Đào tạo nhân lực theo tiêu chuẩn nghề nghiệp quốc tế - Bài 1: Chuyển hướng

Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện việc phát triển nguồn nhân lực có chất lượng, tay nghề cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Học sinh sinh viên trong giờ học về điện tại Trường Cao đẳng nghề công nghiệp Hà Nội. Ảnh tư liệu: Anh Tuấn/TTXVN

Học sinh sinh viên trong giờ học về điện tại Trường Cao đẳng nghề công nghiệp Hà Nội. Ảnh tư liệu: Anh Tuấn/TTXVN

Trước sự vận động, phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ và tri thức nhân loại, đặc biệt là yêu cầu của toàn cầu hóa, quốc tế hóa, giáo dục nghề nghiệp Việt Nam cần những đổi mới mạnh mẽ để có thể đảm đương được trách nhiệm đào tạo, bồi dưỡng nhân lực trực tiếp phục vụ cho sản xuất, kinh doanh, đáp ứng yêu cầu hội nhập.

Chùm hai bài "Đào tạo nhân lực theo tiêu chuẩn nghề nghiệp quốc tế" sẽ khái quát một số nét về thực trạng lao động của Việt Nam hiện nay; cũng như đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần phục hồi và phát triển nền kinh tế.

Bài 1: Chuyển hướng

Trong bối cảnh bùng nổ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cùng với việc Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, yêu cầu lao động đạt chuẩn quốc tế là tất yếu. Việt Nam giờ không chỉ là công xưởng gia công, lắp ráp đơn thuần mà đang hướng mạnh đến sự sáng tạo đi liền với công nghệ, khoa học kỹ thuật, dịch vụ ứng dụng vào sản xuất, chế tạo. Có thể nói, nguồn lao động giá rẻ dồi dào vốn là lợi thế nhưng nếu không nhanh chóng chủ động thay đổi cơ cấu sẽ trở thành rào cản cho doanh nghiệp Việt Nam trong giai đoạn hội nhập.

Nhiều thách thức đặt ra

Là doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn Bắc Ninh, có rất nhiều thuận lợi về cơ chế hành chính, nhưng Công ty Catalan lại có những khó khăn nhất định về công nhân lao động. Khu vực doanh nghiệp đặt trụ sở có rất nhiều làng nghề như: Văn Môn, Phong Khê, Đồng Kỵ, vì vậy, việc tuyển dụng công nhân lao động của công ty tương đối khó khăn.

Ông Nguyễn Văn Nguyên, Phó Tổng Giám đốc Công ty Catalan cho biết: Do máy móc thiết bị hiện đại, công ty rất cần công nhân lao động có trình độ, được đào tạo từ ban đầu. Tuy nhiên, việc tuyển lao động có trình độ kỹ thuật từ trung cấp trở lên hiện nay rất khó khăn. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hầu như doanh nghiệp đã đăng ký ngay từ khi sinh viên còn đang học ở trong trường. Nếu công ty có tuyển, tỷ lệ lao động đã được đào tạo tương đối thấp, chủ yếu là lao động phổ thông từ các tỉnh khác về đây, còn những tỉnh lân cận đây, số lượng rất hạn chế.

Thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho thấy, hiện Việt Nam có khoảng 4,7 triệu lao động làm việc trực tiếp trong khu vực FDI, trong đó 980.000 là chuyên gia nước ngoài. Tuy nhiên, nghiên cứu phát triển chất lượng nguồn nhân lực các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam trong giai đoạn cách mạng công nghiệp lần thứ 4 được thực hiện gần đây cho thấy, 80% số lao động Việt Nam làm việc ở khu vực này hiện không có bằng cấp/chứng chỉ đào tạo, thiếu kỹ thuật và các kỹ năng cốt lõi khác.

Bà Đỗ Thị Thúy Hương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam chia sẻ: Các lao động vào doanh nghiệp của Hiệp hội hầu hết phải đào tạo lại. Việc đào tạo chủ yếu là những kỹ năng cơ bản trong việc làm việc nhóm, kỹ năng tuân thủ kỷ luật lao động, kỹ năng tuân thủ các quy trình, quy phạm trong kỷ luật sản xuất. Đây là những việc nhiều cơ sở đào đạo chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, dẫn đến các doanh nghiệp vẫn phải mất thời gian đào tạo lại.

Theo Tiến sỹ Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), Việt Nam là một nước có nguồn nhân lực khá dồi dào so với các nước trong khu vực. Nếu tính theo dân số thuộc độ tuổi lao động, Việt Nam đứng thứ ba, chỉ sau Indonesia và Philippin. Cũng theo bản tin thị trường lao động của năm 2020, Việt Nam có hơn 54 triệu lao động trên tổng số 97 triệu người. Có thể thấy, Việt Nam đang có cơ cấu dân số vàng, tức là trong tổng số dân có một nửa là lực lượng lao động. Đây là điều mà nhiều quốc gia đang mơ ước. Việt Nam đang có một lợi thế hơn rất nhiều các nước khác ở chỗ: lực lượng lao động trẻ và có nhiều tiềm năng để phát triển nguồn lực. Đó là thuận lợi lớn trong việc này đào tạo phát triển nguồn nhân lực.

Dù vậy, một số hạn chế cũng chính là thách thức đang đặt ra đối với nguồn nhân lực của Việt Nam. Đầu tiên là tỷ lệ lao động qua đào tạo trong tổng số hơn 54 triệu lao động đang tham gia thị trường lao động từ 15 tuổi trở lên, mới chỉ có khoảng 24,2 % lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ, tức là chỉ tương đương với khoảng hơn 12 triệu người. Nếu so sánh với các nước, đặc biệt các nước phát triển, đây là một con số không vui. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến hiệu quả năng suất lao động thấp, năng lực cạnh tranh quốc gia thấp - Tiến sỹ Vũ Xuân Hùng nêu thực tế.

Cũng theo Tiến sỹ Vũ Xuân Hùng, hạn chế tiếp theo của lao động Việt Nam đó là cơ cấu trình độ bất hợp lý so với nhiều quốc gia trên khu vực và thế giới. Trong số 24,2% lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ, chỉ có khoảng 40% là có trình độ đại học; 13% có trình độ cao đẳng; 15% có trình độ trung cấp và khoảng 25% là trình độ sơ cấp. Nhu cầu thị trường lại không cần cơ cấu trình độ như vậy. Đây là điều bất hợp hợp lý cần phải cải thiện. Đồng thời, theo báo cáo về mức độ sẵn sàng cho việc sản xuất trong tương lai của Diễn đàn Kinh tế thế giới công bố năm 2018, Việt Nam đứng thứ 71/100 về nguồn nhân lực và đứng thứ 81/100 về lao động có kỹ năng. Đây là bức tranh chung về nguồn nhân lực của Việt Nam hiện nay.

Tín hiệu mừng cho việc chuyển hướng đào tạo

Các quốc gia trên thế giới đều xác định nguồn nhân lực nói chung, nguồn nhân lực chất lượng cao là một lợi thế trong việc nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của mỗi quốc gia. Tiến sỹ Vũ Xuân Hùng nêu rõ: Nhiều năm trở lại đây, Đảng, Nhà nước ta rất quan tâm đến vấn đề này. Gần đây nhất, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định phát triển nguồn nhân lực nói chung và nguồn nhân lực chất lượng cao nói riêng là đột phá chiến lược.

Thực hiện chủ trương của Đảng, ngay từ năm 2014, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã trình Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 37-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao; đồng thời tham mưu trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều cơ chế chính sách liên quan đến phát triển nguồn nhân lực trong đó có nguồn nhân lực chất lượng cao, như: Quyết định số 371/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Chuyển giao các bộ chương trình; đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề; đào tạo các nghề trọng điểm cấp độ khu vực ASEAN, quốc tế" giai đoạn 2012 - 2015; Quyết định số 761/QĐ-TTg phê duyệt "Đề án phát triển trường nghề chất lượng cao đến năm 2020"; Quyết định số 1363/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Đề án "Phát triển trường cao đẳng chất lượng cao đến năm 2025"; Quyết định số 1446/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình "Đào tạo, đào tạo lại nâng cao kỹ năng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư"; Quyết định số 2239/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quyết định 2222/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Cũng từ năm 2014, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tiến hành thực hiện chương trình thí điểm đào tạo theo chương trình chuyển giao quốc tế vào Việt Nam. Đến nay, đã triển khai xong việc thực hiện thí điểm đào tạo 12 nghề chuyển giao từ Australia và đang thực hiện thí điểm 22 nghề từ Cộng hòa Liên bang Đức. Đồng thời, Bộ đã thực hiện việc quy hoạch lại các trường, phê duyệt các ngành nghề trọng điểm.

Theo đó, chương trình tuyển sinh đào tạo 22 nghề theo tiêu chuẩn Đức đã được 45 trường Cao đẳng triển khai thực hiện từ năm 2019. Các nghề theo chương trình đào tạo bao gồm: Bảo trì hệ thống thiết bị cơ khí; Chế biến và bảo quản thủy sản; Chế tạo thiết bị cơ khí; Công nghệ chế tạo vỏ tàu thủy; Cắt gọt kim loại; Công nghệ ôtô; Điện công nghiệp; Điều khiển tàu biển; Gia công và thiết kế sản phẩm mộc; Hàn; Khai thác máy tàu thủy; Kỹ thuật chế biến món ăn; Lắp đặt thiết bị cơ khí; Quản trị khách sạn; Quản trị lễ tân; Sửa chữa máy tàu thủy; Vận hành máy thi công nền; Thiết kế thời trang; Vận hành thiết bị chế biến dầu khí; Điện tàu thủy; Kỹ thuật xây dựng; Vận hành máy thi công mặt đường

Thời gian khóa học là 3-3,5 năm tùy theo từng nghề. Áp dụng đào tạo theo chương trình này, sinh viên được học các kiến thức, kỹ năng nâng cao so với chương trình chuẩn quốc gia, như các chương trình nội dung mềm như ngoại ngữ, tin học, tiếp theo là các phần chuyên môn như kiến thức, kỹ năng tiếp cận các trình độ, năng lực của công nghệ 4.0. Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo, sinh viên được đánh giá kết quả đầu ra. Khi đạt yêu cầu, sinh viên sẽ được cấp hai bằng: một bằng tốt nghiệp cao đẳng của Việt Nam do trường tổ chức đào tạo cấp và một bằng tốt nghiệp của Đức (tương đương với trình độ bậc 4 theo khung trình độ quốc gia Đức).

Là một trong 45 trường đào tạo nghề chất lượng cao theo Quyết định 761/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội được thực hiện đào tạo theo chương trình chuyển giao thí điểm từ Cộng hòa Liên bang Đức đối với hai nghề: Điện công nghiệp và Cắt gọt kim loại. Tiến sỹ Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Cao đẳng Cơ điện Hà Nội cho biết: Đội ngũ nhà giáo của nhà trường đã được học tập tại Đức, được cấp công nhận giảng viên đủ điều kiện đào tạo theo tiêu chuẩn. Nhà trường đã chuẩn bị, đồng thời đầu tư đồng bộ và được phía Đức đã công nhận là một trường có đủ điều kiện môi trường sư phạm để đào tạo theo chuẩn của Đức. Cùng với việc chú trọng tạo chất lượng cao, nhà trường hợp tác với nhiều doanh nghiệp theo phương châm đào tạo những gì doanh nghiệp cần chứ không phải nhà trường có.

Nhà trường và doanh nghiệp cùng xác định chương trình đào tạo, mục tiêu đào tạo để đưa ra nhân lực phù hợp đúng với tiêu chuẩn và nhu cầu của doanh nghiệp, từ đó khắc phục được việc đào tạo lại. Nhà trường có thể tự hào và khẳng định những gì đang làm với doanh nghiệp không những là nhu cầu mà đó là hệ quả, thành tích của nhà trường để đưa hợp tác này là win – win - Tiến sỹ Đồng Văn Ngọc nói.

Khẳng định tính hiệu quả của chương trình đào tạo, Giảng viên Từ Việt Ba, khoa Điện Công nghiệp (trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội) cho biết: Đây là khóa đầu tiên tại trường được đào tạo theo chương trình chuyển giao thí điểm từ Cộng hòa Liên bang Đức. Mô hình này là đào tạo song phương vừa đến học tập tại trường vừa đến doanh nghiệp để làm việc. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp đã đề nghị nhận các em vào làm việc sau khi ra trường. Sinh viên có thể thoải mái lựa chọn các doanh nghiệp, thậm chí là đi làm việc tại Đức, bởi đã có khá nhiều đơn vị đã đặt vấn đề để các em làm việc tại Đức.

Cũng là một trong 45 trường đào tạo nghề chất lượng cao theo Quyết định 761/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc luôn đẩy mạnh nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên có tay nghề, có chuyên môn, hướng tới mục tiêu đào tạo nhân lực trực tiếp cho sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên sau khi hoàn thành khóa học có khả năng tìm hoặc tự tạo việc làm hay học lên trình độ cao hơn.

Tiến sỹ Hồ Văn Đàm, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc chia sẻ: Chế tạo các linh kiện khuôn và các linh kiện cao cấp ví dụ như bảo trì thiết bị cơ khí, ngành hàn 6G, các ngành cơ điện tử…. là các ngành mũi nhọn mà Nhà trường đang đào tạo. Đặc biệt, Nhà trường hiện đang đào tạo ngành công nghệ ô tô gắn kết với doanh nghiệp và đào tạo theo chứng chỉ, bằng cấp quốc tế, theo các nước Cộng hòa Liên bang Đức, Australia...

Có thể nói, nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp hiện nay có những thay đổi rõ rệt về quy mô tuyển sinh, về phát triển trình độ giáo viên, quản trị nhà trường, cơ sở vật chất, trang thiết bị hướng đến hoàn thành mục tiêu xây dựng trường trọng điểm đạt chuẩn chất lượng cao. Đáng chú ý, theo thống kê của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, hiện nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã ký kết hợp tác với 70-80 doanh nghiệp. Đó là tín hiệu đáng mừng cho sự chuyển hướng đào tạo, đáp ứng nhu cầu cung cấp nguồn cung lao động có tay nghề cao, sẵn sàng hội nhập thị trường lao động khu vực ASEAN và quốc tế.

Bài cuối: Gắn kết với doanh nghiệp

Phúc Hằng (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/xa-hoi/dao-tao-nhan-luc-theo-tieu-chuan-nghe-nghiep-quoc-te-bai-1-chuyen-huong-20220421075440842.htm