Đáp án đề thi vào lớp 10 môn Ngữ Văn tỉnh Bắc Giang năm 2024

Đáp án đề thi vào lớp 10 môn Ngữ Văn tỉnh Bắc Giang năm 2024, giúp các em học sinh tham khảo, dễ dàng so sánh với kết quả bài thi vào lớp 10 của mình thuận tiện hơn.

Đề thi vào lớp 10 môn Ngữ Văn tỉnh Bắc Giang năm 2024

Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2024 - 2025 trên địa bàn tỉnh Bắc Giang được tổ chức trong 2 ngày (03 và 04/6/2024). Bài thi vào lớp 10 môn Văn Bắc Giang thi theo hình thức tự luận, với thời gian làm bài 120 phút, tổ chức thi sáng ngày 3/6.

Đáp án đề thi vào lớp 10 môn Ngữ Văn tỉnh Bắc Giang năm 2024

Câu 1

a, Theo tác giả, con người tự thuở sơ khai đã khát khao vượt qua

- Vượt qua giới hạn đường chân trời, con người chinh phục đại dương, khám phá ra những lục địa mới

- Vượt qua giới hạn sức hút của Trái Đất, loài người tiếp tục nuôi giấc mơ chinh phục không gian

b, Thành phần trạng ngữ chỉ thời gian: tự thuở sơ khai

c, Xét theo mục đích nói, câu trên thuộc kiểu câu trần thuật

d, - Biện pháp tu từ liệt kê: “là biết đến những tình huống ngặt nghèo, những giới hạn, thành động lực để vượt qua”; “là cao hơn xa hơn nhanh hơn”; “là vượt thoát đói nghèo vươn lên khá giả”; “là khao khát khám phá những điều chưa biết, chưa gọi được tên"

- Tác dụng: cho thấy những khía cạnh khác biệt giữa con người với muôn loài

e, Theo em, người can đảm là: người gan dạ, dũng cảm, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm, không ngại khó khăn thử thách để đạt được mục tiêu của bản thân.

f, Những hành động thể hiện lòng can đảm:

+ Dám nhận lỗi khi bản thân mắc sai lầm

+ Xông pha cứu người mắc kẹt trong đám cháy

+ Cố gắng nỗ lực hết sức để đạt được danh hiệu học sinh xuất sắc

Câu 2.

Yêu cầu về hình thức: Đoạn văn khoảng 200 chữa, không mắc lỗi diễn đạt, dùng từ. Đảm bảo đủ 3 phần: mở đoạn, thân đoạn, kết đoạn.

Yêu cầu về nội dung: Làm sáng tỏ được suy nghĩ của em về sự nỗ lực trong cuộc sống

Bài làm có thể triển khai theo nhiều cách, sau đây là gợi

1. Giới thiệu vấn đề: Sự nỗ lực trong cuộc sống

2. Bàn luận: Sự nỗ lực trong cuộc sống

a. Giải thích

- Nỗ lực là cố gắng hết sức, chăm chỉ, luôn cống hiến và kiên trì để theo đuổi những mục tiêu, đam mê.

- Nỗ lực hết mình sẽ đem lại cho ta ý nghĩa sống vô cùng to lớn.

b. Phân tích

- Vì sao phải nỗ lực trong cuộc sống?

+ Vì sự nỗ lực chính là hình ảnh phản ánh chính bản thân ta khi người khác nhìn vào. Sự nỗ lực sẽ giúp ta tạo nên những giá trị riêng cho bản thân và đóng góp chung cho xã hội.

- Ý nghĩa của sự nỗ lực:

+ Mang đến một cuộc sống tươi đẹp hơn. Khi mọi khó khăn trong cuộc sống đều dám đối mặt và vượt qua, xung quanh ta sẽ chẳng còn bóng tối.

+ Mang đến những người bạn tuyệt vời, đồng hành cùng nhau nỗ lực để thành công.

+ Giúp ta có một tấm lòng bao dung, rộng lượng hơn. Khi bạn đã nỗ lực vượt qua một điều gì đó, bạn ắt sẽ thấu hiểu được phải khó khăn như thế nào mới có được kết quả như vậy.

c. Chứng minh

Học sinh tự lấy dẫn chứng về ý nghĩa của sự nỗ lực trong cuộc sống. d. Phản đề

- Một số người vẫn lười biếng, không có ý thức nỗ lực trong cuộc sống. - Không nhận thức được sự chăm chỉ và nỗ lực để đạt được đam mê. HS lấy dẫn chứng minh họa phù hợp.

3. Tổng kết vấn đề.

Câu 3.

a) Mở bài

- Giới thiệu tác giả Y Phương và bài thơ Nói với con

- Dẫn dắt vấn đề, trích dẫn khổ thơ thứ 2 bài Nói với con

b) Thân bài:

* Những phẩm chất cao quý của người đồng mình

- "Người đồng mình" : người vùng mình, người miền quê mình => cách nói mang tính địa phương của người Tày gợi sự thân thương, gần gũi.

=> Nghĩa rộng hơn là những người sống cùng trên một đất nước, một dân tộc.

- "thương" kết hợp với từ chỉ mức độ "lắm" -> thể hiện sự đồng cảm, sẻ chia.

- "Cao", "xa" : khoảng cách của đất trời -> những khó khăn, thách thức mà con người phải trải qua trong cuộc đời.

-> Hai câu thơ đăng đối ngắn gọn đúc kết một thái độ, một cách ứng xử cao quí: người biết sống là người biết vượt qua nỗi buồn, gian nan, thử thách... hơn nữa còn phải luôn nuôi chí lớn, nỗ lực phấn đấu đi lên. Có như vậy mới thành công trên con đường đời, gặt hái được nhiều hoa thơm, trái ngọt.

- “đá gập ghềnh”, “thung nghèo đói” : ẩn dụ cho những gian lao, vất vả

- "Sống", "không chê" : ý chí và quyết tâm vượt qua thách thức, khó khăn của "đá gập ghềnh", "thung nghèo đói".

=> Khẳng định và ngợi ca đức tính cao đẹp của “người đồng mình”: sống sâu sắc, ý chí mạnh mẽ, có một trái tim ấm áp và nghị lực phi thường.

- Biện pháp so sánh "Sống như sông như suối" -> sống lạc quan, mạnh mẽ như thiên nhiên (sông, suối) chấp nhận những thác ghềnh để rút ra những bài học quí báu.

-> Niềm tin vào ngày mai tươi sáng, cực nhọc, đói nghèo rồi sẽ tan biến.

- "thô sơ da thịt" : giản dị, chất phác, thật thà -> Ca ngợi bản chất mộc mạc, giản dị, chân thật của người đồng mình sớm khuya vất vả.

- “Chẳng mấy ai nhỏ bé” -> ngợi ca ý chí, cốt cách không hề "nhỏ bé" của người đồng mình.

- "đục đá kê cao quê hương" : truyền thống làm nhà kê đá cho cao của người miền núi

-> Ẩn dụ cho tinh thần đề cao, tự hào về quê hương, tự tay xây dựng nên truyền thống quê hương đẹp giàu.

- "quê hương thì làm phong tục" : phong tục tập quán là điểm tựa tinh thần nâng đỡ và tạo động lực cho con người.

=> Đây chính là mối quan hệ giữa cá nhân với cộng đồng : Mỗi người, mỗi cuộc đời chính là một “mùa xuân nho nhỏ” tạo nên mùa xuân cộng đồng và cộng đồng sẽ là cái nôi nâng đỡ cho mùa xuân tâm hồn mỗi người.

* Lời dặn dò, nhắn nhủ và niềm hy vọng người cha dành cho người con

- “Tuy thô sơ da thịt”, “không bao giờ nhỏ bé” một lần nữa lặp lại để khẳng định và khắc sâu hơn những phẩm chất cao đẹp của “người đồng mình”

- "Lên đường" -> Người con đã khôn lớn, đến lúc tạm biệt gia đình, quê hương để bước vào một trang mới của cuộc đời

- "Nghe con" -> hai tiếng ẩn chứa bao nỗi niềm và lắng đọng, kết tinh mọi cảm xúc, tình yêu thương vô bờ bến của cha dành cho con.

-> Qua việc ca ngợi những đức tính tốt đẹp của người đồng mình, người cha mong con sống có tình nghĩa với quê hương, giữ đạo lí “Uống nước nhớ nguồn” của cha ông, biết chấp nhận gian khó và vươn lên bằng ý chí của mình.

=> Lời dặn của cha thật mộc mạc, dễ hiểu, thấm thía, ẩn chứa niềm hi vọng lớn lao rằng đứa con sẽ tiếp tục vững bước trên đường đời, tiếp nối truyền thống và làm vẻ vang quê hương, đất nước.

* Đặc sắc nghệ thuật

- Thể thơ tự do phù hợp với lối nói, tư duy khoáng đạt của người miền núi

- Giọng điệu thơ linh hoạt lúc thiết tha, trìu mến khi trang nghiêm

- Hình ảnh thơ vừa cụ thể vừa khái quát, mộc mạc, giàu chất thơ

- Biện pháp tu từ so sánh, điệp ngữ...

c) Kết bài

- Khẳng định lại giá trị nội dung của khổ thơ và nêu cảm nhận của em về khổ thơ.

Bài văn tham khảo

A. Mở bài

Y Phương là một trong số ít những nhà thơ dân tộc tày, Thơ ông chủ yếu viết về đề tài quê hương mình. Các bài thơ của ông đều thể hiện tâm hồn chân thật, mạnh mẽ và trong sáng, cách tư duy giàu hình ảnh của người miền núi. “Nói với con” là một trong những bài thơ tiêu biểu cho phong cách sáng tác ấy. Đọc đoạn thơ trên ta hiểu được lời của người cha nói với con về những phẩm chất tốt đẹp, những truyền thống đáng tự hào của người đồng mình và niềm kì vọng con sẽ kế tục xứng đáng truyền thống ẩy: ( thơ…)

B. Thân bài

1. Khái quát về tác phẩm

- Bài thơ được sáng tác năm 1980, khi thế hệ nhà thơ vừa thoát ra khỏi cuộc chiến tranh khốc liệt kéo dài 21 năm. Nền kinh tế nước ta lúc ấy như người bệnh trọng mới hồi dậy. Cái nghèo khó phủ lên từng con phố, bản làng … Nhà thơ Y Phương viết “ Nói với con” nhằm động viên tinh thần và tôn vinh dân tộc tày của mình qua hình thức tâm sự của người cha với con ( Lúc này con gái nhà thơ mới được 1 tuổi). Tình yêu con lớn dần cùng tình yêu dân tộc, vừa xúc động thiêng liêng vừa chân thành mạnh mẽ, trong sáng.

- Vị trí đoạn thơ: Đoạn trích trên nằm ở phần thứ hai và cũng là phần cuối của bài thơ. Là lời của người cha nói với con về những phẩm chất tốt đẹp, những truyền thống đáng tự hào của người đồng mình và niềm kì vọng con sẽ kế tục xứng đáng truyền thống ẩy

2. Cảm nhận về những lời nhắn nhủ của Y phương

a. Nhắc lại nội dung đoạn 1

Ở khổ thơ đầu, bằng những hình ảnh thơ đẹp, giản dị bằng cách nói cụ thể, độc đáo mà gần gũi của người miền núi, Y Phương đã nói với con về cội nguồn sinh dưỡng. Ông muốn nói với con rằng gia đình và quê hương chính là cái nôi đầu tiên của cuộc đời mỗi con người, là nơi ta được lớn lên, được yêu thương che chở. Từ đó lời thơ nhắc nhở người đọc cần biết trân trọng gia đình và quê hương của chính mình.

b. Nhắc nhở con về những phẩm chất đẹp đẽ của người đồng mình

- Trong cái ngọt ngào của kỉ niệm về gia đình và quê hương, người cha đã tha thiết nói với con về những phẩm chất tốt đẹp của người đồng mình.

Luận điểm 1: Người đồng mình biết lo toan và giàu mơ ước ( Giàu ý chí, nghị lực ).

* Chuyển ý: Người đồng mình không chỉ là những con người giản dị, tài hoa trong cuộc sống lao động mà còn là những con người biết lo toan và giàu mơ ước:

Người đồng mình thương lắm con ơi!

- Đoạn thơ bắt đầu bằng cảm xúc “ Thương lắm con ơi”. Nếu trong khổ thơ trên người đồng mình “yêu lắm con ơi” - yêu cuộc sống vui tươi bình dị, yêu bản làng thơ mộng, yêu những tấm lòng chân thật nghĩa tình, thì đến đây người cha nói với con “thương lắm con ơi” - bởi sau từ “thương” đó là những những nỗi vất vả, gian khó của con người quê hương => Người cha biểu lộ tình cảm yêu thương chân thành về gian truân, thử thách cùng ý chí mà người đồng mình đã trải qua.

* Chuyển ý: Người đồng mình không chỉ là những con người giản dị, tài hoa trong cuộc sống lao động, mà còn là những con người biết lo toan và giàu mơ ước:

Cao đo nỗi buồn

Xa nuôi chi lớn.

- Bằng cách tư duy độc đáo của người miền núi, Y Phương đã lấy sự từng trải (buồn) để đo chiều cao, lấy chí lớn để đánh giá độ xa. Sắp xếp tính từ “cao”, “xa” trong sự tăng tiến, nhà thơ cho thấy khó khăn, thử thách càng lớn thì ý chí con người càng mạnh mẽ. Qua đó ta thấy rằng người đồng mình sống vất vả, nghèo đói, cực nhọc, lam lũ. Họ nhẫn nhục chịu đựng nỗi buồn dai dẳng của mảnh đất quê hương. Điều này khẳng định người đồng mình thật can trường, dũng mãnh, không khuất phục trước hoàn cảnh biết vươn lên..

=> Có thể nói, cuộc sống của người đồng mình còn nhiều nỗi buồn, còn nhiều bộn bề thiếu thốn song họ sẽ vượt qua tất cả, bởi họ có ý chí và nghị lực, họ luôn tin tưởng vào tương lai tốt đẹp của dân tộc.

Luận điểm 2: Người đồng mình dù sống trong nghèo khổ, gian nan vẫn thủy chung gắn bó với quê hương, cội nguồn.

* Chuyển ý: Với niềm tự hào về ý chí, nghị lực và truyền thống tốt đẹp của “ người đồng mình”, cha mong con luôn sống nghĩa tình, thủy chung với quê hương:

Dẫu làm sao thì cha vẫn muốn

Sống trên đá không chê đá gập ghềnh

Sống trong thung không chê thung nghèo đói

- Phép liệt kê với những hỉnh ảnh ẩn dụ “đá gập ghềnh”, “thung nghèo đói” => gợi cuộc sống đói nghèo, khó khăn, cực nhọc của những người đồng mình

- Điệp ngữ “sống”, “không chê” và điệp cấu trúc câu cùng hình ảnh đối xứng đã nhấn mạnh: người đồng mình có thể nghèo nàn, thiếu thốn về vật chất nhưng họ không thiếu ý chí và quyết tâm. Người đồng mình chấp nhận và thủy chung gắn bó cùng quê hương, dẫu quê hương có đói nghèo, vất vả. Và phải chăng, chính cuộc sống nhọc nhằn, đầy vất vả khổ đau ấy đã tôi luyện cho chí lớn để rồi tình yêu quê hương sẽ tạo nên sức mạnh giúp họ vượt qua tất cả.

* Chuyển ý: Đồng thời người cha khuyên con phải có ý chí, nghị lực vươn lên trong cuộc sống:

Sống như sông như suối

Lên thác xuống ghềnh

Không lo cực nhọc

- Phép so sánh “Sống như sông như suối” gợi vẻ đẹp tâm hồn và ý chí của người đồng mình. Gian khó là thế, họ vẫn tràn đầy sinh lực, tâm hồn lãng mạn, khoáng đạt như hình ảnh đại ngàn của sông núi. Tình cảm của họ trong trẻo, dạt dào như dòng suối, con sống trước niềm tin yêu cuộc sống, tin yêu con người.

- Người cha khuyên con hãy sống cuộc đời rộng lớn, tự do, khoáng đạt, không thụ động chấp nhận thực tại mà luôn hướng tới tương lai không bao giờ cam chịu cuộc sống nhỏ bé tầm thường. Đã có biết bao nhà thơ, nghệ sĩ viết về vấn đề này.

- Thành ngữ dân gian “Lên thác xuống ghềnh” gợi bao nỗi vất vả, lam lũ. Cách nói ẩn dụ “lên thác xuống ghềnh” kết hợp lời nói mộc mạc thường ngày “không lo cực nhọc”, cha khuyên con hãy sẵn sàng đương đầu với khó khăn, thử thách của cuộc đời, không được chùn bước, nản chí. Nên con hãy ngẩng cao đầu dũng cảm vượt qua chông gai, thử thách của cuộc đời. Những câu thơ dài ngắn, cùng những thanh trắc tạo ấn tượng về cuộc sống trắc trở, gian nan, đói nghèo của quê hương.

=> Cha dặn con điều đầu tiên con phải sống ân nghĩa thủy chung vì đây là nền tảng hình thành nên giá trị một con người.

Luận điểm 3: Người đồng mình có ý thức tự lập, tự cường và tinh thần tự tôn dân tộc:

* Chuyển ý: Phẩm chất của những con người quê hương còn được người cha ca ngợi qua cách nói đối lập tương phản giữa hình thức bên ngoài và giá trị tinh thần bên trong, nhưng rất đúng với người miền núi:

Người đồng mình thô sơ da thịt

Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con

- Lời thơ mộc mạc, giản dị nhưng chứa bao tâm tình.

- Cụm từ “thô sơ da thịt” là cách nói bằng hình ảnh cụ thể của bà con dân tộc Tày, ngợi ca những con người mộc mạc, giản dị, chất phác, thật thà, chịu thương, chịu khó.

- Cụm từ “chẳng nhỏ bé” khẳng định sự lớn lao của ý chí, của nghị lực, cốt cách và niềm tin.

- Phẩm chất của con người quê hương được người cha ca ngợi qua cách nói đối lập tương phản giữa hình thức bên ngoài và giá trị tinh thần bên trong, nhưng rất đúng với người miền núi. Tuy “người đồng mình” không mấy đẹp đẽ ở hình thức “thô sơ da thịt” nhưng luôn ẩn chứa một sức mạnh tinh thần lớn lao, không bao giờ nhỏ bé, không bao giờ thôi ước vọng vươn cao. Lời thơ mộc mạc, giản dị nhưng chứa bao tâm tình. Sự tương phản này đã tôn lên tầm vóc của người đồng mình. Họ mộc mạc nhưng giàu chí khí, niềm tin. Họ có thể “thô sơ da thịt” nhưng không hề nhỏ bé về tâm hồn, về ý chí, về mong ước xây dựng quê hương.

* Chuyển ý: Lời cha giản dị, ân cần trang nghiêm, chắc nịch đã giúp đứa con nhận ra rằng chính nhờ những “người đồng mình” như thế, những con người có ước mơ xây dựng quê hương với những truyền thống, phong tục tốt đẹp:

Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương

Còn quê hương thì làm phong tục.

- Lối nói của Y Phương đậm ngôn ngữ dân tộc - độc đáo mà vẫn chứa đựng ý vị sâu xa.

- Hình ảnh “Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương” vừa mang tính tả thực (chỉ truyền thống làm nhà kê đá cho cao của người miền núi), vừa mang ý nghĩa ẩn dụ sâu sắc: Người đồng mình bằng chính bàn tay và khối óc, bằng sức lao động đã xây dựng và làm đẹp giàu cho quê hương, xây dựng để nâng tầm quê hương. Còn quê hương là điểm tựa tinh thần với phong tục tập quán nâng đỡ những con người có chí khí và niềm tin.

- Câu thơ đã khái quát về tinh thần tự tôn dân tộc, về ý thức bảo vệ nguồn cội, bảo tồn những truyền thống quê hương tốt đẹp của người đồng mình. “Đục đá” là công việc vô cùng nặng nhọc, đòi hỏi phải bền bỉ, nhẫn nại. “Đục đá” vào ý thơ đã trở thành hình ảnh sinh động, gợi cảm. Bởi qua ý thơ, hình ảnh ấy giúp ta hình dung hiện thực người dân lao động miền núi bằng khát vọng và ý chí “đục đá kê cao quê hương” đã tôn tạo vẻ đẹp văn hóa của dân tộc với bao thiên tai, bão lũ, bao bọn giặc hung tàn để gìn giữ, bảo vệ quê hương của cả dân tộc. Đó là hình ảnh Sơn Tinh (thời Hùng Vương thứ 18) bốc từng quả đồi…, là hình ảnh anh hùng Núp và dân tộc Ba Na anh em đã quyết tâm không khuất phục giặc Pháp bảo vệ cho vùng đất Chư-Lây thân yêu, làm nên chiến tích lịch sử. Cách mạng hào hùng cho quê hương, đất nước…. Hình dung ra điều ấy, ta mới thấy chi tiết “đục đá kê cao quê hương” là một hình ảnh ấn tượng, chứa chan niềm tự hào cao độ của nhà thơ đối với dân tộc thân yêu.

* Chuyển ý: Khép lại đoạn thơ bằng âm hưởng của một lời nhắn nhủ trìu mến với biết bao niềm tin hi vọng của người cha đặt vào đứa con yêu:

Con ơi tuy thô sơ da thịt

Lên đường

Không bao giờ nhỏ bé được

Nghe con.

- Ý thơ “Tuy thô sơ da thịt” và “không bao giờ nhỏ bé” được lặp lại với bốn câu thơ trước đó càng trở nên da diết, khắc sâu trong lòng con về những phẩm chất cao đẹp của “người đồng mình”. Nhưng hai tiếng “Lên đường” cho thấy người con đã lớn khôn và tạm biệt gia đình - quê hương để bước vào một trang đời mới.

- Trong hành trang của người con mang theo khi “lên đường” có một thứ quí giá hơn mọi thứ trên đời, đó là ý chí, nghị lực, truyền thống quê hương. Lời dặn của cha thật mộc mạc, dễ hiểu, thấm thía, ẩn chứa niềm hi vọng lớn lao của cha, hi vọng đứa con sẽ tiếp tục vững bước trên đường đời, tiếp nối truyền thống và làm vẻ vang quê hương.

- Hai tiếng “Nghe con” lắng đọng bao cảm xúc, ẩn chứa tình yêu thương vô bờ bến của cha dành cho con. Câu thơ còn gợi ra một cảnh tượng cảm động đang diễn ra lúc chia li: cha hiền từ âu yếm nhìn con, xoa đầu con và người con ngoan ngoãn cúi đầu lắng nghe lời cha dặn.

=> Ca ngợi những đức tính tốt đẹp của người đồng mình, cha mong con sống có tình nghĩa với quê hương, phải giữ đạo lí “Uống nước nhớ nguồn” của cha ông từ bao đời để lại. Hơn nữa, con phải biết chấp nhận gian khó và vươn lên bằng ý chí của mình.

=> Người cha muốn con hiểu và cảm thông với cuộc sống khó khăn của quê hương, tự hào về truyền thống quê hương, tự hào về dân tộc để vững bước trên con đường đời, để tự tin trong cuộc sống.

- Nhịp thơ chậm rãi chân thành, nghe như lời nhắn nhủ tha thiết từ trái tim người cha. Một lần nữa người cha khẳng định người đồng mình “thô sơ da thịt”, đó là hình ảnh đáng trân quý và tự hào. Hình ảnh của sự vất vả, lam lũ nơi núi rừng bạt ngàn. Hình ảnh khỏe khoắn, rắn rỏi của người dân lao động miền núi. Vẻ ngoài tuy không đẹp, tuy thô sơ, chân chất mộc mạc nhưng người cha nhắn con hãy nhớ, dù đi đâu, con cũng không bao giờ ngừng nuôi chí lớn, hãy luôn tự hào về quê hương dân tộc, hãy sống với khát vọng và đam mê. Người dân quê ta có thể nhỏ bé về vóc dáng, thô sơ về vóc dáng nhưng khí phách, tinh thần thì thật lớn lao. Sự đối lập giữa hình thể và tâm hồn càng khẳng định niềm tự hào về những con người dân tộc miền núi, càng cho thấy được tình yêu thương, tự hào của người cha dành cho quê hương. Câu cuối “nghe con” nghe vừa nhẹ nhàng mà vừa dứt khoát như lời nhắn nhủ và khẳng định: trên đường đời, dù con có đi đâu làm gì cũng hãy tự hào về dân tộc, về những con người của núi rừng, luôn mang trong mình khát khao, nghị lực, khí phách lớn lao.

=> Đoạn thơ chứa chan ý nghĩa, mộc mạc, đằm thắm mà sâu sắc. Nó tựa như một khúc ca nhẹ nhàng mà âm vang. Lời thơ tâm tình của người cha sẽ là hành trang đi theo con suốt cuộc đời và có lẽ mãi mãi là bài học bổ ích cho các bạn trẻ - bài học về niềm tin,nghị lực, ý chí vươn lên.

3. Đánh giá

Bằng giọng thơ vừa thiết tha, trìu mến vừa trang nghiêm và các hình ảnh thơ cụ thể, chọn lọc, đoạn thơ đã giúp người đọc cảm nhận được trọn vẹn những phẩm chất đẹp đẽ của người đồng mình. Người đồng minh là những người giàu ý chí nghị lực và niềm tin, luôn thủy chung tình nghĩa, phóng khoáng lãng mạn … Và đằng sau những vần thơ ấy, ta nhận ra tình yêu, niềm tự hào và sự gắn bó sâu nặng của nhà thơ với con người quê hương mình. Tình cảm ấy thật đáng trân trọng.

C. Kết luận

Qua lời thủ thỉ, tâm tình của người cha nói với con, với cách tư duy diễn đạt giàu hình ảnh của người miền núi, kết hợp với hình thức tâm tình, trò chuyện nhẹ nhàng của người cha, hình ảnh của quê hương, của người đồng mình hiện lên thật chân thực, cụ thể với bao phẩm chất tốt đẹp. Đó là suối nguồn ngọt ngào nuôi dưỡng tâm hồn và ý chí cho con. Khép lại trang thơ, người đọc không chỉ thấy được chất Tày thấm đượm trong từng câu, từng chữ, hình ảnh mà còn thấy được tình cảm gia đình chính là thứ tình cảm vô cùng cao quý và thiêng liêng song hành cùng với tình yêu của đất nước, của quê hương. Nó chính là thứ động lực mãnh liệt để vun đắp và nuôi dưỡng tâm hồn mỗi con người.

Hùng Cường

Nguồn Đắk Nông: https://baodaknong.vn/dap-an-de-thi-vao-lop-10-mon-ngu-van-tinh-bac-giang-nam-2024-215466.html