đưa các giống cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất.

Các lớp đào tạo nghề nông nghiệp trên địa bàn tỉnh được tổ chức, giúp cho người dân nắm được quy trình thâm canh sản xuất; chủ động đưa các giống cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất.

Nâng cao kiến thức nhà nông

Đào tạo nghề nông nghiệp là một trong những nội dung nằm trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Thái Nguyên. Được phân cấp trực tiếp về các huyện, thành phố trong tỉnh nên thời gian qua, đào tạo nghề nông nghiệp đã được các địa phương chủ động lựa chọn nghề đào tạo phù hợp với nhu cầu của người dân.

Ông Nguyễn Thành Nam, Chi cục trưởng Chi cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn: Các nghề được đào tạo chủ yếu là kỹ thuật sản xuất rau an toàn, trồng lúa - ngô, sản xuất chè, chăn nuôi thú y…

Thông qua các lớp đào tạo nghề nông nghiệp, người dân nắm được kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt, từ đó tạo ra sản phẩm năng suất, chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm và có giá bán cao hơn. Bà Vũ Thị Thơ, ở xóm 7, xã Bình Thuận (Đại Từ) nói: Mỗi lớp chỉ diễn ra trong 3 tháng. Giờ lên lớp được giảng viên tạo điều kiện sao cho học viên vừa thực hiện tốt công việc của gia đình, đồng áng mà vẫn có thời gian tham gia đầy đủ các buổi học. Quá trình học, chúng tôi đã “vỡ" ra rất nhiều điều.

Đến nay, chúng tôi đã mạnh dạn đưa giống lúa thuần chất lượng cao, lúa lai vào gieo cấy thay thế giống lúa Khang dân đã có biểu hiện thoái hóa, xuống cấp; tích cực cấy trà lúa xuân muộn để tránh rét, mùa sớm để kịp sản xuất cây trồng vụ đông. Đặc biệt là sử dụng đúng chủng loại, liều lượng các loại thuốc bảo vệ thực vật phun phòng trừ sâu bệnh cho lúa, rau, chè, trong đó ưu tiên các loại thuốc sinh học có chứa các hoạt chất nguồn gốc tự nhiên… - bà Vũ Thị Thơ

Còn theo bà Đỗ Thị Hòa, thị trấn Sông Cầu (Đồng Hỷ), được tham gia lớp đào tạo kỹ thuật sản xuất, chế biến chè giúp bà con nông dân mạnh dạn sản xuất chè theo hướng hữu cơ, vừa bảo vệ cây chè phát triển bền vững, vừa tạo ra sản phẩm an toàn, đáp ứng nhu cầu thị trường…

Cũng từ tham gia các lớp đào tạo về kỹ thuật chăn nuôi, thú y đã giúp ông Nguyễn Kim Xưa, tổ dân phố Cọ 1, thị trấn Giang Tiên (Phú Lương), nắm bắt được kiến thức về phòng, chống dịch bệnh cho đàn gà; áp dụng khoa học, công nghệ vào chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ông Xưa cho biết: Tôi bắt đầu chăn nuôi gà lông trắng quy mô trang trại (4 vạn con/năm) từ năm 2003. Dịch bệnh chính là mối nguy hại lớn nhất nên khi mới nuôi, chưa có kinh nghiệm, tôi từng “trắng tay” do đàn gà mắc cúm H5N1. Sau đó, tôi đã tham gia nhiều khóa đào tạo nghề chăn nuôi, thú y nên biết cách chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Từ thất bại ban đầu đó, đến nay đã hơn 20 năm, trang trại chăn nuôi của gia đình ngày càng đạt kết quả cao hơn với khoản thu nhập khoảng 1 tỷ đồng/năm.

Khó khăn đặt ra

Trong thời đại 4.0, nền nông nghiệp của Thái Nguyên đang hướng đến sản xuất chuyên canh hàng hóa, nông nghiệp công nghệ cao, quy mô lớn. Do đó, việc nâng cao trình độ sản xuất cho nông dân, đáp ứng yêu cầu đề ra là rất cần thiết. Tuy nhiên, hiện nay, số lao động ở nông thôn trên địa bàn tỉnh chưa được đào tạo nghề nông nghiệp lên tới khoảng 90%.

Trong khi đó, số người dân ở vùng nông thôn của tỉnh được đào tạo nghề nông nghiệp đang có xu hướng giảm mạnh. Trước đây, mỗi năm Thái Nguyên đào tạo nghề nông nghiệp cho khoảng 1.200 người. Tuy nhiên, năm 2024, kết quả đào tạo nghề nông nghiệp chỉ đạt 46,05% so với kế hoạch giao.

Nhiều hộ dân ở Thái Nguyên đã tiếp cận tiến khoa học kỹ thuật, áp dụng vào chăn nuôi tuần hoàn, giúp nâng cao hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường.

Nhiều hộ dân ở Thái Nguyên đã tiếp cận tiến khoa học kỹ thuật, áp dụng vào chăn nuôi tuần hoàn, giúp nâng cao hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường.

Đây chính là lý do khiến cho khả năng áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật mới của người nông dân vào sản xuất còn hạn chế. Theo nhận định của ông Lê Đắc Vinh, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh, ngoài những lao động làm việc tại hơn 1.250 trang trại của tỉnh được đào tạo kiến thức cơ bản về kỹ thuật chăm sóc, phòng chống dịch bệnh động vật, còn lại hầu hết là lao động thủ công. Đặc biệt, tại các các nông hộ, kiến thức về chăn nuôi, thú y vẫn còn rất hạn hẹp.

Phần đa lao động nông nghiệp, nhất là ở địa bàn miền núi, vùng cao của tỉnh, trình độ còn thấp. Quá trình đào tạo nghề nông nghiệp, các giảng viên cần gắn kết cả hai phần lý thuyết và thực hành. Tuy nhiên, do nhiều lớp đào tạo nghề tổ chức ngay tại địa phương, cơ sở hạ tầng hạn chế nên khâu thực hành chưa được thực hiện hiệu quả. Tại các khóa đào tạo, học viên phần đa chỉ thực hành bằng việc tham quan, học hỏi kinh nghiệm từ những mô hình sản xuất thực tế chứ không được trực tiếp tham gia sản xuất nên hiệu quả đào tạo chưa cao.

Nhận định về nguyên nhân tỷ lệ người dân được đào tạo nghề nông nghiệp chưa hoàn thành kế hoạch, ông Nguyễn Thành Nam cho biết: Do một số địa phương không thuộc đối tượng là huyện nghèo theo Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ nên nông dân không được đào tạo nghề theo nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững. Hơn nữa, số người có nhu cầu học nghề giai đoạn 2021-2025 giảm sâu so với giai đoạn 2016-2020 do lao động trẻ tuổi đi làm việc tại các công ty, doanh nghiệp.

Cùng với đó, định mức kinh tế kỹ thuật cho các nghề nông nghiệp được ban hành chưa nhiều nên chưa có sự vào cuộc của các cơ sở đào tạo ngoài công lập thông qua hình thức đặt hàng. Đó là chưa kể đến tình trạng cơ sở giáo dục nghề nghiệp tham gia đào tạo chủ yếu là các trường nghề, trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên được giao nhiệm vụ. Các cơ sở đào tạo nghề như trung tâm, công ty, doanh nghiệp chưa tham gia do tỉnh chưa ban hành định mức kinh tế kỹ thuật, mức giá đào tạo để đặt hàng theo quy định. - ông Nguyễn Thành Nam

Để giải quyết những khó khăn nêu trên, Thái Nguyên nên tiếp tục quan tâm nhiều hơn tới công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề, việc làm cho lao động nông thôn. Cùng với đó, phát triển các vùng chuyên canh trong sản xuất nông nghiệp để tổ chức sản xuất hàng hóa gắn với đào tạo nghề. Đồng thời, các cấp, ngành chức năng, các địa phương tiếp tục phối hợp để điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề, sử dụng lao động nông thôn và năng lực của các cơ sở đào tạo. Từ đó, xây dựng kế hoạch phù hợp với tình hình thực tế trên địa bàn tỉnh, đáp ứng nhu cầu của người lao động; lồng ghép các chương trình, dự án, huy động nguồn kinh phí để thực hiện dạy nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn hiệu quả…

Tùng Lâm

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/xa-hoi/202505/dao-tao-nghe-nong-nghiep-nhung-thach-thuc-dat-ra-383013a/