Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển

Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều lợi thế phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhưng cũng đối mặt với không ít thách thức đòi hỏi nhiều nhóm giải pháp đồng bộ, từ nâng cao chất lượng đào tạo, cơ sở vật chất… cho đến tăng cường hợp tác quốc tế.

Đào tạo lao động tự động hóa tại Trung tâm Đào tạo Khu Công nghệ cao (Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh).

Đào tạo lao động tự động hóa tại Trung tâm Đào tạo Khu Công nghệ cao (Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh).

Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh, Trường đại học Anh Quốc Việt Nam, cùng Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Phố Hồ Chí Minh vừa ký kết Biên bản ghi nhớ thỏa thuận hợp tác xây dựng Trung tâm Đào tạo kỹ năng công nghệ cao đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Trụ sở dự kiến đặt tại Trung tâm Đào tạo Khu Công nghệ cao và được kỳ vọng trở thành một “mô hình mẫu” trong việc đào tạo nâng cao các kỹ năng giúp lao động Việt Nam thích ứng nhanh, hiệu quả cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đây sẽ là nơi đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các nhà đầu tư trong Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, và khu vực phía nam nói chung. Chương trình đào tạo của trung tâm này được chuyên môn hóa theo các ngành công nghệ cao mũi nhọn như: tự động hóa, cơ khí chính xác, công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới, công nghệ sinh học. Để nâng cao chất lượng đào tạo, chuyển giao công nghệ cho lực lượng lao động cao cấp, Trung tâm Đào tạo Khu Công nghệ cao liên kết với các tập đoàn công nghệ lớn như: Microsoft, VMWare, PTC, Sonion… đưa chương trình đào tạo đi vào thực tiễn, ứng dụng cho các doanh nghiệp công nghệ cao.

Nhiều năm qua, Thành phố Hồ Chí Minh là địa chỉ tin cậy của cả nước trong việc đào tạo nhân lực trình độ cao. Thành phố có nhiều ưu thế vượt trội hơn so với các địa phương khác về cơ sở vật chất, đội ngũ chuyên gia, việc thu hút đầu tư và bề dày kinh nghiệm trong công tác giáo dục-đào tạo. Cùng với đó, cơ hội việc làm, thăng tiến cho người học cũng rất lớn, tạo nên sức hấp dẫn riêng, khiến thành phố trở thành nơi tìm đến của các nhà đầu tư giáo dục-đào tạo cả nước và thế giới, tạo nên lợi thế về đào tạo nhân lực chất lượng cao. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Vũ Thị Mai Oanh, Hội Khoa học phát triển nguồn nhân lực, nhân tài Việt Nam, quá trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của thành phố còn gặp nhiều trở ngại, phải tìm kiếm giải pháp để tháo gỡ. Cụ thể, số lượng các chương trình liên kết đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao triển khai còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm lực phát triển của các trường đại học. Đội ngũ nhân lực chất lượng cao tăng lên đáng kể, nhưng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển các ngành công nghệ hiện đại của thành phố, cũng như của cả nước. Đồng thời, đội ngũ cán bộ khoa học chưa đồng đều, thiếu cán bộ đầu đàn trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ số, trí tuệ nhân tạo (AI); năng lực phân tích dự báo nguồn nhân lực, thị trường lao động vẫn còn hạn chế, chưa toàn diện…

Thành phố Hồ Chí Minh muốn trở thành trung tâm đào tạo nhân lực chất lượng cao của khu vực và cả nước, cần phải tiếp tục phát triển và cải cách toàn diện giáo dục-đào tạo từ mục tiêu, đến nội dung, phương pháp giảng dạy, tổ chức, quản lý để hướng tới một nền giáo dục chuyên nghiệp tương đồng với thế giới. Đồng thời, thành phố phải quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục-đào tạo, bổ sung tay nghề công nhân kỹ thuật cho lao động phổ thông, đầu tư có trọng điểm cho các trường nghề đạt chuẩn khu vực và quốc tế trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Thời gian tới, nhu cầu nhân lực chất lượng cao tại các địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía nam rất lớn, nguồn cung chủ yếu phụ thuộc vào hệ thống đào tạo ở Thành phố Hồ Chí Minh. Để làm tốt vai trò đầu kéo trong đào tạo nguồn nhân lực, thành phố cần tranh thủ nguồn lực quốc tế, đẩy mạnh liên kết với các đại học uy tín trên thế giới, nâng cao chất lượng và quy mô đào tạo, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đang đặt ra. Toàn cầu hóa cùng với tự do hóa thương mại và sự đổi mới công nghệ, phát triển khoa học-công nghệ theo xu hướng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra nhanh chóng, đòi hỏi lực lượng lao động phải ứng phó, thích nghi với sự thay đổi nhanh chóng này.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Cành, Trường đại học Kinh tế-Luật, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, trong 5 năm tới, Chương trình phát triển nhân lực là một trong ba chương trình đột phá của Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là cơ hội cho phát triển đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0. Mục tiêu chương trình là phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, đào tạo đạt trình độ quốc tế ở tám lĩnh vực: công nghệ thông tin-truyền thông, cơ khí-tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, quản trị doanh nghiệp, tài chính-ngân hàng, y tế, du lịch, quản lý đô thị. Đồng thời, phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo, chuyển tiềm năng trí tuệ của nguồn nhân lực thành những thành quả ứng dụng và sáng tạo khoa học-công nghệ, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế...■

Bài và ảnh: KHÁNH TRÌNH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/dao-tao-nguon-nhan-luc-chat-luong-cao-dap-ung-yeu-cau-phat-trien-post869143.html