Đáp án chính thức môn Ngữ văn thi lớp 10 ở TPHCM năm 2024
Sở GD-ĐT THCM vừa chính thức công bố đáp án môn Ngữ văn thi lớp 10 năm 2024.
Sau đây là đáp án chính thức của Sở GD-ĐT TPHCM:
Đề thi Ngữ văn năm nay được đánh giá nhẹ nhàng nhưng cũng có bất ngờ.
Thầy Võ Kim Bảo - giáo viên Ngữ văn, Trường THCS Nguyễn Du, Quận 1 - nhận định đề thi gần gũi với thí sinh, không đánh đố, làm khó nhưng vẫn có tính phân hóa nhất định. Thí sinh đã làm quen với cách ra đề, cấu trúc đề từ các năm trước cũng như được ôn tập nên các em có phản hồi tích cực khi làm bài.
Với chủ đề “Nhịp trái tim không chỉ dành cho riêng mình”, theo thầy Bảo, thí sinh có nhiều cơ hội để thể hiện kiến thức, suy nghĩ, tình cảm của mình vì đây là một chủ đề gần gũi, thiết thực với các em.
Thầy Bảo cũng cho rằng ngữ liệu của phần đọc hiểu hay, kết hợp cả văn xuôi và thơ nên có nhiều “đất” để khai thác.
"Vừa có câu hỏi về văn xuôi, vừa hỏi về phần thơ, đây là điểm hay đang chú ý của đề. Với phần này, học sinh với học lực trung bình cũng có thể hoàn thành tốt.
Phần Nghị luận xã hội có tính phân hóa cao. Với “Biết nghĩ bằng con tim”, học sinh sẽ không cảm thấy quá nặng nề mà ngược lại, các em chắc chắn có rất nhiều ý tưởng để viết". Tuy nhiên, để đạt được điểm cao (2.5/3.0 trở lên) thì không dễ, đòi hỏi người viết phải có cái nhìn đa chiều, đưa ra những kiến giải rất sâu sắc".
Với phần Nghị luận văn học, thầy Bảo cho rằng, đề bài không gây bất ngờ với phần lớn giáo viên và thí sinh.
Cụ thể, đề 1, yêu cầu “Phân tích tình cảm của nhân vật bé Thu dành cho cha” là một đề rất vừa sức, các yêu cầu phụ cũng rất tường minh, rõ ràng.
"Tôi dự đoán sẽ có nhiều bài viết tốt, có chất lượng về đề bài này. Với một đề bài không quá khó, những bài điểm cao chắc chắn sẽ là những bài thể hiện rõ nét kỹ năng của người viết như: kĩ năng tạo luận điểm, kỹ năng lập luận, phân tích…
Tuy nhiên, chắc chắn nhiều em yếu kỹ năng sẽ khó phân tích vì đây là dạng đề cho phân tích tâm lý, tình cảm của nhân vật. Có em vì không ôn tập kĩ, không thường xuyên rèn luyện sẽ sa đà vào việc kể chuyện thay vì phân tích tâm lí nhân vật.
Đề 2 mở và nhiều sáng tạo. Thí sinh có thể chọn một tác phẩm thơ (hoặc 1 đoạn thơ bất kì) để phân tích. Trong trường hợp không thuộc thơ, thí sinh có thể phân tích đoạn thơ được gợi ý trong đề. Như vậy, đề chú trọng kỹ năng, thực lực làm bài của thí sinh nhiều hơn là bắt học thuộc lòng. Đây là một điểm sáng đáng ghi nhận của đề thi môn Ngữ văn ở TPHCM nhiều năm nay" - thầy Bảo phân tích.
Thầy Đỗ Đức Anh - giáo viên Trường THPT Bùi Thị Xuân - cũng nhận định, nhìn tổng thể, đề thi không quá khó.
"Đề thi cho học sinh cơ hội để các em có thể "bung" hết sự hiểu biết của mình. Học sinh có thể đạt điểm 7 là điều không khó khăn nếu có kỹ năng và ôn luyện tốt" - thầy giáo này nhận định.
"Phần đọc hiểu không mới mẻ, tình yêu biển đảo, quê hương đã ra đề rất nhiều. Cùng với kiến thức thực tế, thí sinh sẽ trả lời dễ dàng. Tôi rất mừng vì năm nay chỉ cho 1 văn bản đọc hiểu, phù hợp với dung lượng thời gian, thí sinh có thể xử lý nhanh gọn trong 15 phút” - thầy Đức Anh nói.
“Ở phần Nghị luận văn học, tôi hơi băn khăn” - thầy Đức Anh chia sẻ thêm. "Đó là đề sẽ khó với thí sinh đã quen với việc trích dẫn sẵn văn bản".
Theo thầy Đức Anh, việc phân tích một nhân vật mà không trích văn bản, không có dẫn chứng nào mà yêu cầu thí sinh phải nhớ dẫn chứng là khó khăn cho các em.
"Đây sẽ là thử thách với thí sinh không thuộc dẫn chứng. Bên cạnh đó, nhiều năm qua Sở ra đề thơ, năm nay ra truyện cũng là một bất ngờ. Thí sinh chuẩn bị kỹ lưỡng kiến thức, kỹ năng sẽ xử lý tốt, nhưng bị hạn chế về thời gian.
Đề số 2 so với mọi năm là tương đối nhẹ nhàng. Độ khó của 2 đề không chênh lệch và cũng rộng cửa cho thí sinh diễn đạt tốt thoát ra khỏi chương trình, lề luật".