Đào tạo nhân viên theo kiểu độc hại

Những ngày qua, mạng xã hội xôn xao trước clip ghi lại buổi đào tạo nhân viên của một công ty mỹ phẩm. Để trừng phạt những người không hoàn thành định mức, nữ CEO của công ty đã dùng dây thun bắn mạnh vào cổ tay nhân viên nữ kèm những lời lẽ mạt sát đến nỗi người này bật khóc nức nở. Những nhân viên khác ngồi phía dưới cũng đồng loạt khóc theo.

Cộng đồng mạng nghi ngờ các nhân viên bị thao túng tâm lý

Sau khi vỡ nhẽ đây là một chương trình đào tạo của một công ty mỹ phẩm, người xem tiếp tục khó hiểu bởi “căn cứ vào giáo trình nào” để một người quản lý có thể hét vào mặt nhân viên những lời kiểu như: “Mày không xứng đáng làm người đứng đầu. Mày là 1 đứa không nỗ lực. Sao đội nhóm của mày không trung thực? Tại sao đội nhóm này của mày cho đến giờ phút này vẫn chưa bùng nổ?”.

Một kiểu “đào tạo” bị lên án khác: Bắt ăn cơm trong tư thế trói tay

Một kiểu “đào tạo” bị lên án khác: Bắt ăn cơm trong tư thế trói tay

Đây không phải là lần đầu tiên phương pháp đào tạo được gọi tên là “thử thách nguy hiểm, rèn luyện bản lĩnh và sự kiên cường” được đem ra bàn luận. Trước đó, những bài tập kiểu đi chân trần trên gai sầu riêng hay thử thách ăn cơm trong khi bị trói tay (buộc người chơi phải quỳ dưới sàn, chúi đầu xuống phần cơm ăn trực tiếp như kiểu ăn của gia súc) đã bị lên án là “bệnh hoạn”, “vô tri”, “chả có ý nghĩa gì”…

Nhiều người cho rằng những nhân viên này đã bị thao túng tâm lý, và họ chỉ còn phản xạ bắt chước đám đông chứ ở thời điểm đó, lý trí và logic đã hoàn toàn “bị khóa lại”.

Nhiều bác sĩ sau đó cũng lên tiếng cảnh báo về nguy hiểm của trò bắn dây thun vào tay. Bác sĩ Nguyễn Văn Thắng (BV Đại học Y) trả lời Tiền Phong rằng: “Cổ tay là vùng tập trung nhiều dây thần kinh, gân và mạch máu quan trọng. Khi một nhiều sợi dây thun được chập lại và bắn đi với lực mạnh, nó như một viên đạn nhỏ, tác động trực tiếp và đột ngột lên vùng da này. Điều này có thể gây ra những tổn thương nghiêm trọng như: Bầm tím và chảy máu dưới da, tổn thương dây thần kinh gây ra nguy cơ tắc mạch. Điều này rất nguy hiểm và có thể dẫn đến đau đớn dữ dội, giảm lưu thông máu và cần can thiệp y tế ngay lập tức”.

Những cú bắn thun mạnh khiến cổ tay cô gái đỏ bừng

Những cú bắn thun mạnh khiến cổ tay cô gái đỏ bừng

Anh Đỗ Tiến Minh (Chuyên gia đào tạo doanh nghiệp) chia sẻ: “Trong những năm gần đây, dư luận xã hội đã không ít lần bàng hoàng trước những thông tin về các hình thức “đào tạo” nhân viên mang tính bạo lực. Việc cố ý gây đau đớn, tổn thương về thể xác lẫn tinh thần cho người khác, đặc biệt là trong môi trường làm việc, đều là hành vi đáng lên án. Việc bắn dây thun vào cổ tay nhân viên, hay những hình thức “đào tạo” tương tự, không chỉ đơn thuần là một hành động bạo lực, mà còn là một sự vi phạm nghiêm trọng nhân quyền, đạo đức nghề nghiệp và pháp luật. Dưới vỏ bọc của việc “rèn luyện kỷ luật”, những hành vi này thực chất là một hình thức bạo lực tinh thần, gây ra những tổn thương sâu sắc về tâm lý cho người bị hại”.

Có một thông tin đáng chú ý: Công ty “đào tạo” xuất hiện trong clip chính là Mỹ phẩm Huyền Phi. Trước đó, từ năm 2020 đến năm 2023, công ty này đã liên tục bị các cơ quan chức năng xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động kinh doanh vì trong mỹ phẩm có chất cấm, không rõ nguồn gốc hoặc vi phạm luật quảng cáo sản phẩm. Đơn cử, thời điểm năm 2020, thực phẩm chức năng giảm cân Đằng sâm nang của Mỹ phẩm Huyền Phi đã bị Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng công bố là không có thành phần như mô tả trên bao bì. Ngược lại còn chứa một hàm lượng rất cao Sibutramine (724,56 mg/100g). Đây là loại chất có thể gây mất ngủ, tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim và có thể gây đột quỵ. Vào năm 2023, sản phẩm Serum thâm X2 – Nhãn hàng Mỹ phẩm Huyền Phi bị thu hồi vì chứa chất cấm trong sản phẩm mỹ phẩm chăm sóc da.

Một kiểu “đào tạo” độc hại

Bình luận về cách thức “đào tạo” bằng việc bắn dây thun vào cổ tay nhân viên, Tiến sĩ tâm lý Hà Trang cho rằng: “Đây là một kiểu “đào tạo” độc hại. Trong trường hợp của những nhân viên bị bắn dây thun, họ có thể cảm thấy sợ hãi, bất an và luôn lo lắng về việc sẽ bị trừng phạt nếu không hoàn thành nhiệm vụ. Thêm nữa, việc bị đối xử một cách tàn nhẫn khiến họ mất đi niềm tin vào bản thân, cảm thấy mình không có giá trị. Chưa kể, việc bị công khai trừng phạt trước mặt đồng nghiệp khiến họ cảm thấy xấu hổ và bị tổn thương lòng tự trọng”.

Chị Trang cũng dẫn chứng nhiều trường hợp bệnh nhân đến điều trị trầm cảm do những áp lực từ công việc như: không được công nhận, bị bêu gương trước toàn thể cơ quan, bị “đì”, bị cô lập…

Nhân viên bị bắn dây thun vào cổ tay để trừng phạt đang gục xuống khóc nấc lên

Nhân viên bị bắn dây thun vào cổ tay để trừng phạt đang gục xuống khóc nấc lên

“Năm ngoái tôi có điều trị cho một bệnh nhân là lập trình viên tài năng, từng là niềm tự hào của công ty. Tuy nhiên, dưới áp lực phải hoàn thành dự án trong thời gian ngắn, anh thường xuyên phải làm việc ngoài giờ, thậm chí cả cuối tuần. Cùng với đó là những lời thúc giục, phê bình gay gắt từ sếp khiến anh cảm thấy kiệt sức và vô giá trị. Dần dần, H trở nên thu mình, ít giao tiếp và thường xuyên rơi vào trạng thái buồn chán, mất ngủ. Hoặc đầu năm nay, có bệnh nhân là một nhân viên kinh doanh, thường xuyên phải đối mặt với áp lực doanh số khổng lồ. Mỗi ngày, chị phải gọi hàng trăm cuộc điện thoại, thuyết phục khách hàng mua sản phẩm. Khi không đạt được chỉ tiêu, chị bị sếp mắng mỏ trước mặt đồng nghiệp. Cảm giác bị coi thường và thất bại khiến chị tự ti và chán nản, thậm chí từng nghĩ đến tự tử”.

“Các bạn trẻ khi tìm kiếm cơ hội việc làm, hãy hết sức tỉnh táo và cảnh giác. Đừng để những lời hứa hẹn về mức lương cao, chế độ đãi ngộ hấp dẫn che mắt trước những thực tế phũ phàng. Có những công ty, dưới vỏ bọc chuyên nghiệp, lại sử dụng những hình thức “đào tạo” vô cùng thiếu chuyên nghiệp như kiểu bắn dây thun vào cổ tay để trừng phạt nhân viên.

Những hành vi này không chỉ vi phạm pháp luật mà còn gây tổn thương về cả thể xác và tinh thần. Đừng bao giờ chấp nhận làm việc trong một môi trường như vậy. Hãy lựa chọn những công ty có văn hóa doanh nghiệp lành mạnh, tôn trọng nhân viên và tạo điều kiện để bạn phát triển”.

(Chuyên gia đào tạo Đỗ Tiến Minh)

Tiến sĩ Hà Trang ví việc bắn dây thun vào cổ tay giống như việc “tự tay mình đâm một chiếc kim vào cơ thể. Mặc dù vết thương có thể nhỏ, nhưng nó lại tiềm ẩn nhiều nguy hiểm khó lường, nhất là về mặt tâm lý. Vết thun đỏ trên da có thể nhanh chóng lành lại, nhưng nỗi đau tinh thần và sự tổn thương về tâm lý lại âm ỉ và phong bế người ta rất lâu”.

Về công thức đào tạo “kích phát tiềm lực” của nhân viên mà công ty mỹ phẩm Huyền Phi đang áp dụng, chuyên gia đào tạo Đỗ Tiến Minh tiết lộ: “Có thể, công ty này học một số mô hình đào tạo của Trung Quốc. Một vài năm trước, ở nước láng giềng rất thịnh hành kiểu team building theo xu hướng “áp lực mới tạo nên kim cương”. Có công ty ở Phúc Đán bắt nhân viên tăng ca liên tục trong 18 tiếng để “chuẩn bị cho những hợp đồng gấp” khiến một người chết vì trụy tim, vụ này sau đó ầm ĩ rất lâu. Lại có công ty áp dụng công thức đào tạo sinh tồn của quân đội, bắt nhân viên nuốt sâu bọ để rèn sức chịu đựng, cõng nhau đi trên gai, chạy bộ dưới nắng để rèn sự kiên trì, làm sạch kính của nhà cao tầng mà không có dụng cụ chuyên nghiệp để kích thích sáng tạo v.v… Về sau dư luận phản ứng và các tổ chức Công đoàn vào cuộc, xu hướng này mới tạm lắng yên. Thì bây giờ nó lại mon men đến Việt Nam”.

“Tuyệt đối không có kỳ tích nào xảy ra khi nhân viên bị đối xử theo cách như vậy”, anh Minh kết luận. “Việc đào tạo và ép buộc nhân viên làm việc quá sức, cùng với những hình thức kỷ luật hà khắc tạo ra môi trường làm việc độc hại, gây ra căng thẳng, áp lực tâm lý lớn, làm giảm sút tinh thần làm việc, thậm chí dẫn đến các vấn đề sức khỏe về thể chất và tinh thần. Nhân viên sẽ cảm thấy không được tôn trọng, mất động lực làm việc, và cuối cùng sẽ tìm cách rời bỏ công ty. Về phía doanh nghiệp, việc mất đi nhân tài, giảm năng suất lao động, tăng tỷ lệ nghỉ việc và hình ảnh doanh nghiệp bị xấu đi là những hậu quả trực tiếp. Ngoài ra, doanh nghiệp còn có thể phải đối mặt với các vụ kiện tụng, phạt hành chính, và mất đi sự tin tưởng của khách hàng và đối tác”.

HẠ ĐAN

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/dao-tao-nhan-vien-theo-kieu-doc-hai-post1677443.tpo