Đào tạo nghề phù hợp nhu cầu người lao động
Nhằm đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho người lao động (NLĐ), Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) TX. Tịnh Biên phối hợp các địa phương, ngành chuyên môn đã tổ chức các lớp dạy nghề xây dựng dân dụng cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Khmer tại xã An Hảo. Công tác này phát huy hiệu quả khi các học viên đều có việc làm ổn định sau khi hoàn thành khóa học.
Phó Chủ tịch UBND xã An Hảo Nguyễn Thị Diệu Hiền thông tin: “Là địa phương có hoạt động du lịch phát triển ở khu vực núi Cấm, nhưng An Hảo vẫn còn vùng DTTS Khmer với đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Do đó, chúng tôi rất quan tâm đến công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm nhằm nâng cao đời sống bà con. Trước đây, đã có nhiều lớp dạy nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp với hiệu quả mang lại khá cơ bản. Tuy nhiên, với lớp dạy nghề xây dựng dân dụng thì kết quả thu được rất khả quan, với 100% học viên có việc làm ổn định sau khi hoàn thành lớp học”.
Theo bà Hiền, lớp xây dựng dân dụng tại địa phương được thực hiện trên cơ sở phối hợp giữa Phòng LĐ-TB&XH TX. Tịnh Biên, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện và UBND xã An Hảo. Lớp học có 25 học viên là đồng bào DTTS Khmer của ấp An Lợi tham gia, được cấp chứng chỉ nghề khi hoàn thành. Đây là cơ sở để đảm bảo cho học viên có được việc làm ổn định.
Trưởng ban Nhân dân ấp An Lợi Lê Văn Đức cho hay: “Trước đây, thanh niên, NLĐ DTTS Khmer chủ yếu làm việc thời vụ với nghề xây dựng dân dụng. Họ chỉ có thể làm ở các công trình nhỏ lẻ của người dân, vốn không đòi hỏi chứng chỉ nghề. Tuy nhiên, số lượng công trình không nhiều nên thu nhập khá bấp bênh. Từ khi tham gia lớp dạy nghề, các học viên có chứng chỉ, được nhận vào các công trình xây dựng lớn phục vụ du lịch ở khu vực núi Cấm. Nhờ đó, thu nhập của bà con khá ổn định, ai cũng phấn khởi”.
Ông Đức thông tin thêm, một số học viên với sự siêng năng, cần mẫn đã được “nâng cấp” tay nghề từ phụ hồ trở thành thợ xây, những trường hợp tốt hơn thì tham gia quản lý công trình. “So với trước đây, lớp học nghề xây dựng dân dụng rất hiệu quả. Các học viên tham gia nhiệt tình, kết quả đạt được tích cực vì ai cũng có việc làm. Nhiều trường hợp đến trao đổi với tôi để xin tham gia các lớp xây dựng dân dụng tiếp theo” - ông Đức tiếp lời.
Là người trực tiếp tham gia học nghề và đang có việc làm ổn định, ông Chau Sắt rất nhiệt tình khi được hỏi về nhu cầu của đồng bào DTTS Khmer ở ấp An Lợi hiện nay. “Anh em học nghề xong đều có việc làm ổn định. Người nào xây được thì lên thợ, người giỏi nữa thì “coi cai” công trình. Làm việc với công ty ổn định hơn, thu nhập khá nên ai cũng thích. Tôi rất cám ơn địa phương, các ngành đã tạo điều kiện để anh em được học nghề. Nếu có lớp nghề xây dựng dân dụng tiếp theo, tôi sẽ vận động em cháu trong dòng họ, trong ấp đi học để có chứng chỉ, phát triển nghề xây dựng” - ông Chau Sắt phấn khởi.
Là đơn vị chủ trì phối hợp các ngành, địa phương trong thực hiện các lớp dạy nghề, Phòng LĐ-TB&XH TX. Tịnh Biên đã tích cực triển khai thực hiện các tiểu dự án về lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, thuộc 3 chương trình mục tiêu quốc gia (xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi) trên địa bàn thị xã năm 2023. Trong đó, có tiểu dự án về phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho NLĐ vùng DTTS và miền núi, tạo nền tảng vững chắc để bà con DTTS Khmer vươn lên thoát nghèo bền vững.
Phó Trưởng Phòng LĐ-TB&XH TX. Tịnh Biên Nguyễn Thị Huệ thông tin: “Cùng với lớp dạy nghề xây dựng dân dụng ở xã An Hảo, chúng tôi tổ chức 11 lớp dạy nghề, với 330 học viên theo hình thức sơ cấp nghề, đào tạo các nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp. Các học viên tham gia lớp đào tạo nghề được hỗ trợ kinh phí 2 - 3 triệu đồng/người/khóa học, tạo điều kiện để họ yên tâm tiếp thu kỹ năng nghề nghiệp. Thông qua các lớp dạy nghề, giúp cho lao động là đồng bào DTTS Khmer, nhất là lao động nữ, có thêm điều kiện tiếp cận việc làm nhằm tăng thu nhập cho gia đình. Đa phần, chị em tham gia nghề may để phục vụ cho các cơ sở sản xuất tại địa phương”.
Việc cần thiết hiện nay là tổ chức các lớp nghề phù hợp với nhu cầu thực tiễn của NLĐ, như lớp nghề xây dựng dân dụng tại xã An Hảo. Khi đó, NLĐ sẽ có điều kiện tìm kiếm công việc ổn định tại địa phương, với nguồn thu nhập đảm bảo nhu cầu đời sống, tạo động lực để họ vươn lên thoát nghèo.
“Chúng tôi sẽ tăng cường hoạt động phối hợp, nâng cao hiệu quả công tác dạy nghề cho NLĐ tại địa phương. Cùng với đó, sẽ tăng cường kết nối việc làm, định hướng nghề nghiệp cho thanh niên trên địa bàn thị xã, giúp họ có được công việc ổn định, góp phần xây dựng TX. Tịnh Biên ngày càng phát triển trong thời gian tới” - Phó Trưởng phòng LĐ-TB&XH TX. Tịnh Biên Nguyễn Thị Huệ xác định.
Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/dao-tao-nghe-phu-hop-nhu-cau-nguoi-lao-dong-a381929.html