Đào tạo nghề nông thôn tại Ba Vì: Chưa có doanh nghiệp 'đặt hàng' tuyển dụng sau học nghề
Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà lưu ý huyện Ba Vì chú trọng phối hợp các doanh nghiệp trong giải quyết việc làm, nhằm nắm bắt nhu cầu tuyển dụng lao động của các công ty, doanh nghiệp, tổ HTX trên địa bàn, từ đó có biện pháp can thiệp giúp người lao động giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định, thúc đẩy kinh tế.
Sáng nay (10/6), đoàn giám sát số 2 của Thường trực HĐND TP Hà Nội do Phó Chủ tịch HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà làm trưởng đoàn có buổi làm việc tại huyện Ba Vì về tình hình thực hiện quy định pháp luật về đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) trên địa bàn từ năm 2016 đến nay.
Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Quang Trung cho hay, huyện đã thành lập và kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg từ huyện đến cơ sở; ban hành các quyết định, kế hoạch, văn bản chỉ đạo triển khai trên địa bàn; triển khai công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề bằng nhiều hình thức: Tổ chức hội nghị chuyên đề hoặc lồng ghép tuyên truyền trong hội nghị của ban, ngành, đoàn thể; phát thanh qua hệ thống truyền thanh của huyện, xã; cấp phát hàng nghìn tờ rơi tuyên truyền chủ trương, chính sách Đề án đào tạo nghề cho LĐNT trên địa bàn huyện… Công tác điều tra, khảo sát, dự báo nhu cầu dạy nghề cho LĐNT được UBND xã, thị trấn thực hiện hàng năm, từ đó UBND huyện xây dựng kế hoạch đào tạo của huyện.
Cụ thể từ năm 2016 đến nay, huyện đã tổ chức 214 lớp đào tạo nghề với 7.452 LĐNT theo Quyết định 1956/QĐ-TTg, có số LĐNT được đào tạo đứng thứ 2 cả TP (trong đó 4.906 lao động học nghề nông nghiệp, 2.546 lao động học nghề phi nông nghiệp); 6.772/7.452 học viên có việc làm sau đào tạo nghề, đạt 90,08%. Phần lớn kinh phí thực hiện đào tạo nghề từ nguồn ngân sách TP giao hằng năm (99,05%); tổng kinh phí giai đoạn 2016-2019 là 21.582.259.000 đồng. Mọi học viên được hỗ trợ 100% kinh phí, hỗ trợ vay vốn giải quyết việc làm khi có nhu cầu; học viên là người có công, đối tượng chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ tiền ăn cho các ngày thực học. Bước đầu, công tác này gắn với chương trình nông thôn mới, các mô hình dạy nghề cho LĐNT thực hiện theo quy hoạch phát triển nghề thế mạnh ở các địa phương trên địa bàn; một số nghề được người lao động (NLĐ) chọn học nhiều và đem lại hiệu quả kinh tế, giải quyết việc làm tốt là may công nghiệp, trồng cây ăn quả, chăn nuôi thú y...
Từ thực tế giám sát, đoàn công tác ghi nhận những năm qua, huyện Ba Vì đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai tổ chức thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg đạt những kết quả nhất định, trong đó một số xã có những mô hình đào tạo nghề "đúng" và "trúng" nhu cầu. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg tại huyện cho thấy còn một số khó khăn, hạn chế. Đó là công tác điều tra, dự báo nhu cầu học nghề, tư vấn cho NLĐ ở một số xã, thị trấn chưa thường xuyên, kịp thời; khảo sát nhu cầu học nghề chưa sát thực; tuyên truyền, tư vấn cho NLĐ chọn nghề và tham gia học nghề còn hạn chế; số lao động tham gia đào tạo nghề còn ít so với quy mô LĐNT của huyện. Cùng đó, đào tạo nghề theo nhu cầu người học đạt hiệu quả chưa cao, chưa gắn với kế hoạch phát triển KT-XH của địa phương và nhu cầu sử dụng lao động của DN, cơ sở SXKD. Đa số học viênsau học nghề nông nghiệp phải tự tạo việc làm, chưa có DN kết nối đặt hàng tuyển dụng sau học nghề (tới 79,09% tự tạo việc làm; chỉ 2,7% được DN, đơn vị tuyển dụng và 9,08% được DN, đơn vị bao tiêu sản phẩm); thu nhập chưa cao và không ổn định; khó tìm đầu ra ổn định cho các sản phẩm nông nghiệp; sau đào tạo, NLĐ chưa duy trì được nghề lâu dài… Hơn nữa, thu nhập của học viên sau học nghề phần lớn còn thấp, không ổn định; mục tiêu của đào tạo nghề là góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế phục vụ CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn chưa thể hiện rõ. Ngoài ra, một bộ phận không nhỏ LĐNT chưa hiểu đầy đủ lợi ích, trách nhiệm của người học nghề nên còn ngại đi học; đăng ký nghề học còn cảm tính, chưa xác định rõ mục tiêu nghề nghiệp; các phòng chuyên môn chưa có cán bộ chuyên trách công tác đào tạo nghề LĐNT (đang làm kiêm nhiệm)…
Từ đó, đoàn đề nghị huyện tiếp tục triển khai nghiêm túc, hiệu quả công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho LĐNT trên địa bàn. Trong đó, cần chú trọng tuyên truyền, tư vấn học nghề nhằm thay đổi nhận thức về quyền, trách nhiệm học nghề của NLĐ; xây dựng kế hoạch và dự báo nhu cầu đào tạo nghề phải sát thực tế phát triển KT-XH địa phương: các nghề nông nghiệp phù hợp quy hoạch xây dựng nông thôn mới, quy hoạch sản xuất nông nghiệp; chú trọng đào tạo theo chuỗi sản phẩm, gắn với sản xuất và bao tiêu sản phẩm, chuyển giao công nghệ cao; nghề phi nông nghiệp cần xuất phát từ quy hoạch sản xuất công nghiệp, dịch vụ, quy hoạch phát triển TTCN... Có thể tổ chức đào tạo nghề với số lượng giảm đi nhưng chất lượng phải tăng lên.
Đặc biệt, Phó Chủ tịch HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà lưu ý, với tỷ lệ chỉ hơn 11% trong số LĐNT sau học nghề có việc làm là được DN, đơn vị tuyển dụng và bao tiêu sản phẩm, huyện cần phối hợp các DN trong giải quyết việc làm, nhằm nắm bắt nhu cầu tuyển dụng lao động của các công ty, DN, tổ HTX trên địa bàn, từ đó có biện pháp can thiệp giúp NLĐ giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định, thúc đẩy kinh tế. Cùng đó, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát của Ban Chỉ đạo cấp huyện, xã, tổ chức chính trị-xã hội và người dân trong tổ chức các lớp đào tạo nghề đúng đối tượng, thời gian chương trình, đúng định mức, chế độ chi. Đồng thời, cần sử dụng hiệu quả kinh phí đào tạo nghề do UBND TP cấp và các nguồn khác; thanh, quyết toán kinh phí đào tạo nghề cho LĐNT.
Đối với sở, ngành, Trưởng đoàn đề nghị tiếp tục phối hợp chặt chẽ với huyện thực hiện công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho LĐNT; kịp thời giải quyết vướng mắc nhất là kiến nghị của địa phương trong quá trình thực hiện. Trong đó, Sở LĐ-TB&XH cần chủ động tham mưu TP những giải pháp triển khai hiệu quả công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho LĐNT trên địa bàn TP.