Đào tạo tiến sĩ dù chỉ có GV thạc sĩ, Đại học CNTT và Truyền thông nói nhập nhầm
Hiệu trưởng nhà trường lý giải trong quá trình chuẩn hóa dữ liệu công khai, đội ngũ cán bộ kỹ thuật đã thiết lập sai quyền xem dữ liệu đối với một số file.
Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông tiền thân là Khoa Công nghệ thông tin, trực thuộc Đại học Thái Nguyên được thành lập ngày 14/12/2001 theo Quyết định số 6946/QĐ-BGDĐT-TCCB.
Năm 2011, sau 10 năm xây dựng và phát triển, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 468/QĐ-TTg ngày 30 tháng 3 năm 2011 thành lập Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông trên cơ sở nâng cấp Khoa Công nghệ thông tin.
Hiện, Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông - Đại học Thái Nguyên do Tiến sĩ Nguyễn Văn Tảo là Bí thư đảng ủy, Chủ tịch hội đồng trường. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phùng Trung Nghĩa là Hiệu trưởng.
Có ngành đào tạo tiến sĩ nhưng giảng viên cơ hữu chỉ có trình độ thạc sĩ
Theo đề án tuyển sinh của Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông - Đại học Thái Nguyên từ năm 2021 đến năm 2023, quy mô đào tạo của trường có xu hướng tăng.
Căn cứ vào bảng số liệu trên có thể thấy quy mô đào tạo của nhà trường ở hệ đại học chính quy tăng mạnh qua từng năm. Cụ thể, nhà trường có tất cả 4.159 sinh viên (tính đến 31/12/2020). Đến 31/12/2022, số sinh viên toàn trường 6.772 (tăng 2.613 sinh viên so với năm 2020)
Theo báo cáo 3 công khai năm học 2022-2023, nhà trường có tổng số 273 giảng viên cơ hữu. Trong đó có 7 phó giáo sư, 67 tiến sĩ, 204 thạc sĩ, 2 cử nhân. Số lượng giảng viên tập trung chủ yếu ở khối ngành V với 166 thầy cô (5 phó giáo sư, 43 tiến sĩ, 123 thạc sĩ).
Đáng chú ý, một số ngành nhà trường không đáp ứng đủ số lượng giảng viên cơ hữu theo quy định. Cụ thể, ngành Khoa học máy tính chỉ có 8 thạc sĩ, không có giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ. Trong khi đó, ngành này lại đào tạo cả trình độ tiến sĩ và thạc sĩ.
Bên cạnh đó, còn rất nhiều ngành khác của trường chỉ có duy nhất 1 tiến sĩ như: Hệ thống thông tin quản lý (có đào tạo thạc sĩ), Kinh tế số, Công nghệ kỹ thuật điện tử - viễn thông; Công nghệ kỹ thuật máy tính; Kỹ thuật y sinh; Công nghệ ô tô và giao thông thông minh; Mạng máy tính và truyền thông dữ liệu, An toàn thông tin, Hệ thống thông tin;
Căn cứ theo Điều 6, Thông tư 02/2022/TT-BGDĐT, quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo trình độ tiến sĩ cần đảm bảo:
"Có ít nhất 01 giáo sư hoặc 02 phó giáo sư và 03 tiến sĩ ngành phù hợp là giảng viên cơ hữu (các ngành đào tạo giáo viên tiếng dân tộc thiểu số Việt Nam, ngành đào tạo Ngôn ngữ, văn học và văn hóa Việt Nam, ngành đào tạo Ngôn ngữ, văn học và văn hóa nước ngoài, ngành đào tạo Thể dục, thể thao, ngành đào tạo thuộc lĩnh vực Nghệ thuật, phải có ít nhất 01 giáo sư hoặc 01 phó giáo sư và 02 tiến sĩ ngành phù hợp là giảng viên cơ hữu), trong đó có một giáo sư hoặc phó giáo sư có kinh nghiệm quản lý đào tạo hoặc giảng dạy đại học tối thiểu từ 03 năm trở lên (không trùng với giảng viên cơ hữu là điều kiện mở ngành đào tạo trình độ tiến sĩ của các ngành khác), chịu trách nhiệm chủ trì xây dựng, tổ chức thực hiện chương trình đào tạo".
Còn trình độ đào tạo đại học chính quy, Khoản 2, Điều 4, Thông tư 02/2022/TT-BGDĐT, quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành cần đảm bảo:
"Có ít nhất 05 tiến sĩ là giảng viên cơ hữu có chuyên môn phù hợp để chủ trì giảng dạy chương trình, trong đó mỗi thành phần của chương trình đào tạo phải có giảng viên với chuyên môn phù hợp chủ trì giảng dạy".
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phùng Trung Nghĩa - Hiệu trưởng nhà trường thừa nhận: “Do việc nhập liệu và chuẩn hóa dữ liệu theo các mẫu biểu của cán bộ thực hiện có sai sót dẫn đến nhầm lẫn về danh sách giảng viên cơ hữu nhà trường khi đưa dữ liệu lên website.
Các nội dung này nhà trường đang triển khai cập nhật lại thông tin công khai năm 2023. Thực tế nhà trường đáp ứng đầy đủ các quy định về giảng viên cơ hữu”.
Thầy Nghĩa cho hay, ngành Khoa học máy tính là ngành thuộc nhóm ngành Máy tính và công nghệ thông tin. Nhà trường có 7 ngành đang đào tạo trong nhóm ngành này bao gồm: Công nghệ thông tin, An toàn thông tin, Khoa học máy tính, Mạng máy tính và truyền thông dữ liệu, Kỹ thuật phần mềm, Hệ thống thông tin, Công nghệ kỹ thuật máy tính.
Trong đó ngành Khoa học máy tính nhà trường đang đào tạo trình độ thạc sĩ và tiến sĩ. Đội ngũ giảng viên cơ hữu để duy trì, chủ trì xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình đào tạo cho các ngành thuộc nhóm ngành Máy tính và công nghệ thông tin của trường hiện gồm 1 giáo sư, 4 phó giáo sư, 31 tiến sĩ.
Lực lượng cán bộ trình độ cao này được nhà trường sử dụng trên nguyên tắc chia sẻ nguồn lực chuyên môn dùng chung trong cùng nhóm ngành Máy tính và công nghệ thông tin, cũng như chia sẻ nguồn lực chuyên môn dùng chung giữa các chương trình đào tạo bậc đại học và sau đại học. Tương tự với các nhóm ngành khác như nhóm ngành Kinh tế có 2 phó giáo sư, 13 tiến sĩ; nhóm ngành Kỹ thuật có 3 phó giáo sư, 15 tiến sĩ; nhóm ngành Truyền thông có 2 phó giáo sư, 8 tiến sĩ.
Nhiều nội dung báo cáo 3 công khai ở chế độ bảo mật
Tại Điều 2, Chương I, Thông tư 36/2017/TT-BGDĐT nêu rõ: "Thực hiện công khai để người học, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và xã hội tham gia giám sát và đánh giá các cơ sở giáo dục và đào tạo theo quy định của pháp luật.
Thực hiện công khai nhằm nâng cao tính minh bạch, phát huy dân chủ, tăng cường tính tự chủ và tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục và đào tạo trong quản lý nguồn lực và đảm bảo chất lượng giáo dục và đào tạo".
Tuy nhiên, theo báo cáo công khai năm học 2022-2023 của Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông về nội dung công khai chất lượng giáo dục thực tế, có 6 mục nhà trường để ở chế độ bảo mật, phải có quyền truy cập mới xem được.
Chia sẻ về vấn đề này, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông khẳng định: "Nhà trường luôn nỗ lực thực hiện đúng quy định trong Thông tư 36/2017/TT-BGDĐT về 3 công khai. Tuy nhiên trong quá trình chuẩn hóa dữ liệu công khai, đội ngũ cán bộ kỹ thuật đã thiết lập sai quyền xem dữ liệu trong đối với một số file dữ liệu (được lưu trữ trên Google Drive), do đó một số file chưa thể xem được.
Ngay khi nhận được phản ánh của Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, nhà trường đã cho rà soát và tiến hành chỉnh lại quyền truy cập của các file dữ liệu này. Tới nay, toàn bộ các file này đã ở chế độ công khai, mọi người đều có quyền xem được".
Theo ghi nhận của phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 15/12/2023, nhà trường đã mở lại các nội dung bảo mật trong báo cáo 3 công khai bao gồm: Công khai thông tin kiểm định cơ sở giáo dục và chương trình giáo dục. Theo đó, Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông đã 2 lần đạt kiểm định chất lượng và được cấp chứng nhận vào ngày 20/2/2017 và 14/6/2023. Đồng thời nhà trường có 2 chương trình đào tạo được công nhận đạt chất lượng giáo dục bao gồm: Kỹ thuật phần mềm và Tự động hóa.
Ngoài ra, các nội dung từng bảo mật khác cũng đã được nhà trường công khai hiển thị trong báo cáo 3 công khai bao gồm: Công khai hội nghị, hội thảo khoa học do cơ sở giáo dục tổ chức; Công khai thông tin về các hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, sản xuất thử và tư vấn; Công khai thông tin đào tạo theo đơn đặt hàng của nhà nước, địa phương và doanh nghiệp; Công khai thông tin về đồ án, khóa luận, luận văn, luận án tốt nghiệp trình độ đại học và sau đại học; Công khai các môn học của từng khóa học, chuyên ngành trình độ đào tạo đại học và sau đại học; Công khai thông tin về quy mô đào tạo hiện tại.
Theo quy định phân chia khối ngành của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các khối ngành đào tạo của Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông như sau:
Khối ngành II: Thiết kế đồ họa
Khối ngành III: Hệ thống thông tin quản lý, Quản trị văn phòng, Thương mại điện tử, Marketing số.
Khối ngành V: Công nghệ thông tin, Khoa học máy tính; Trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn; Mạng máy tính và truyền thông dữ liệu; Kỹ thuật phần mềm; Hệ thống thông tin; An toàn thông tin; Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử; Công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa; Công nghệ kỹ thuật máy tính; Công nghệ kỹ thuật điện tử - viễn thông; Kỹ thuật y sinh; Công nghệ ô tô và giao thông thông minh; Kỹ thuật cơ điện tử thông minh và Robot; Công nghệ ô tô.
Khối ngành VII: Truyền thông đa phương tiện, Công nghệ truyền thông, Truyền thông doanh nghiệp số, Kinh tế số, Quản trị kinh doanh số.