Đào tạo tiến sĩ tại Viện Hàn lâm KHCN: Có ngành 3 năm mới tuyển được 1 NCS
Hiện một số ngành tại Viện Hàn lâm rơi vào tình trạng khan hiếm nghiên cứu sinh, đáng chú ý, có những ngành 3 năm mới tuyển được 1 người.
Ngày 7/3, tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Đoàn giám sát Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã có buổi làm việc với đơn vị về thực hiện chính sách, pháp luật trong đào tạo trình độ tiến sĩ. Buổi làm việc do ông Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chủ trì.
Tại buổi làm việc, Giáo sư, Viện sĩ Châu Văn Minh - Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam gồm 3 đơn vị sự nghiệp công lập có hoạt động đào tạo trình độ tiến sĩ, gồm: Học viện Khoa học và Công nghệ; Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội và Viện Toán học.
Còn sự chồng chéo giữa các văn bản chính sách pháp luật
Giáo sư Minh cho biết, trong những năm hoạt động đào tạo tiến sĩ vừa qua, Viện Hàn lâm luôn quan tâm và thực hiện đúng các quy định của nhà nước thông qua các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh đào tạo trình độ tiến sĩ. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động đào tạo trình độ tiến sĩ tại cơ sở, đơn vị cũng nhận thấy một số vấn đề bất cập còn tồn tại gây khó cho quá trình đào tạo tiến sĩ.
Cụ thể, hiện nay vẫn còn có chồng chéo giữa Luật (Luật Giáo dục đại học) với một số Luật, Thông tư, Nghị định khác. Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam nêu một số điểm ví dụ:
Quy định về hoạt động khoa học công nghệ trong Luật Giáo dục đại học và Nghị định số 99/2014/NĐ-CP ngày 25/10/2014 của Chính phủ quy định việc đầu tư phát triển tiềm lực và khuyến khích hoạt động khoa học và công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học;
Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/08/2021 của Chính phủ quy định về - cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục có quy định mức trần học phí, trong khi đó theo Luật Giáo dục đại học cho phép Hội đồng trường quy định chính sách học phí;
Luật Ngân sách Nhà nước số 83/2015/QH13 ngày 25/6/2015 và Luật Giáo dục đại học cũng có sự chưa thống nhất về phê duyệt kế hoạch tài chính;
Ngoài ra, thông tư số 107/2017/TT-BTC ngày 10/10/2017 của Bộ Tài chính hướng - dẫn Chế độ kế toán hành chính, sự nghiệp, Thông tư số 137/2017/TT-BTC ngày 25/12/2017 quy định xét duyệt, thẩm định, thông báo và tổng hợp quyết toán năm và Luật Giáo dục đại học cũng có sự chưa thống nhất về việc thông qua báo cáo tài chính hàng năm.
Về việc xây dựng và ban hành quy chế tuyển sinh, đào tạo trình độ tiến sĩ tại đơn vị, lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết, sự thay đổi liên tục các quy chế tuyển sinh sau đại học cũng là một nguyên nhân khiến đơn vị gặp khó khăn, bất cập nhất định trong tuyển sinh, quản lý và tổ chức đào tạo nghiên cứu sinh.
Hiện một số ngành tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam rơi vào tình trạng khan hiếm nghiên cứu sinh, đáng chú ý, có những ngành 3 năm mới tuyển được 1 người.
Theo đại diện của Viện Hàn lâm chia sẻ, do các đơn vị đào tạo trình độ tiến sĩ của đơn vị hầu hết là lĩnh vực nghiên cứu về khoa học và công nghệ, một số mã ngành đào tạo tương đối hẹp về chuyên môn, nên số lượng nghiên cứu sinh đăng ký dự tuyển còn ít.
Bên cạnh đó, một số mã ngành khó có được các công trình công bố trên tạp chí quốc tế và các tạp chí trong nước theo khung điểm của Hội đồng Giáo sư Nhà nước từ 1 điểm trở lên.
Liên quan đến việc phân chia ngành thành quá nhiều các chuyên ngành nhỏ, riêng rẽ ảnh hưởng đến việc tuyển sinh và đào tạo, phía đoàn giám sát đề nghị Viện Hàn lâm xem xét và tổ chức cơ cấu lại các ngành đào tạo tiến sĩ, tránh phân tán nguồn lực mà hiệu quả lại không cao.
Khó khăn về kinh phí ở cả cơ sở đào tạo và người học
Một khó khăn nữa của đào tạo tiến sĩ chính là vấn đề thu học phí và tăng học phí. Lãnh đạo Viện Hàn lâm cho biết, lý do đa phần người học đều là các cán bộ nghiên cứu khoa học, giảng viên, giáo viên... với thu nhập không cao, sức hấp dẫn về lĩnh vực học hiện tại không lớn.
Ngoài ra, mức thu nhập của cán bộ, viên chức của Học viện Khoa học Công nghệ còn thấp, chưa thực sự đảm bảo cuộc sống để cán bộ, viên chức yên tâm công tác. Do đó, đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến đơn vị gặp khó trong vấn đề thu hút và giữ chân đội ngũ giảng viên trẻ, giỏi,....
Báo cáo với đoàn giám sát, Phó giáo sư Đinh Thị Mai Thanh cho biết, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) - một trong 3 đơn vị đào tạo tiến sĩ trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam mặc dù tham gia khi theo học tiến sĩ tại đơn vị, người học có rất nhiều quyền lợi từ việc được tham gia vào các đề tài nghiên cứu tại USTH; tham gia Hội thảo quốc gia, quốc tế; thực tập ngắn hạn tại Pháp (các đối tác thuộc USTH Consortium) với kinh phí hỗ trợ từ Pháp hoặc các đề tài, dự án; Chính sách học bổng cho NCS có thành tích xuất sắc; Đặc biệt, được tham gia trợ giảng tại USTH và có trả lương theo quy định,...
Tuy nhiên, những ưu đãi này so với quốc tế vẫn còn khá khiêm tốn và khó thu hút nghiên cứu sinh, đặc biệt với yêu cầu viết luận án hoàn toàn bằng tiếng Anh tại USTH. Chưa kể, chính sách hỗ trợ sinh hoạt phí cho nghiên cứu sinh vẫn còn mới, mức hỗ trợ hạn chế (5 triệu đồng/tháng),..., Chưa có chính sách dành cho nghiên cứu sinh quốc tế nên chưa thu hút được các nghiên cứu sinh nước ngoài.
Trước những khó khăn và điểm đặc thù của đơn vị, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam kiến nghị có cơ chế hỗ trợ đặc thù cho lĩnh vực nghiên cứu về khoa học tự nhiên và công nghệ để thu hút được người học.
Sau khi nghe báo cáo của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ, các báo cáo của 3 đơn vị đào tạo, đoàn giám sát biểu thị đánh giá cao những nỗ lực, đóng góp của các đơn vị trong đào tạo nhân lực chất lượng cao ngành khoa học, công nghệ.
Tại buổi làm việc, đại diện đến từ Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ cũng đã có những trao đổi, giải đáp các câu hỏi được đoàn đại biểu giám sát đặt ra: Vấn đề tuyển sinh đầu vào, quá trình đào tạo tiến sĩ và sản phẩm chất lượng đầu ra; Làm rõ mô hình tổ chức lãnh đạo với các viện chuyên ngành, các vấn đề về giảng viên cơ hữu; Tính ứng dụng của các đề tài nghiên cứu trong thực tiễn; Vấn đề giữa mở rộng quy mô đào tạo song hành với chất lượng; Các vấn đề về công bố bài báo quốc tế,...
Kết thúc buổi làm việc, ông Nguyễn Đắc Vinh đề nghị Viện tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các kiến nghị tập trung vào việc góp ý hoàn thiện các văn bản, chính sách pháp luật về đào tạo tiến sĩ hiện nay; từ đó giúp nâng cao hơn nữa hiệu quả đào tạo của Viện đóng góp nguồn lực quan trọng cho thành tựu phát triển khoa học, công nghệ của đất nước.