Đạo tranh - bệnh kinh niên của mỹ thuật Việt
Lâu nay đạo tranh ở nước ta đã rất nhức nhối, được xem như bệnh kinh niên của nền mỹ thuật. Dù xảy ra như cơm bữa, song đạo tranh chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, gây ảnh hưởng đến sự phát triển của nền mỹ thuật Việt.
Dư luận gần đây xôn xao khi họa sĩ D.N.H. bị tố đạo tranh của các tác giả nước ngoài. Điều khiến nhiều người bức xúc hơn cả, các tác phẩm này họa sĩ D.N.H. đã tham gia một số cuộc thi của cơ quan chức năng và đều được trao giải. Cụ thể, bức tranh Một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng của họa sĩ D.N.H. dự cuộc thi tranh cổ động tuyên truyền - văn hóa Năm Chủ tịch ASEAN 2020 giống hệt tác phẩm cổ động của một họa sĩ Ukraine công bố năm 2015. Trong khi đó, tác phẩm Hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng dự cuộc thi sáng tác tranh cổ động tuyên truyền năm APEC Việt Nam 2017 “nhái” tác phẩm của họa sĩ A. Arkhipenko (Liên Xô) vẽ tuyên truyền cho Thế vận hội 1980 tại Moscow.
Sau khi bị phát giác, họa sĩ D.N.H. đã lên tiếng nhận lỗi, anh cho biết hành động vay mượn ý tưởng, sao chép lại nội dung tác phẩm của người khác để biến thành của mình là việc làm sai trái. “Đây là cú ngã khiến tôi khó có thể đứng dậy, vì vậy tôi mong bài học của mình sẽ có ích cho những nghệ sĩ khác, nhắc nhở mọi người không bước vào sai lầm của mình, ý thức về tôn trọng bản quyền tốt hơn” - họa sĩ D.N.H. chia sẻ trước áp lực và sự chỉ trích khi bị phát hiện đạo tranh.
Trong đời sống mỹ thuật Việt nhiều năm qua, những sự việc như họa sĩ D.N.H. không phải là hiếm gặp. Từ đạo, nhái tranh các thời kỳ mỹ thuật kháng chiến, mỹ thuật Đông Dương, tranh giả trên thị trường, trên sàn đấu giá, cho đến đạo, nhái hình ảnh và ý tưởng lẫn của nhau đã là “chuyện thường ngày ở huyện”. Ngược dòng thời gian, nhiều vụ đạo tranh đã làm dậy sóng dư luận và tốn nhiều bút mực báo giới. Có thể kể đến bộ tranh sơn mài An lạc của họa sĩ N.T.A. đạo 90% ý tưởng tác phẩm khắc gỗ A di đà Phật của họa sĩ Nguyễn Khắc Hân.
Họa sĩ Hà Hùng Dũng cũng phải lên tiếng vì rất nhiều bức tranh sơn dầu, màu nước của anh đã bị một đơn vị tranh tường tại Hà Nội chép lại thành tranh tường và tranh treo trang trí tại một khách sạn 5 sao ở Sa Pa. Trên mạng xã hội, các sản phẩm tranh tường, tranh chép từ các tác phẩm của họa sĩ Hà Hùng Dũng được quảng cáo và bán công khai khi chưa được sự đồng ý, cho phép của họa sĩ này. Tương tự, bộ tranh sơn dầu Thiếu nữ và hoa sen của họa sĩ Bảo Hạnh đã bị chép thành tranh tường trang trí tại một nhà hàng cà phê, tranh lụa của họa sĩ Bùi Tiến Tuấn được sao chép trái phép lên một quán cà phê ở Nha Trang, bộ tranh Những kẻ điên của họa sĩ Bùi Thanh Tâm bị chép lên tranh tường tại một quán cà phê ở Hải Phòng...
Năm 2019, trong một cuộc thi sáng tác tranh cổ động kỷ niệm 90 năm thành lập Công đoàn Việt Nam, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng khi phát hiện nhiều tác phẩm đoạt giải đã đạo, nhái tranh của người khác, trong đó có tác phẩm được trao giải đặc biệt, giải ba và một số giải khuyến khích. Những tác phẩm tham gia cuộc thi này đã “ăn cắp” nhiều nhất chi tiết anh công nhân đội mũ vải ở tác phẩm khác. Thậm chí, có người thay mũ vải bằng mũ nhựa nhưng lại “quên” không bỏ đi cái quai mũ vải trên cổ của nhân vật mà tác giả đã “mượn”. Sự cẩu thả và “ăn vụng không biết chùi mép” này khiến tất cả phải thở dài ngao ngán.
Tại Việt Nam, do nhiều nguyên nhân, đa số vụ việc đạo nhái tranh chưa được xử lý triệt để. Nhiều vụ việc chỉ nóng trên các phương tiện truyền thông thời gian ngắn, sau đó chìm dần. Họa sĩ Vi Kiến Thành, nguyên Cục trưởng Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh và Triển lãm từng cho biết, phần lớn các vụ việc được phát hiện tại các cuộc thi mỹ thuật (như trường hợp của họa sĩ D.N.H.) chỉ dừng lại ở việc thu hồi giải thưởng, tác phẩm. Vì thế, tính cương quyết và răn đe của pháp luật còn nhẹ. Chính vì điều này khiến ý thức tôn trọng bản quyền của nhiều người làm nghề chưa cao, cứ thản nhiên “nhặt” mỗi nơi một ít hoặc thêm nếm “gia vị” để biến tác phẩm của người khác thành của mình.
Nhiều ý kiến cho rằng, đã đến lúc các tác giả phải lên án mạnh mẽ, tìm đến cơ quan chức năng để tố cáo người có hành vi sai phạm để nhận được hình thức xử lý đủ sức răn đe. Bản thân các họa sĩ cần có ý thức tôn trọng bản quyền tác phẩm, nếu không “căn bệnh” này chưa biết khi nào dừng lại!
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/dao-tranh-benh-kinh-nien-cua-my-thuat-viet-n177044.html