Đào tạo nguồn nhân lực cho Trung tâm Tài chính khu vực và Khu Thương mại tự do tại Đà Nẵng
Tại Phiên họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo TP Đà Nẵng thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá trong khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số được tổ chức ngày 11/2 vừa qua, lãnh đạo thành phố đã giao Đại học (ĐH) Đà Nẵng xây dựng, triển khai kế hoạch đào tạo để đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao (NNL CLC) cho Trung tâm Tài chính khu vực và Khu Thương mại tự do tại Đà Nẵng.
Ngay sau đó, Đại học (ĐH) Đà Nẵng đã chỉ đạo ngay Trường ĐH Kinh tế, thành viên của ĐH Đà Nẵng tập trung tham mưu, đề xuất thực hiện Đề án thu hút chuyên gia, nhân lực cho Trung tâm Tài chính khu vực và Khu Thương mại tự do tại Đà Nẵng.
“Đây là nhiệm vụ trọng tâm, thể hiện vai trò nòng cốt của ĐH Đà Nẵng đồng hành cùng thành phố thực hiện Thông báo số 47 của Bộ Chính trị về việc xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam và Nghị quyết số 136/2024/QH15 của Quốc hội cho thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, trong đó có Khu Thương mại tự do để phát triển Đà Nẵng trong kỷ nguyên mới”- PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ - Giám đốc ĐH Đà Nẵng chia sẻ.

ĐH Đà Nẵng tổ chức Hội nghị đẩy mạnh chuyển đổi số góp phần thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW.
Được biết từ năm 2022, Trường ĐH Kinh tế - ĐH Đà Nẵng đã tiên phong mở ngành Công nghệ Tài chính (Fintech) đáp ứng nhu cầu phát triển, ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Nhà trường kết hợp với các doanh nghiệp điển hình như Ngân hàng Quân đội đưa vào khai thác, sử dụng, tạo cơ hội cho sinh viên trải nghiệm Không gian sáng tạo số (DUE Digital Hub). Năm 2024, Trường ĐH Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn, ĐH Đà Nẵng cũng khai trường VKU Fintech Hub, xúc tiến cùng các đối tác viện, trường của Việt Nam và Hàn Quốc hỗ trợ đào tạo ngành Fintech.
Theo PGS.TS. Đặng Tùng Lâm - Trưởng khoa Khoa Tài chính, Trường ĐH Kinh tế - ĐH Đà Nẵng, Cách mạng 4.0 với sự phát triển bùng nổ của công nghệ số đem lại những thay đổi chưa từng có, trong đó khởi sắc toàn cảnh bức tranh tài chính - ngân hàng toàn cầu mà Công nghệ tài chính (Fintech) đang có nhu cầu NNL rất lớn.

Tạo cơ hội cho sinh viên học tập, trải nghiệm Không gian sáng tạo số “DUE Digital Hub” đáp ứng yêu cầu phát triển các ngành đào tạo mới như Công nghệ tài chính.
Sự kết hợp giữa kiến thức lõi về tài chính (Finance) và công nghệ (Technology) giúp thay đổi căn bản phương thức kinh doanh, dịch vụ với các mô hình, sản phẩm tiện ích, hiện đại, đem lại giá trị gia tăng cao. Sinh viên theo học ngành Fintech được trang bị tích hợp kiến thức, kỹ năng để vừa am hiểu sâu về tài chính, vừa nắm vững, vận dụng được công nghệ số để có những giải pháp tối ưu hóa quy trình vận hành, kết nối hiệu năng, hiệu quả trong hoạt động tài chính quốc tế.
Bước vào năm 2025, Trường ĐH Kinh tế - ĐH Đà Nẵng đẩy mạnh mở các chương trình đào tạo mới đón đầu xu thế, đáp ứng nhu cầu NNL CLC để thực hiện nhiệm vụ lớn như: Tài chính quốc tế (ngành Tài chính - Ngân hàng); Trí tuệ nhân tạo trong Kinh doanh (ngành Hệ thống thông tin quản lý); Giao nhận và vận tải quốc tế (ngành Kinh doanh quốc tế). 03 chương trình đào tạo hoàn toàn phần bằng tiếng Anh gồm: Kinh doanh quốc tế, Marketing số và Thương mại điện tử.
Các chương trình này được chú trọng triển khai đào tạo theo cơ chế đặc thù, vừa ưu tiên bố trí đội ngũ giảng viên có trình độ cao, được đào tạo ở các nước tiên tiến, vừa tận dụng các nguồn giảng viên, chuyên gia trong các thỏa thuận hợp tác, dự án, liên kết đào tạo quốc tế. Sinh viên được tăng cường đáng kể thời lượng học tập, nghiên cứu các nội dung bài giảng và tài liệu học thuật bằng tiếng Anh, có cơ hội tham gia các khóa bồi dưỡng nghiệp vụ khác để bổ trợ, hoàn thiện nâng cao năng lực hội nhập, cạnh tranh như: Chứng chỉ Kế toán công chứng Anh và xứ Wales – ICAEW (Kế toán); Chứng chỉ kế toán Anh quốc - ACCA (Kiểm toán)…

Đưa vào khai thác hiệu quả VKU Fintech Hub gắn kết giữa ứng dụng tri thức và công nghệ trong đào tạo, nghiên cứu, góp phần phát triển NNL CLC.
“Bên cạnh phương thức đào tạo truyền thống, Trường ĐH Kinh tế - ĐH Đà Nẵng đẩy mạnh áp dụng công nghệ mới trong dạy - học theo phương thức đào tạo kết hợp trực tiếp và trực tuyến (Blended Learning). Nhờ đó, thầy và trò tăng thêm tính chủ động, linh hoạt, cá nhân hóa trong học tập được thuận tiện, hiệu quả mọi lúc, mọi nơi. Với mạng lưới đối tác là các trường ĐH, doanh nghiệp uy tín trong và ngoài nước, sinh viên còn có thêm nhiều cơ hội thực hành, thực tập, học hỏi chuyên gia để chủ động bắt nhịp, thích ứng với yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động trong nước, quốc tế”, PGS.TS. Lê Văn Huy - Hiệu trưởng Nhà trường chia sẻ.
Phát huy cơ chế tự chủ ĐH, với sức mạnh cộng hưởng từ các trường ĐH thành viên tích hợp tri thức đa ngành, liên ngành, ĐH Đà Nẵng không những thể hiện rõ vai trò chủ lực trong chỉ đạo, điều phối mà còn là hạt nhân gắn kết “ba nhà” (Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp) trong đào tạo, sử dụng hiệu quả NNL CLC, đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển Trung tâm Tài chính khu vực và Khu Thương mại tự do tại thành phố Đà Nẵng trong thời gian tới.