Đào tạo người làm báo đáp ứng yêu cầu mới của chiến lược chuyển đổi số

Chiều 5/6, Học viện Báo chí và Tuyên truyền (BC&TT) phối hợp Vụ Báo chí - Xuất bản (Ban Tuyên giáo T.Ư), Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông), Hội Nhà báo Việt Nam và các cơ quan, ban, ngành liên quan tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia

Chiều 5/6, Học viện Báo chí và Tuyên truyền (BC&TT) phối hợp Vụ Báo chí - Xuất bản (Ban Tuyên giáo T.Ư), Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông), Hội Nhà báo Việt Nam và các cơ quan, ban, ngành liên quan tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia "Đào tạo báo chí - truyền thông trong bối cảnh chuyển đổi số (CĐS) hiện nay”.

Đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu tại hội thảo.

Đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu tại hội thảo.

Đoàn chủ trì hội thảo có các đồng chí: Lê Quốc Minh, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; GS.TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Tống Văn Thanh, Vụ trưởng Vụ Báo chí - Xuất bản, Ban Tuyên giáo T.Ư; GS.TS Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện BC&TT; Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông.

Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Lê Quốc Minh khẳng định: CĐS không còn là sự lựa chọn, mà là nhiệm vụ đặt ra đối với từng cơ quan báo chí, cơ sở truyền thông để vừa phục vụ tốt nhất, nhanh nhất nhu cầu thông tin của công chúng, vừa phù hợp với xu thế phát triển chung của thời đại. CĐS trong lĩnh vực báo chí, truyền thông không chỉ dừng lại ở việc đẩy mạnh tin học hóa và số hóa dữ liệu trong hoạt động báo chí, mà còn là sự thay đổi toàn diện hoạt động báo chí - truyền thông trên nền tảng công nghệ số. Do vậy, ngoài nền tảng công nghệ và nguồn lực tài chính dồi dào thì khả năng thích nghi của mỗi cơ quan báo chí, truyền thông với một tương lai kỹ thuật số sẽ tùy thuộc vào việc phát triển được hay không một thế hệ lãnh đạo, quản lý, đội ngũ người làm công tác báo chí - truyền thông với kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm lao động nghề nghiệp chuyên nghiệp trong môi trường số. Trong bối cảnh hiện nay, công tác đào tạo, bồi dưỡng tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nền báo chí - truyền thông số ở nước ta. Điều này đã được khẳng định trong Chiến lược "CĐS báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030".

Trên cả nước hiện có 9 cơ sở đào tạo báo chí - truyền thông chủ lực, đều là các trường đại học, học viện công lập… Ngoài ra còn có các cơ sở dân lập, trường liên kết quốc tế đào tạo ngành truyền thông, quan hệ công chúng, quảng cáo - là những lĩnh vực gần với đào tạo báo chí.

Ban Tổ chức hội thảo đã nhận được 62 bài tham luận của các lãnh đạo, nhà khoa học đến từ các ban, bộ, ngành T.Ư và địa phương, của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện BC&TT, các cơ sở đào tạo, cơ quan báo chí - truyền thông trên cả nước, với các chủ đề và góc nhìn phong phú, đa dạng.

Nhiều đại biểu bày tỏ sự thống nhất cho rằng, môi trường truyền thông mới, đặc biệt là việc CĐS báo chí đòi hỏi phải có cơ chế mới trong việc bồi dưỡng và đào tạo nhà báo. Các phương tiện truyền thông mới có nhiều tính năng, vừa có chữ viết, âm thanh, vừa có hình ảnh, là sự tổng hợp của tất cả các phương tiện truyền thông truyền thống.

Đối với nhà báo số hiện nay phải biết ứng dụng các kỹ thuật truyền thông mới, biết quay phim, viết, xử lý âm thanh, hình ảnh, đồng thời phải nắm bắt các kỹ thuật thông tin hiện đại. Vì vậy, yêu cầu công tác đào tạo báo chí cần phải cải tiến một cách mạnh mẽ, vừa khoa học, nhưng phải mang tính hệ thống... để thích ứng với nhu cầu của các phương tiện truyền thông đang trong quá trình đổi mới, từ đó đào tạo ra đội ngũ nhà báo số chuyên nghiệp, phù hợp với nhu cầu phát triển và chuyển đổi số báo chí hiện nay...

Học viện BC&TT, các đơn vị liên quan sẽ phối hợp chắt lọc ý kiến tham luận, góp ý để xây dựng báo cáo kiến nghị với Bộ Chính trị, Ban Bí thư T.Ư Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh để tiếp tục triển khai, tổ chức thực hiện hiệu quả hơn nữa công tác đào tạo người làm báo Việt Nam đáp ứng yêu cầu mới của chiến lược CĐS.

Hải Yến

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/11/189928/dao-tao-nguoi-lam-bao-dap-ung-yeu-cau-moi-cua-chien-luoc-chuyen-doi-so.htm