Đào tạo nhân lực ngành kiến trúc đáp ứng nhu cầu xã hội
Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội những năm qua tiếp tục duy trì sức hút, đảm bảo chất lượng đào tạo. Trước bối cảnh kinh tế-xã hội phát triển, đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao, đặt ra cho nhà trường nhiều nhiệm vụ mới đáp ứng nhu cầu của xã hội.
Nhân ngày Kiến trúc Việt Nam (27-4), phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã có cuộc trò chuyện với PGS, TS, KTS Lê Quân, Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội xung quanh vấn đề này.
Phóng viên (PV): Đề nghị ông cho biết về truyền thống đào tạo ngành kiến trúc của nhà trường qua hơn nửa thế kỷ?
PGS, TS, KTS Lê Quân: Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội được thành lập ngày 17-9-1969 nhưng thực ra đã có lịch sử 61 năm đào tạo tính từ thời kỳ đào tạo kiến trúc sư tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Nhà trường có rất nhiều đóng góp cho đất nước qua các thời kỳ lịch sử.
Trong giai đoạn hiện nay, quá trình đô thị hóa tại Việt Nam hết sức nhanh chóng, đưa vị trí, vai trò của ngành xây dựng và kiến trúc lên tầm cao mới. Nhà trường xác định phải nỗ lực cố gắng vượt bậc mới có thể đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành kiến trúc. Đây là nhiệm vụ chính trị của nhà trường, đồng thời cũng là nhiệm vụ để giữ gìn và phát huy truyền thống vẻ vang mà bao thế hệ cán bộ, giảng viên, sinh viên đã đóng góp vun đắp, dựng xây.
PV: Cụ thể về những đổi mới, giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo tại Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội thời gian gần đây là gì, thưa ông?
PGS, TS, KTS Lê Quân: Xét cả hai phương diện số lượng và chất lượng, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội đều có bước tiến vững chắc trong những năm qua. Về số lượng thì nhà trường vẫn giữ được sức hút trong tuyển sinh, vẫn đào tạo các lớp KTS để phục vụ nhu cầu xã hội. Còn về chất lượng nhà trường đã được khẳng định là một trung tâm đào tạo các ngành quy hoạch và kiến trúc có uy tín lớn nhất ở Việt Nam.
Kiến trúc là một trong những ngành vừa nghệ thuật vừa kỹ thuật, có sự tổng hợp cao nên đổi mới đào tạo thế nào đi nữa phải phát triển cả hai phía, không được thiên lệch. Hiện nay, nhà trường đẩy mạnh đào tạo ba mảng là nghệ thuật, kỹ thuật và quản lý. Ngoài ra sẽ có những hệ thống ngành để bổ trợ, cho nên số lượng các ngành đào tạo của trường trong những năm qua tăng lên.
Về mảng kỹ thuật, có những ngành mới như kỹ thuật hạ tầng và môi trường đô thị, kỹ thuật công trình ngầm đô thị, công nghệ kỹ thuật vật liệu xây dựng, kỹ thuật cấp thoát nước, bảo tồn di sản kiến trúc đô thị... Kiến trúc cũng là một ngôi đền nghệ thuật nên không thể không kể đến những ngành đào tạo nghệ thuật, nhất là design (thiết kế) như thiết kế đồ họa, thiết kế nội thất, thiết kế thời trang... Về những ngành học quản lý có quản lý bất động sản, quản lý dự án kinh tế đô thị... Các ngành nghề có sự bổ trợ liên kết với nhau để tạo ra yếu tố tổng hợp nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng toàn diện yêu cầu của xã hội.
Trong bối cảnh nước ta hội nhập quốc tế sâu rộng, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội đẩy mạnh hợp tác với các cơ sở đào tạo nước ngoài có uy tín để tạo ra hệ thống chương trình đào tạo hiệu quả. Điều này tạo điều kiện cho sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể học lên trình độ cao hơn ở nước ngoài, không chỉ thuận lợi khởi nghiệp ở Việt Nam mà còn ở nước ngoài.
PV: Còn những thách thức đặt ra với nhà trường trong công tác đào tạo hiện nay như thế nào?
PGS, TS, KTS Lê Quân: Cơ sở vật chất phục vụ đào tạo còn gặp một số khó khăn bởi đặc thù của đào tạo kiến trúc là sử dụng lượng vật chất và kỹ thuật của xã hội. Với sự quan tâm của Bộ Xây dựng, nhà trường đang nỗ lực tập trung đầu tư để có các lớp học, xưởng thiết kế, phòng thí nghiệm tốt nhất; tạo ra môi trường học tập tiên tiến như các nước trong khu vực. Chỉ khi đạt các tiêu chuẩn cơ sở vật chất mới được các tổ chức kiểm định giáo dục công nhận đạt tiêu chuẩn khu vực và thế giới.
Một thách thức khác của Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội hiện nay là thực hiện tự chủ đại học. Nhà trường cố gắng thay đổi nhận thức từ giảng viên, nhân viên và người lao động của trường để bước vào quy trình tự chủ một cách chủ động. Đồng thời nhà trường nỗ lực gắn kết các môi trường đào tạo với môi trường doanh nghiệp và các đối tượng sử dụng lao động, đáp ứng nhu cầu xã hội.
PV: Trình độ KTS Việt Nam nói chung, những người được đào tạo từ Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội nói riêng được những người có chuyên môn đánh giá cao. Thế nhưng nhiều trường hợp lại chưa có “đất dụng võ” để thể hiện năng lực của mình. Ông có ý kiến gì nhận định này?
PGS, TS, KTS Lê Quân: Triết lý đào tạo của nhà trường là giúp sinh viên khám phá và phát huy năng thực sáng tạo của bản thân. Đồng thời phải biết cân bằng và hài hòa với thực tại xã hội, cũng như yêu cầu phát triển của bối cảnh để có được thành công nghề nghiệp. Đặc thù ngành kiến trúc là sử dụng một khối lượng vật chất khổng lồ, từ xây dựng một tòa nhà vài trăm tỷ đồng cho đến quy hoạch một thành phố hàng trăm nghìn tỷ đồng nên chúng tôi luôn nâng cao ý thức cho sinh viên về trách nghiệm nghề nghiệp với đất nước, với thế hệ sau mai sau.
Lượng vốn, lượng vật chất phụ thuộc rất nhiều vào sự phát triển của xã hội. Câu chuyện kiến trúc phát triển phụ thuộc vào nền tảng kinh tế xã hội chứ không tự nhiên mọi thứ có sẵn. Với sự phát triển của đất nước ngày một giàu đẹp, chúng tôi tin ý thức của cộng đồng có mức kinh tế khá giả sẽ nghĩ đến ngôi nhà, các công trình xây dựng của họ sang trọng hơn, tiện nghi hơn, màu sắc hơn, đến lúc ấy ngành kiến trúc và kiến trúc sư sẽ có “đất dụng võ”.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!