'Đập búa trên sông' - Nghề từng phổ biến nay hiếm có khó tìm
Nghề thợ rèn nay đã ít người làm nhưng hành nghề rèn trên sông càng hiếm. Tuy vậy, tại vùng ngọt hóa tỉnh Cà Mau, vẫn có những thợ nghề ở nơi xa lui tới, giữ nghề.

Vợ chồng anh Nguyễn Thanh Nhân (ở xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) làm nghề thợ rèn trên sông đã 30 năm nay

Cặp vợ chồng hành nghề ở nhiều tỉnh miền Tây nhưng thường lui tới nhiều nhất miệt rừng tràm huyện U Minh và vùng ngọt hóa huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau

Tài sản của cặp vợ chồng thợ rèn thương hồ là cái phà ngang hơn 2m, dài độ 4 mét. Trên đó, chở đủ các loại từ máy phát điện, máy dập, máy mài, cột búa, lò lửa, than,…

Theo chia sẻ của vợ chồng anh Nhân, trong khoảng những năm 2.000 trở về trước, người dân còn sử dụng nhiều dụng cụ dao, búa, phản,… cùng với giao thông bộ chưa phát triển nên nghề thợ rèn trên sông có thu nhập khá cao

Nay các tiệm tạp hóa đâu đâu cũng bán các công cụ này, người dân đi mua thuận tiện nên người làm nghề thợ rèn ít dần, còn làm nghề rèn trên sông như vợ chồng anh thì rất hiếm

Trong quá trình làm nghề, vợ chồng anh Nhân hay lui tới tỉnh Cà Mau và có nhiều mối quen, cũng bởi người dân nơi đây tính tình thoải mái, phóng khoáng

Bà con vùng chuyên trồng rừng, trồng lúa tỉnh Cà Mau cũng còn dùng nhiều công cụ lao động liên quan đến nghề rèn và họ cũng ưa cái chất lượng công cụ cặp vợ chồng thợ rèn chuyên nghiệp tạo ra

Hiện nghề rèn có phần đỡ cơ cực hơn trước, bởi có được nhiều thiết bị máy móc hỗ trợ, tuy nhiên, do nhu cầu giảm nên thu nhập cũng giảm nhiều

Mỗi ngày, vợ chồng anh Nhân chỉ kiếm được khoảng 500.000 - 700.000 đồng, chưa trừ chi phí xăng dầu, hao phí máy móc

Để có được số tiền trên, mỗi ngày họ phải làm khoảng 8 - 10h đồng hồ, tạo ra khoảng 10 - 20 công cụ lao động khác nhau, trong đó chủ yếu là dao

Anh Nhân cho biết, hành nghề rèn trên sông rất khó khăn, không gian làm việc, ăn ngủ rất chật hẹp; sinh hoạt nhiều bất tiện, nước cũng phải ghé xin

Việc trôi, rèn trên sông nước bấp bênh, chòng chành cũng khó hơn, phải có kỹ thuật mới tạo ra được công cụ đạt chất lượng

Khó khăn là vậy nhưng cặp vợ chồng thương hồ, gắn bó với nghề rèn mấy mươi năm qua vẫn bám trụ. Bởi, đây không chỉ là “cây kinh tế” mà còn là nghề truyền thống của gia đình