Đào tạo và phát triển Mỹ thuật ứng dụng gắn liền với đòi hỏi của xã hội
Thực tiễn phát triển của xã hội đang đòi hỏi các chương trình đào tạo Mỹ thuật ứng dụng gắn liền với xu thế phát triển của xã hội
Ngày 03/10/2019, Câu lạc bộ Khối trường đào tạo Mỹ thuật ứng dụng thuộc Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam đã phối hợp với trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội tổ chức buổi Hội thảo- Tọa đàm “ Đổi mới chương trình đào tạo Mỹ thuật ứng dụng gắn với thực tiễn của xã hội”.
Hội thảo nhằm ghi nhận những đánh giá khách quan về hoạt động đào tạo và đưa ra được các giải pháp đào tạo Mỹ thuật ứng dụng gắn với thực tiễn, đáp ứng nhu cầu xã hội trong giai đoạn hiện nay và tìm ra hướng giải quyết những khó khăn trong chương trình đào tạo Mỹ thuật ứng dụng hiện nay.
Tham dự Hội thảo có Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Thủy, phó vụ trưởng vụ giáo dục Đại học của bộ Giáo dục và Đào tạo;
Thầy Nguyễn Đăng Khoa, Chánh văn phòng Hiệp hội các trường Đại học Cao đẳng Việt Nam;
Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Xuân Nghị chủ tịch câu lạc bộ khối các trường đào tạo Mỹ thuật ứng dụng;
Thầy Phan Bá Đăng, Phó bí thư Đảng ủy trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, cùng các chuyên gia đầu ngành Mỹ thuật trên khắp cả nước.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Giáo sư Đặng Mai Anh, phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Đại học Mỹ thuật Công Nghiệp Hà Nội đã đánh giá Hội thảo có ý nghĩa lớn trong công tác đào tạo lĩnh vực Mỹ thuật nói chung và Mỹ thuật ứng dụng nói riêng.
Thực tiễn cho thấy, từ nhiều năm qua Mỹ thuật ứng dụng luôn đóng vai trò quan trọng góp phần vào sự nghiệp phát triển của đất nước.
Các cơ sở đào tạo Mỹ thuật ứng có sự phát triển không ngừng cả về số lượng lẫn chất lượng, đã và đang có rất nhiều đổi mới, tuy nhiên thực tiễn cuộc sống luôn biến đổi không ngừng đặt ra cho các đơn vị đào tạo Mỹ thuật ứng dụng và các nhà doanh nghiệp sử dụng nguồn nhân lực Mỹ thuật ứng dụng tại Việt Nam một số vấn đề cần bàn luận.
Để cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, ngoài việc nâng cao chất lượng đào tạo thông qua chương trình học, công cụ hỗ trợ, cần có sự liên kết giữa các đơn vị đào tạo, giữa đơn vị đào tạo với doanh nghiệp tuyển dụng nhân lực Mỹ thuật ứng dụng.
Buổi Hội thảo - Tọa đàm là dịp để nhà trường và doanh nghiệp cùng nắm bắt nhu cầu thì trường và có được cái nhìn đa chiều về nhu cầu sử dụng nhân lực trong lĩnh vực này, cũng như khả năng cung cấp nhân lực Thiết kế mỹ thuật ứng dụng của các đơn vị đào tạo có năng lực cao đáp ứng nhu cầu xã hội hay không.
Các tham luận tại Hội thảo - Tọa đàm đã tập trung đánh giá, cập nhật các văn bản, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các Bộ - Ngành liên quan trong công tác đào tạo.
Đặc biệt, các tham luận cũng đã chú trọng đến đánh giá thực trạng công tác đào tạo ngành mỹ thuật ứng dụng hiện nay ở tất cả các cấp học, các loại hình, quy mô đào tạo.
Ý kiến của các đại biểu cũng làm rõ hơn về nhu cầu nguồn nhân lực và thực tiễn sử dụng nguồn lao động là họa sĩ mỹ thuật công nghiệp.
Đồng thời đưa ra những dự báo, đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo và sử dụng trong bối cảnh hội nhập hiện nay.
Trên cơ sở kinh nghiệm đào tạo của các quốc gia hiện đại như Pháp, Đức, Hoa Kỳ các trường cần chú trọng xây dựng các phòng thực nghiệm để sinh viên làm quen với môi trường thực hành.
Đại diện cho cơ quan nhà nước, Phó Giáo sư Nguyễn Thị Thu Thủy góp ý, các trường đạo tạo Mỹ thuật ứng dụng cần xây dựng riêng chương trình giảng dạy nhằm tránh tình trạng rút gọn thời gian học của sinh viên.
Cũng tại Hội thảo, thầy Nguyễn Đăng Khoa, Chánh văn phòng Hiệp hội các trường Đại học Cao đẳng Việt Nam và Ban tổ chức đã tổng hợp những ý kiến đóng góp của các vị đại biểu cho chuyên đề chính của Hội thảo.
Tại buổi Hội thảo - Tọa đàm, ban chủ nhiệm mới của câu lạc bộ Khối các trường Đào tạo Mỹ thuật ứng dụng cũng đã ra mắt và nhận nhiệm vụ.