Dập lửa nhanh cũng phải nhanh cứu trợ
Lần đầu tiên sau 5 năm, báo cáo Quốc hội về tình hình kinh tế xã hội, Chính phủ phải dùng tính từ 'rất nhiều' khi nêu lên những khó khăn và nhấn mạnh: 'Chính phủ quyết tâm thực hiện 'mục tiêu kép', nhưng ưu tiên lúc này là tập trung phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả'.
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày báo cáo này, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh bày tỏ: “Chúng ta phải phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và tiếp tục củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước; kế thừa, phát huy những kết quả đạt được, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất định chúng ta sẽ sớm đẩy lùi dịch bệnh, thực hiện thành công “mục tiêu kép”.
Chống dịch và chống dịch
Phiên họp toàn thể tại nghị trường ngày 22/7/2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh báo cáo về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong những tháng còn lại của năm 2021, cả 5 nhiệm vụ, giải pháp mà Chính phủ tập trung thực hiện đều là về chống dịch. Giải pháp, nhiệm vụ đầu tiên của Chính phủ là quyết tâm kiềm chế, không để dịch tiếp tục bùng phát và lây lan rộng, nhanh chóng ổn định tình hình. Trước mắt, tập trung lực lượng để dập dịch nhanh nhất, sớm nhất tại TP. Hồ Chí Minh (TP.HCM) và một số tỉnh đang bùng phát mạnh.
Không cứng nhắc
Thay mặt các cơ quan của Quốc hội để thẩm tra báo cáo kinh tế xã hội của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, Chính phủ cần chủ động xây dựng các kịch bản, chuẩn bị cho mọi tình huống có thể xảy ra. Đồng thời, Chính phủ cần quan tâm một số nhiệm vụ, giải pháp như xác định ổn định kinh tế vĩ mô là nhiệm vụ hàng đầu; kiểm soát dịch bệnh là mục tiêu ưu tiên, kiên trì thực hiện thắng lợi mục tiêu kép phù hợp với tình hình thực tiễn và địa bàn cụ thể.
Chính phủ nêu quan điểm, sẽ tiếp tục củng cố nền tảng vĩ mô, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; kiên định “mục tiêu kép”, thực hiện linh hoạt, sáng tạo, không máy móc, cứng nhắc, tùy từng thời điểm, từng nơi, từng địa phương, địa bàn, cơ quan, đơn vị để lựa chọn ưu tiên phù hợp giữa phòng, chống dịch và phát triển kinh tế xã hội.
Giải pháp, nhiệm vụ thứ 2 là tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, sự điều hành của chính quyền; tiếp tục huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xác định người dân vừa là trung tâm, vừa là chủ thể; tham gia phòng chống dịch là trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của mọi người dân; giữ vững tình hình an ninh trật tự, bảo đảm an toàn cho nhân dân trong mọi tình huống.
Thứ 3, thứ 4, thứ 5 cũng đều là các cấp, các ngành, địa phương thực hiện chủ động, hiệu quả phương châm “4 tại chỗ”; cùng với việc thực hiện có hiệu quả chiến lược vắc-xin, phân bổ linh hoạt, khoa học, hợp lý cho các đối tượng ưu tiên; đồng thời chuẩn bị đầy đủ nhân lực, cơ sở vật chất cần thiết và tổ chức triển khai chiến dịch tiêm chủng toàn quốc kịp thời, an toàn, khoa học, hiệu quả, sớm đạt miễn dịch cộng đồng, chậm nhất vào nửa đầu năm 2022; kiểm soát chặt chẽ hoạt động xuất nhập cảnh, tăng cường truy vết, quản lý cách ly, sau cách ly...
Nhen nhóm tín hiệu vui
Liên tục trong khoảng 30 ngày qua, các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chủ yếu tập trung cho nhiệm vụ chống dịch. Ngày 20/7/2021, Chính phủ còn ban hành riêng một nghị quyết về phòng, chống dịch Covid-19, mang số 78, trong đó quyết nghị thành lập “Tổ công tác đặc biệt” của Chính phủ, đặt tại TP.HCM dưới sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 để xử lý, giải quyết ngay những nhiệm vụ, các vấn đề cấp bách, phát sinh trong công tác phòng, chống dịch tại TP.HCM và các tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội.
Tình hình trở nên rất căng thẳng khi số ca nhiễm mỗi ngày trong nhiều ngày qua đều lên ở mức 4 con số. Ngày 21/7/2021, Thường trực Ban Bí thư đã có điện gửi Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, các tỉnh ủy, thành ủy, các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc trung ương, các đảng ủy đơn vị sự nghiệp trung ương về tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19, nêu rõ yêu cầu số 1 là: “toàn hệ thống chính trị tiếp tục tập trung cao nhất cho công tác phòng, chống dịch”.
Tại điểm “nóng” nhất cả nước hiện nay là TP.HCM, theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay, TP.HCM đã ghi nhận tổng cộng hơn 43.700 trường hợp mắc Covid-19.
Đến nay, số ca dương tính phát hiện còn cao, TP.HCM vẫn chưa đạt đỉnh dịch và có thể diễn biến phức tạp trong vài ngày tới. Mặc dù diễn biến phức tạp, nhưng TP.HCM đã ghi nhận một số tín hiệu đáng mừng về dịch bệnh, đó là không phát sinh ổ dịch mới.
Lửa cháy chân thành, không nhanh là lỡ nhịp
Dịch bệnh bùng phát kể từ ngày 27/4/2021 đã thực sự trở thành “lửa cháy chân thành”, nếu không dập nhanh để dành sức cho phát triển kinh tế thì như khuyến nghị của Ủy ban Kinh tế là “có nguy cơ lỡ nhịp với thế giới”.
Nền kinh tế Việt Nam đang đuối sức thấy rõ và cơ quan này đã chỉ ra các thực tế như CPI bình quân 6 tháng tăng thấp nhất kể từ năm 2016, sức cầu trong nước yếu. Tuy nhiên, CPI tháng 5, tháng 6 tăng lần lượt 2,9% và 2,41% so với cùng kỳ, cùng với tình trạng "bong bóng" tài sản, tình hình giá cả thế giới có xu hướng tăng cao, có thể gây áp lực lạm phát cho những tháng tiếp theo. Tình trạng sốt nóng thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán có thể gây hệ lụy cho kinh tế vĩ mô. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tiếp tục tăng, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp có quy mô nhỏ, (70.209 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 24,9%; 35.607 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, tăng 22,1% so với cùng kỳ).
Dập lửa nhanh, cứu trợ cũng phải rất nhanh, Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, cần triển khai hiệu quả hơn chính sách hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Duy trì và phục hồi hoạt động doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, tạo việc làm cho người lao động; thực hiện phương châm “cứu doanh nghiệp như cứu người bệnh” để hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp, sẵn sàng chuẩn bị cho giai đoạn hậu Covid-19…
Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết, đa số ý kiến cử tri và nhân dân rất lo lắng về tình hình dịch bệnh Covid-19 lây lan, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, dẫn đến việc một số lượng lớn người lao động bị thiếu hoặc mất việc làm, thu nhập bấp bênh.
Do vậy, cử tri mong muốn Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành trung ương và địa phương khẩn trương thực hiện gói 26.000 tỷ đồng với thủ tục đơn giản, kịp thời hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; mong muốn các ngành chức năng tiếp tục quan tâm nâng cao đời sống của người dân, đặc biệt là hộ nghèo, hộ cận nghèo; quan tâm tới đời sống người lao động tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Cử tri cũng mong muốn Chính phủ tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách, biện pháp hỗ trợ sản xuất kinh doanh. Đồng thời, Chính phủ tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp duy trì, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh.
Chính phủ khẳng định tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ cho người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn theo Nghị quyết 68 của Chính phủ, Quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để người dân nào thuộc đối tượng mà không nhận được hỗ trợ; tuyệt đối không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu nhu yếu phẩm tối thiểu.