Đào tạo sát thực tiễn - Nhìn từ Trường Sĩ quan Lục quân 1 - Bài 1: Học làm chỉ huy cấp phân đội
LTS: Tại các buổi làm việc với Trường Sĩ quan Lục quân (SQLQ) 1, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng yêu cầu nhà trường phải đào tạo được đội ngũ cán bộ không chỉ 'biết' mà phải 'thông', phải 'giỏi'; yêu cầu Trường SQLQ 1 bám sát đơn vị, nghiên cứu đổi mới nội dung, chương trình, nâng cao chất lượng công tác giáo dục-đào tạo phù hợp với thực tiễn.
Lĩnh hội chỉ đạo của đồng chí Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đảng ủy, Ban giám hiệu nhà trường đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo cho các đối tượng, nhất là đào tạo sĩ quan chỉ huy tham mưu lục quân cấp phân đội bậc đại học, đảm nhiệm cương vị đầu tiên là trung đội trưởng sau khi tốt nghiệp ra trường.
Bài 1: Học làm chỉ huy cấp phân đội
Trung đội trưởng là người cán bộ gần gũi, luôn bám sát mọi hoạt động của bộ đội, nhất là trong quản lý, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu, thực hiện các nhiệm vụ được giao. Để hoàn thành tốt cương vị đầu tiên khi tốt nghiệp ra trường trước khi đảm nhiệm các chức vụ cao hơn, học viên Trường SQLQ 1 phải trải qua quá trình học tập, rèn luyện khoa học và nghiêm ngặt.
Vai trò quan trọng của trung đội trưởng
Mới đây, chúng tôi đến một số đơn vị thuộc Quân đoàn 1 và Quân khu 4 để tìm hiểu về chức trách, nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ trung đội trưởng. “Thực mục sở thị” công việc hằng ngày của Trung úy Trần Quang Dương, Trung đội trưởng Trung đội 2, Đại đội 8, Tiểu đoàn 8 (Trung đoàn 209, Sư đoàn 312, Quân đoàn 1) và Thiếu úy Nguyễn Văn Phước, Trung đội trưởng Trung đội 9, Đại đội 3, Tiểu đoàn 1 (Trung đoàn 1, Sư đoàn 324, Quân khu 4), chúng tôi nhận thấy, hằng ngày, các anh phải thực hiện 11 chế độ, từ sáng sớm đến tận đêm khuya với hơn 20 đầu việc. Theo các đồng chí trung đội trưởng, ở đơn vị chủ lực nên công tác huấn luyện là một trong những nhiệm vụ trọng tâm với nội dung toàn diện, cả về quân sự, chính trị và hậu cần, kỹ thuật... Đặc biệt, những năm gần đây, công tác huấn luyện có nhiều đổi mới, với việc tăng thời gian thực hành, huấn luyện đêm, huấn luyện cơ động, huấn luyện sát thực tế chiến đấu, kết hợp giữa huấn luyện với rèn luyện thể lực, tăng sức bền cho bộ đội... Vì thế, để đạt được kết quả cao, trung đội trưởng không những phải hiểu việc mà còn phải tinh thông kiến thức và có phương pháp khoa học mới hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao.
Trung đội 2, Đại đội 8, Tiểu đoàn 8 (Trung đoàn 209, Sư đoàn 312, Quân đoàn 1) có hàng chục chiến sĩ có tuổi đời sàn sàn với trung đội trưởng, đến từ nhiều địa phương ở miền Bắc. Nhiều chiến sĩ là người dân tộc thiểu số nên trình độ văn hóa, nhận thức còn hạn chế. Vì vậy, quá trình quản lý, giáo dục, huấn luyện, Trung đội trưởng Dương phải phân loại những đồng chí có kết quả học tập, rèn luyện còn yếu để bồi dưỡng, huấn luyện riêng, bảo đảm kết quả chung cho cả Trung đội. Ngoài ra, anh vừa đảm nhiệm huấn luyện, vừa phải duy trì và sửa tập cho bộ đội, kiểm tra đến từng người, nhất là những nội dung khó.
Công tác quản lý kỷ luật bộ đội cũng khá áp lực đối với trung đội trưởng, nhất là trong quản lý tư tưởng của cán bộ, chiến sĩ. Dù thực hiện “5 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng học, cùng làm, cùng chia sẻ với chiến sĩ) nhưng mỗi quân nhân có trình độ nhận thức khác nhau; nhiều đồng chí có tư tưởng, hành động khó đoán định. Bởi vậy, ngoài nắm chắc nguyên tắc, duy trì thực hiện nghiêm chế độ, nền nếp, trung đội trưởng phải có “kỹ năng mềm” để quản lý và thực hiện tốt phương châm “4 không”: Không quát mắng, dọa nạt; không áp đặt, rập khuôn, máy móc; không phân biệt đối xử; không làm trái quy định. Những kiến thức này tuy được trang bị từ nhà trường nhưng phải trải qua thực tiễn thì mới thấm và ngấm sâu được. Vì vậy, đội ngũ cán bộ trung đội trưởng ngoài kiến thức phải luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, sự cầu thị và sâu sát, gần gũi chiến sĩ.
Ngoài đôi mươi, cán bộ trung đội trưởng phải quản lý, huấn luyện, duy trì hàng chục con người thực hiện nhiệm vụ trong môi trường kỷ luật nghiêm minh, sẵn sàng chiến đấu cao. Họ chỉ có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ khi được đào tạo bài bản và chỉ khi hoàn thành tốt cương vị này mới đủ điều kiện để phát triển, đảm nhiệm các cương vị cao hơn. Yêu cầu này được Trường SQLQ 1 quán triệt sâu sắc, xây dựng nội dung, chương trình khoa học, tổ chức huấn luyện, đào tạo bài bản, bảo đảm khi học viên tốt nghiệp ra trường đủ khả năng hoàn thành cương vị, chức trách được giao.
Phấn đấu trở thành người chỉ huy mẫu mực
Theo Đại tá Trần Văn Cao, Trưởng phòng Đào tạo, Trường SQLQ 1, với mục tiêu đào tạo sĩ quan chỉ huy tham mưu lục quân cấp phân đội trình độ đại học, đảm nhiệm chức vụ ban đầu là trung đội trưởng sau khi ra trường, đủ điều kiện phát triển đến chức vụ tiểu đoàn trưởng và tương đương, nhà trường xây dựng quy trình đào tạo như sau: Học viên năm thứ nhất nắm được chức trách, nhiệm vụ của tiểu đội trưởng; năm thứ hai thành thạo chức trách, nhiệm vụ của tiểu đội trưởng, biết chức trách, nhiệm vụ trung đội trưởng; năm thứ ba thành thạo chức trách, nhiệm vụ trung đội trưởng, biết chức trách, nhiệm vụ đại đội trưởng; năm thứ tư thành thạo chức trách, nhiệm vụ đại đội trưởng, biết chức trách, nhiệm vụ tiểu đoàn trưởng.
Học viên Sùng A Ly, Trung đội 6, Đại đội 20, Hệ 7, người dân tộc Mông, quê xã Tả Ngảo, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu, tuy mới học ở Trường SQLQ 1 hơn nửa năm nhưng khi tiếp xúc với chúng tôi, Sùng A Ly rất tự tin và hoạt bát. Trung úy Đặng Hiếu, Trung đội trưởng Trung đội 6, Đại đội 20 cho hay, ngày mới vào trường, Sùng A Ly còn khá rụt rè, nhưng đến nay, Sùng A Ly rất mạnh dạn trước tập thể. Theo Trung đội trưởng Đặng Hiếu, học viên năm thứ nhất mới tiếp xúc với môi trường quân sự còn nhiều bỡ ngỡ, khó khăn nên cần sự đồng hành của đội ngũ cán bộ quản lý. Trong mọi công việc, từ học tập, huấn luyện, sinh hoạt, lao động, chỉ huy đơn vị phải hướng dẫn cụ thể, tỉ mỉ, bồi dưỡng kiến thức cơ bản để học viên nhanh chóng hòa nhập.
Trung úy Đặng Hiếu cũng là học viên của Trường SQLQ 1 nên anh rất hiểu vai trò của cán bộ đối với học viên, nhất là cán bộ trung đội. Trung đội trưởng là người trực tiếp quản lý, người thầy thứ hai, hướng dẫn, bổ trợ kiến thức cho học viên sau những giờ giảng viên lên lớp; là người anh luôn bám sát, nắm chắc, hiểu rõ tâm lý, sở trường, sở đoản của từng học viên để hướng dẫn hành động, xây dựng bản lĩnh, nhân cách, định hướng nghề nghiệp cho học viên. Đồng thời, động viên, khuyến khích, giúp đỡ học viên nêu cao ý thức trách nhiệm, tự giác học tập, rèn luyện, chấp hành nghiêm kỷ luật Quân đội.
Kết thúc giờ thực hành bắn súng, Thượng sĩ Nguyễn Huy Mạnh, học viên năm thứ ba, thuộc Trung đội 1, Đại đội 15, Tiểu đoàn 6, Trường SQLQ 1 nhanh chóng tập hợp Trung đội, tổ chức khám súng, kiểm tra quân số, vũ khí, trang bị, vật chất và chỉ huy học viên về đơn vị. Sau hơn hai năm, lĩnh hội những kiến thức cơ bản, Nguyễn Huy Mạnh bắt đầu “vào vai” trung đội trưởng, tuy trên cương vị thực tập nhưng anh duy trì mọi hoạt động của Trung đội rất chính quy. Từ quá trình đào tạo sang quá trình tự đào tạo, dưới sự uốn nắn của chỉ huy đơn vị, học viên tự tin, tích lũy kiến thức, trau dồi kinh nghiệm, rèn luyện phương pháp, tác phong người chỉ huy để làm hành trang cho quá trình công tác sau này.
Với kinh nghiệm quản lý hàng chục khóa học viên, Đại tá Phan Thế Cường, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 9, Trường SQLQ 1 cho rằng: Đội ngũ cán bộ quản lý là người thầy thứ hai, là tấm gương phản chiếu cho học viên học tập, noi theo. Mỗi lời nói, hành động, việc làm của cán bộ quản lý được học viên “sao chép” và vận dụng ở đơn vị trên cương vị chỉ huy sau này. Vì vậy, đội ngũ cán bộ quản lý phải chủ động tự học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ về mọi mặt; có kiến thức sâu rộng về khoa học xã hội và nhân văn quân sự; trách nhiệm cao, nhiệt tình, sâu sát bám nắm bộ đội; có trình độ, kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ huy, giáo dục, huấn luyện, quản lý, rèn luyện học viên.
Tại buổi nói chuyện với cán bộ, giảng viên, học viên Trường SQLQ Việt Nam (nay là Trường SQLQ 1) ngày 15-4-1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh huấn thị: “Bây giờ các chú học ra là phụ trách trung đội thì các chú chẳng những học chính trị, kỹ thuật mà còn phải học cách làm sao nắm được một trung đội. Có khi học kỹ thuật nắm một trung đội khó hơn học kỹ thuật đơn thuần... Bộ đội của ta là thanh niên cả nước tụ họp lại. Người miền xuôi có, người trung du có, người miền thượng có, trí thức có, nông dân có, công nhân có. Vì vậy, mình phải biết tâm lý riêng của họ... Có như thế mới nắm được chứ không phải mệnh lệnh là làm được đâu. Mệnh lệnh là cái lý, còn phải làm sao cho bộ đội, tất cả chiến sĩ trong trung đội yêu thương mình, tin mình, phục mình”.
(còn nữa)