Đào thương Hoàng Vân Anh dành hết tâm huyết cho sân khấu kịch
'Với em sân khấu Hoàng Thái Thanh không phải là nơi đến chỉ để diễn kịch nữa mà mỗi lần đến sân khấu là em cảm giác quen thuộc hệt như về nhà của mình vậy', Vân Anh chia sẻ.
Cung đường và khu phố nổi danh
Hoàng Vân Anh chính thức đến với sân khấu kịch nói bằng con đường chuyên nghiệp sau khi tốt nghiệp khoa diễn xuất của trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ Thuật TPHCM vào năm 2010. Và cũng kể từ đó, Hoàng Vân Anh có duyên rồi gắn bó một cách thủy chung với sân khấu Hoàng Thái Thanh cho đến tận bây giờ, trọn vẹn bảy năm.
Hoàng Vân Anh cho biết, từ trước khi sân khấu chuyển về đóng đô ở đường Bắc Hải vào năm 2014 thì từ trước đó cô cũng đã nghe người ta nói rất nhiều về khu phố cà phê cư xá Bắc Hải. Trong đó, con đường Bắc Hải cùng với đường Trường Sơn chính là một trong hai cầu nối cả khu phố cà phê này với cung đường lớn, lúc nào cũng tấp nập xe cộ cộ là đường Cách Mạng Tháng Tám.
Đường Bắc Hải (Q.10) từ lâu đã nổi danh khắp Sài Gòn vì nó dẫn mọi người vào khu phố cà phê Bắc Hải. Hiện trên cung đường ấy còn là điểm hẹn của những người yêu kịch nghệ kể từ khi sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh về định cư ở đây.
Điểm đặc biệt của cả khu phố này là mỗi quán cà phê chuộng một phong cách khác nhau. Có quán cho khách ngồi ngay trên hè phố, có quán thì đóng kín cửa chạy máy lạnh, có quán lại xây thành nhiều tầng... và mỗi quán lại trang trí một màu sắc khác nhau.
Ai mà mê cà phê thì quả thực không thể không biết đến khu phố cà phê gắn liền với tên con đường trứ danh Bắc Hải.
Ngôi nhà thứ hai của cô đào thương duyên dáng
“Với em sân khấu Hoàng Thái Thanh không phải là nơi đến chỉ để diễn kịch nữa mà mỗi lần đến sân khấu là em cảm giác quen thuộc hệt như về nhà của mình vậy”, cô diễn viên chuyên trị các vai “đào thương”, đã bao nhiêu lần lấy nước mắt khán giả trên sân khấu vui vẻ nói về tình cảm gắn bó của mình với sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh.
Và Vân Anh cho đó là một mối duyên gắn bó vô cùng đặc biệt. Cô kể, từ bảy năm trước khi vừa tốt nghiệp cao đẳng khoa diễn xuất, trong lúc đang còn lơ ngơ không biết đi đâu và làm gì để có đất diễn thì cũng đúng lúc ấy sân khấu Hoàng Thái Thanh của hai NSƯT Thành Hội và Ái Như được thành lập.
Hai nghệ sĩ này may thay cũng là những thầy cô đã đứng lớp của Vân Anh trước đó nên họ đã dang rộng vòng tay, nhận cô cùng một số bạn bè cùng lứa của cô về tham gia một số vai diễn nhỏ cùng sân khấu.
Vai diễn đầu tiên của Vân Anh ở Hoàng Thái Thanh là vai một cô bồ nhí của anh kép chính. “Vai đó chỉ xuất hiện ở màn mở đầu vở kịch, kéo dài chưa đến 5 phút. Khán giả nào mà đến trễ tí xíu sẽ không biết là vở kịch đó có em diễn nữa”, Vân Anh nhớ lại.
Theo thời gian, các vai diễn của Vân Anh cứ lớn dần lên. Cho đến nay, sau bảy năm miệt mài rèn dũa thì Vân Anh đã đủ sức đảm nhiệm đến hai phần ba số vai nữ chính trong các vở kịch đang công diễn của sân khấu này. Nói về lý do mình được hai nghệ sĩ nổi danh là khó tính, khắt khe như Thành Hội và Ái Như tin tưởng mình, Vân Anh cho rằng đó có lẽ một sự may mắn.
Bởi ở sân khấu này hầu hết các vai nữ chính đều có tính cách, vẻ ngoài khá phù hợp với nét diễn của mình. Bên cạnh đó cô cũng hiểu rằng may mắn đó chỉ thực sự đến với mình khi mình luôn biết lắng nghe, học hỏi và có trách nhiệm với vai diễn của mình ngay từ những ngày đầu được thầy cô dìu dắt.
“Hiện tại, tuy em cũng có nhận một số vai diễn, có đi phim ở ngoài nhưng em luôn cố gắng thu xếp để không bao giờ nhận lịch đi quay trùng vào những ngày cuối tuần. Thời gian cuối tuần em luôn dành hết tâm huyết cho sân khấu kịch”, Vân Anh chia sẻ.
“Yêu nhau xa mấy cũng gần”
Từ lúc bắt đầu cuộc trò chuyện cho tới lúc sắp chia tay cô diễn viên trẻ, tôi chợt có cảm giác mình chưa hề gặp được cô “đào thương” Hoàng Vân Anh chuyên lấy nước mắt khán giả của sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh. Bởi cô gái nhỏ nhắn, xinh xắn đang trò chuyện với tôi này dường như là một Hoàng Vân Anh khác hẳn.
Rất vui tươi, hồn nhiên đúng lứa tuổi của mình. Mà theo Vân Anh tự nhận là: “Bước ra khỏi sân khấu, ở ngoài đời em cũng khùng lắm à nghen, không có mít ướt như trên sâu khấu đâu”. Nhà Vân Anh ở tuốt Q. Bình Thạnh, mỗi ngày có suất diễn cô phải chạy xe xa hơn chục cây số đi và về.
Hành trình cứ lặp lại quanh năm suốt tháng như vậy nhưng Vân Anh bảo mình vẫn còn là người may mắn hơn nhiều anh chị diễn viên khác. Bởi theo Vân Anh thì các anh chị đó có người còn phải đi xa hơn, từ tuốt Q.7, Q.Bình Chánh... đến sân khấu diễn, diễn xong lại lủi thủi chạy về ngay trong đêm khuya rất cực.
“Mà em thấy đường đi dù xa mấy mà mình đi quen, mình xem sân khấu như nhà, xem các vai diễn như người yêu không thể rời bỏ rồi thì dù có đi vậy chứ xa nữa cũng thấy gần xịch hà”, Vân Anh thật tình nói.
Tôi hỏi cô diễn viên trẻ sao không kiếm một anh chàng để đi đón về đưa, hai người chở nhau lui tới cung đường Bắc Hải đầy thơ mộng này thì còn gì tuyệt vời hơn? Cô đào thương chỉ cười trừ, nói đó cũng là ý hay nhưng mà cô chưa muốn nói tới chuyện đó ở cuộc trò chuyện này.
* Đường Bắc Hải kéo dài khoảng 1km, bắt đầu từ ngã ba giao với đường Cách Mạng Tháng Tám, kéo dài đến ngã ba giao với đường Lý Thường Kiệt (Q.10). Đoạn đầu đường Bắc Hải hiện nay khá nhỏ hẹp, người dân hai bên đường kinh doanh đủ các mặt hàng, nhiều nhất là các cửa hàng ăn uống. Đoạn giáp với đường Lý Thường Kiệt hiện nay được mở rộng, người dân kinh doanh các mặt hàng cây hoa kiểng rất nổi tiếng.
* Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh được 2 NSƯT Thành Hội và Ái Như thành lập năm 2010. Sân khấu nổi tiếng với những vở chính kịch giàu tính nhân văn, tinh tế với lối diễn gần gũi và giản dị của các diễn viên. Đề tài các vở kịch thường là chuyện tình yêu, gia đình được lấy cảm hứng từ các tác phẩm văn học nổi tiếng. Đặc biệt rất có nhiều vở được chuyển thể từ các truyện ngắn thấm đẫm tình người của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Hiện sân khấu “định cư” tại Nhà Văn Hóa Thiếu Nhi Q.10, số 139 Bắc Hải, phường 14, quận 10, TP.HCM.
* Hoàng Vân Anh tốt nghiệp trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật TPHCM năm 2010. Kể từ đó đến nay cô tham gia diễn kịch chuyên nghiệp tại sân khấu Hoàng Thái Thanh. Tại đây cô tham gia diễn xuất “đào chính” trong các vở: Bao giờ sông cạn, Rau răm ở lại, Nửa đời hương phấn, Lan phải sống, Đèn không hắt bóng...