Đào tạo 'song bằng' ở trường phổ thông công lập sẽ nảy sinh nhiều bất cập
Khi triển khai đào tạo chương trình quốc tế tại hệ thống công lập, nên có sự phân công tách biệt rõ ràng về mặt quản trị, tài chính, cơ sở vật chất,...
Thời gian qua, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã chỉ đạo các trường không tuyển mới học sinh lớp 6 năm học 2021-2022 chương trình đào tạo song bằng tại 7 trường trung học cơ sở tham gia Đề án “Thí điểm chương trình đào tạo song bằng trung học cơ sở Việt Nam và Chứng chỉ IGCSE tại một số trường trung học cơ sở tại Hà Nội”.
Vấn đề này đang đặt ra nhiều câu hỏi đối với quá trình triển khai, tổ chức thí điểm và thực hiện đào tạo hệ song bằng ở các cơ sở giáo dục công lập.
Trong cuộc trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Hoàng Anh Đức - chuyên gia nghiên cứu giáo dục phổ thông, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển giáo dục Edlab Asia cho rằng, việc triển khai hai hệ đào tạo khác nhau trong cùng một cơ sở giáo dục công lập làm nảy sinh nhiều vấn đề về chuyên môn, quản trị, vận hành, tổ chức,...
Theo Thạc sĩ Hoàng Anh Đức, việc dừng tuyển sinh mới theo lịch trình một đề án thí điểm xét về mặt quản lý nhà nước là điều bình thường. Tuy nhiên, sau khi kết thúc thí điểm cần phải có đánh giá, phải tổ chức hội thảo khoa học để đánh giá hiện trạng, quá trình thí điểm.
Về việc triển khai cùng lúc hai hệ đào tạo khác nhau trong một trường công lập, Thạc sĩ Hoàng Anh Đức cho rằng sẽ phát sinh vấn đề ở cả cấp độ chiến lược và cấp độ thực thi.
Cụ thể, các trường sẽ gặp không ít khó khăn trong việc định hướng phát triển nhà trường, kế hoạch phát triển nhân sự, chuyên môn cho đến hoạt động cộng tác và phối hợp, phân bổ cơ sở vật chất, phân bổ tài chính.
“Trong quá trình triển khai hệ song bằng, chúng ta đã bàn luận, lo lắng nhiều đến nguồn cung giáo viên. Các trường rất khó để chủ động được nguồn giáo viên dạy song bằng trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, một vấn đề quan trọng hơn và cần phải lưu tâm là đội ngũ quản lý", anh Đức nhận định.
Theo đó, đối với nguồn lực giáo viên, các trường có thể bổ sung từ các đơn vị cung ứng. Còn về đội ngũ quản lý, yêu cầu đặt ra là cần những người có kinh nghiệm quản lý chương trình quốc tế. Bởi lẽ, nếu nếu người quản lý không hiểu về chương trình, dù tập huấn ngắn ngày cũng không thể giải quyết vấn đề quản trị.
Rõ ràng, việc tìm kiếm đội ngũ quản lý ở trường tư sẽ dễ dàng hơn, họ có thể linh động chọn những người nước ngoài, những người có kinh nghiệm phụ trách chương trình quốc tế.
Thế nhưng, người nước ngoài không thể vào làm lãnh đạo trường công. Đó là chưa kể việc thu hút những người quản lý có kinh nghiệm vào môi trường giáo dục công lập là rất khó vì thu nhập thấp hơn, không tạo đủ động lực cho họ làm việc.
Bên cạnh đó, triển khai hệ song bằng đối với trường công cũng gặp nhiều khó khăn về mặt quản trị.
Thạc sĩ Hoàng Anh Đức cho biết, các trường tư thục hoàn toàn chủ động trong việc điều chỉnh hoạt động của nhà trường, bởi lẽ trường có bộ máy quản trị riêng biệt. Khi đào tạo hệ song bằng, trường tư sẽ có đội ngũ quản lý, đội ngũ giáo viên phụ trách riêng chương trình đào tạo đó.
Trong khi đó ở trường công, nếu tồn tại song song hai chương trình, chỉ mở hai lớp hệ song bằng mỗi đợt tuyển sinh đồng nghĩa với việc đội ngũ quản lý và giáo viên sẽ phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ cùng một lúc. Tuy nhiên, việc kiêm nhiệm này cũng chỉ giải quyết vấn đề về hành chính chứ không giải quyết được vấn đề chuyên môn.
Ở một góc độ khác, trong cùng một trường có đến hai hệ đào tạo khác nhau sẽ làm nảy sinh những vấn đề về tâm lý, đối với học sinh và giáo viên, trong cả quá trình sinh hoạt chuyên môn lẫn quá trình vui chơi, học tập, thi cử. Điều này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục nói chung của cơ sở giáo dục đó.
Cũng theo thạc sĩ Hoàng Anh Đức, vấn đề bất cập khi thí điểm chương trình song bằng tại các cơ sở giáo dục công lập là câu hỏi về việc dùng chi phí công để đầu tư đầu tư chăm lo cho một nhóm đối tượng có nhu cầu.
“Học phí hệ song bằng trong trường công vẫn rẻ hơn các chương trình quốc tế ở trường tư, lý do vì quá trình triển khai đã tận dụng được hệ thống cơ sở vật chất của trường công.
Rõ ràng vấn đề này có liên quan đến thuế, đến chi phí công, như vậy là không có sự tách biệt rõ ràng về mặt tài chính, cơ sở vật chất .
Dù triển khai đào tạo hệ song bằng ở trường công thì vẫn cần có sự phân công tách biệt về mặt quản trị, về tài chính, cơ sở vật chất, tránh tình trạng nhập nhằng giữa hai chương trình trong cùng một trường học.
Việc thí điểm xây dựng một vài phòng học, quy hoạch một số giáo viên giỏi để dạy học chương trình quốc tế tại trường công sẽ khó đạt được mục tiêu của chương trình giáo dục”, Thạc sĩ Hoàng Anh Đức nhận định.