Đào tạo tiến sĩ giai đoạn 2019-2024: Chỉ tiêu hơn 28.200 nhưng chỉ tuyển được 10.400

Mặc dù hàng năm đều có các ngành đào tạo tiến sĩ được mở mới, nhưng số lượng nghiên cứu sinh tuyển được trong 5 năm gần đây trung bình chỉ đạt khoảng 36%.

Số lượng ngành đào tạo tiến sĩ do các cơ sở đào tạo tự chủ mở tăng lên đáng kể

Tính đến năm 2022, cả nước có 196 cơ sở đào tạo được phép đào tạo trình độ tiến sĩ, tăng 1,66 lần so với năm học 2014-2015. Trong đó, có 157 cơ sở giáo dục đại học và 39 viện nghiên cứu, trường của tổ chức chính trị, lực lượng vũ trang và trường của bộ, ngành. [1]

Trong những năm gần đây, số lượng ngành đào tạo trình độ tiến sĩ do các cơ sở giáo dục đại học tự chủ mở (đáp ứng đủ điều kiện theo quy định) có sự gia tăng đáng kể.

Cụ thể, theo số liệu thống kê từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, giai đoạn từ năm 2020 đến tháng 7/2024, các cơ sở đào tạo đã tự mở 89 ngành tiến sĩ, còn số ngành đào tạo tiến sĩ do Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định, phê duyệt (giao nhiệm vụ đào tạo) là 68 ngành.

Trong đó, năm 2020, số ngành do các cơ sở đào tạo tự chủ mở là 9 ngành, số ngành được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao nhiệm vụ đào tạo là8 ngành.

Đến năm 2022, số ngành đào tạo do các cơ sở đào tạo tự chủ mở đã tăng gấp lên 4 lần so với năm 2020, đạt 36 ngành - gấp đôi số ngành do Bộ Giáo dục và Đào tạo giao nhiệm vụ đào tạo (18 ngành).

Xu hướng này tiếp diễn trong năm 2023 (26 ngành tự mở so với 14 ngành do Bộ Giáo dục và Đào tạo giao); Và đến tháng 7/2024, tỷ lệ các ngành do cơ sở đào tạo tự chủ mở vẫn chiếm ưu thế.

Chỉ tiêu hơn 28.200 nhưng chỉ tuyển được khoảng 10.400 nghiên cứu sinh

Mặc dù hàng năm đều có các ngành đào tạo tiến sĩ được mở mới, nhưng số lượng nghiên cứu sinh tuyển được trong 5 năm gần đây trung bình chỉ đạt khoảng 36%.

Cụ thể, giai đoạn 2019-2024, tổng chỉ tiêu đào tạo tiến sĩ trên cả nước là hơn 28.200, song chỉ có khoảng 10.400 nghiên cứu sinh trúng tuyển, tương đương tỷ lệ trung bình khoảng 36%. Như vậy, có gần 17.800 chỉ tiêu (tương đương khoảng 64%) không tuyển được.

Từ biểu đồ cho thấy, năm học 2019-2020 ghi nhận mức tuyển thấp nhất trong 5 năm gần đây, với 1.274 người, đạt tỷ lệ 24,93% so với tổng chỉ tiêu 5.111.

Đến năm học 2023-2024, số lượng nghiên cứu sinh tăng lên 3.376, con số này gấp 2,65 lần so với năm học 2019-2020, đồng thời đạt tỷ lệ cao nhất trong 5 năm qua, với 47,16% chỉ tiêu tuyển được.

Phân tích theo lĩnh vực, nghiên cứu sinh tập trung chủ yếu ở các khối ngành như Kinh doanh và quản lý, Kỹ thuật, Máy tính và công nghệ thông tin, Nhân văn, Khoa học xã hội và hành vi, Báo chí và thông tin, Dịch vụ xã hội, Khách sạn-du lịch-thể thao và dịch vụ cá nhân,...

Thống kê trong 4 năm học gần đây cho thấy, số lượng tuyển sinh các khối ngành III, V và VII luôn vượt trội hơn so với các khối ngành còn lại.

Cụ thể, năm học 2023-2024, nhóm ngành III (Kinh doanh và quản lý, Pháp luật) có tới 2.763 nghiên cứu sinh. Đây là khối ngành có số lượng nghiên cứu sinh nhiều nhất trong 7 khối ngành.

Xếp thứ hai là khối ngành V (Toán và thống kê, Máy tính và công nghệ thông tin, Công nghệ kỹ thuật, Kỹ thuật, Sản xuất và chế biến, Kiến trúc và xây dựng, Nông lâm và thủy sản, Thú y) với 2.549 nghiên cứu sinh.

Xếp thứ ba là khối ngành VII (Nhân văn, Khoa học xã hội và hành vi, Báo chí và thông tin, Dịch vụ xã hội, Khách sạn-du lịch-thể thao và dịch vụ cá nhân, Dịch vụ vận tải, Môi trường và bảo vệ môi trường, An ninh quốc phòng) với số nghiên cứu sinh là 2.373 người.

Ngược lại, nhiều ngành được đánh giá là có tính đặc thù, đòi hỏi đào tạo ở trình độ cao và đóng vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, như Nghệ thuật (Khối ngành II); Khoa học sự sống, Khoa học tự nhiên (Khối ngành IV),… lại đang gặp nhiều khó khăn trong tuyển sinh trình độ tiến sĩ.

Đơn cử, năm học 2021-2022, cả nước chỉ có 43 nghiên cứu sinh trong toàn bộ khối ngành Nghệ thuật; đến 2023-2024, con số này nhích lên 93 người, tức chưa đạt 1,3% trong tổng số tuyển sinh tiến sĩ toàn quốc.

Vì sao trình đồ tiến sĩ ít thu hút người học?

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Xuân Phương - Trưởng phòng Sau đại học (Trường Đại học Nha Trang), có ít nhất ba nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này.

Thứ nhất, nhu cầu người học không cao. Tiến sĩ thường là điều kiện cần đối với giảng viên đại học, cán bộ nghiên cứu. Tuy nhiên, các đơn vị sử dụng lao động như viện, trường trong những năm gần đây thì sự thay đổi về quy mô, đội ngũ nhân sự không quá nhiều.

Thứ hai, chi phí đào tạo cao trong khi chính sách hỗ trợ hạn chế. “Làm nghiên cứu sinh đòi hỏi chi phí lớn cho học phí, thí nghiệm và các hoạt động nghiên cứu khác, trong khi hỗ trợ tài chính từ Nhà nước còn rất hạn chế. Những người có năng lực, nhất là ngoại ngữ tốt, thường sẽ tìm học bổng để đi học tiến sĩ ở nước ngoài”, thầy Phương chia sẻ.

Yếu tố thứ ba đến từ chính cơ chế lương bổng hiện hành. Phó Giáo sư Đặng Xuân Phương phân tích: “Nếu trả lương theo ngạch bậc của Nhà nước thì bằng cấp không ảnh hưởng đến mức lương cơ bản. Tất nhiên, bằng tiến sĩ có thể giúp tăng thu nhập thêm ở một số đơn vị, nhưng khoản chênh lệch này cũng không lớn đến mức đủ hấp dẫn người học”.

 Ảnh minh họa: Trường Đại học Nha Trang tổ chức lễ tốt nghiệp cho các tân thạc sĩ, tân tiến sĩ năm 2023. (Ảnh: NTU)

Ảnh minh họa: Trường Đại học Nha Trang tổ chức lễ tốt nghiệp cho các tân thạc sĩ, tân tiến sĩ năm 2023. (Ảnh: NTU)

Lấy ví dụ tại Trường Đại học Nha Trang, đơn vị này đã bắt đầu đào tạo tiến sĩ từ năm 1987 với ngành Nuôi trồng thủy sản, đến nay đã có 11 ngành. Tuy vậy, mỗi năm chỉ tuyển được khoảng 10 nghiên cứu sinh, đạt một nửa so với chỉ tiêu tuyển sinh.

Theo quy định hiện hành, chỉ tiêu đào tạo được tính theo số lượng giảng viên đủ chuẩn. Cụ thể, theo Thông tư Thông tư 18/2021/TT-BGDĐT về Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ: Tại cùng một thời điểm, người có chức danh giáo sư được hướng dẫn độc lập tối đa 07 nghiên cứu sinh; người có chức danh phó giáo sư, hoặc có bằng tiến sĩ khoa học được hướng dẫn độc lập tối đa 05 nghiên cứu sinh; người có bằng tiến sĩ được hướng dẫn độc lập tối đa 03 nghiên cứu sinh.

“Với đội ngũ đông đảo, nếu tính theo quy định trên, trường hoàn toàn có thể có chỉ tiêu tới hàng trăm người, nhưng thực tế người học lại không có”, thầy Phương nói.

Phân tích dưới góc độ hệ thống, Tiến sĩ Phạm Hiệp - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giáo dục và Chuyển giao tri thức (Trường Đại học Thành Đô), chỉ ra một loạt rào cản đến từ chính điều kiện đào tạo.

Một trong những hạn chế lớn là việc tiếp cận tài nguyên học thuật. Nhiều cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam chưa có đủ điều kiện truy cập cơ sở dữ liệu quốc tế. Nghiên cứu sinh phải nhờ bạn bè gửi tài liệu từ nước ngoài hoặc sử dụng tài khoản không chính thức.

Không chỉ dữ liệu quốc tế, ngay cả việc tiếp cận kho luận án tiến sĩ trong nước cũng còn một số bất cập nhất định.

Ngoài ra, việc thiếu các công cụ kỹ thuật cũng là một điểm yếu. Các phần mềm kiểm tra đạo văn, phân tích dữ liệu - vốn là công cụ tối thiểu trong nghiên cứu hiện đại, theo Tiến sĩ Phạm Hiệp đánh giá vẫn chưa phổ biến, hoặc nếu có cũng là phiên bản sơ cấp.

Bên cạnh đó, các cơ chế, chính sách học bổng và hỗ trợ kinh phí đào tạo cho nghiên cứu sinh trong nước chưa được quan tâm đúng mức.

Hiện Nhà nước hỗ trợ kinh phí để người học thực hiện đề tài luận án, tham dự hội thảo, hội nghị ở trong nướctheo Đề án nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học giai đoạn 2019-2030 bao gồm: hỗ trợ kinh phí thực hiện đề tài luận án (từ 13-20 triệu đồng/người học/năm và không quá 4 năm); Và hỗ trợ đăng bài báo khoa học quốc tế; hỗ trợ tham dự các hội nghị, hội thảo quốc tế hoặc thực tập ngắn hạn ở nước ngoài (01 lần trong cả quá trình đào tạo)...

Trong khi đó, nhiều nước ở khu vực và trên thế giới, nghiên cứu sinh không phải đóng học phí, được cấp học bổng và kinh phí hỗ trợ cho việc hoàn thiện luận án tiến sĩ, được nhận lương nếu tham gia trợ giảng, nghiên cứu cùng người hướng dẫn (như ở Mỹ, Hàn Quốc, Singapore…).

Nghiên cứu sinh ở Việt Nam vừa phải đóng học phí, vừa khó tiếp cận các nguồn tài trợ nghiên cứu từ cơ sở đào tạo.

Mặc dù đã có một số cơ sở đào tạo lớn có các chính sách hỗ trợ tài chính cho nghiên cứu sinh như miễn giảm học phí, trả lương, hỗ trợ nghiên cứu,... Tuy nhiên số lượng các trường thực hiện được các chính sách này không nhiều.

Thống kê năm 2024, cả nước có khoảng 91.300 giảng viên ở bậc đại học, trong đó, hơn 30.000 giảng viên có trình độ tiến sĩ trở lên, chiếm 33%.

Theo Thông tư số 01/2024/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về chuẩn cơ sở giáo dục đại học, từ năm 2025, đối với cơ sở giáo dục đại học có đào tạo tiến sĩ, tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ không thấp hơn 40% và từ năm 2030, tỷ lệ này là không thấp hơn 50%. Đối với các trường đào tạo ngành đặc thù có đào tạo tiến sĩ, tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ không thấp hơn 10% và từ năm 2030, tỷ lệ này không thấp hơn 15%.

Liên quan đến vấn đề quản lý đào tạo trình độ tiến sĩ, Dự thảo Luật Giáo dục đại học (sửa đổi) đề xuất quy định: Các chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ phải được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt.

Theo cơ quan soạn thảo, điều chỉnh này nhằm bảo đảm chất lượng, an toàn và trách nhiệm giải trình.

Tài liệu tham khảo:

[1]:https://giaoduc.net.vn/22-nam-qua-ca-nuoc-tuyen-moi-duoc-32517-nghien-cuu-sinh-post242329.gd

Doãn Nhàn

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/dao-tao-tien-si-giai-doan-2019-2024-chi-tieu-hon-28200-nhung-chi-tuyen-duoc-10400-post253009.gd