Dập nát, cắt cụt ngón tay vì 'nghịch dại' pháo nổ ngày Tết
Theo Bộ Y tế, chỉ trong 8 ngày nghỉ Tết, cả nước có 467 trường hợp khám, cấp cứu do pháo nổ, pháo hoa. Tại BV Hữu nghị Việt Đức hiện đang điều trị 3 ca chấn thương nặng, dập nát bàn tay, buộc phải cắt bỏ ngón do 'nghịch dại' pháo nổ.
Ghi nhận tại Khoa Chi trên và Y học thể thao, Bệnh viện Việt Đức vào ngày mùng 5 Tết, hiện có 3 ca đang điều trị vì tai nạn pháo nổ.
Một bệnh nhân 19 tuổi (Nam Định) nằm điều trị tại đây cho biết: "Em đang cuốn pháo thì bất ngờ phát nổ. Khi tỉnh lại đã thấy mình ở bệnh viện". Hậu quả để lại là tay trái bị thương nặng.
Sau khi được sơ cứu ở tuyến dưới, nam thanh niên được chuyển lên Bệnh viện Việt Đức. TS.BS Phan Bá Hải, Phó trưởng Khoa Chi trên và Y học thể thao, tua trực cấp cứu mùng 5 Tết cho biết, bệnh nhân bị gãy xương tay, dập nát bàn tay trái, đã được phẫu thuật cắt ngón cái và một loạt búp ngón của bàn tay.
Đang chờ mổ là nam thanh niên 25 tuổi, ở Nam Định. Theo bệnh nhân, anh được cho quả pháo cối loại lớn. Mùng 4 Tết, anh mang pháo ra đốt. Khi châm lửa, thấy ngòi pháo bắt đầu cháy, anh ném quả pháo ra xa, nhưng không ngờ pháo phát nổ quá nhanh, gây dập nát bàn tay phải, khả năng phải cắt cụt nhiều ngón. Ngoài ra, nam thanh niên này còn bị chấn thương bụng, vết thương ở tai do pháo sượt qua, mắt nhìn mờ. Đau đớn nằm chờ mổ, chàng trai trẻ ân hận về sự "nghịch dại" của mình.
Theo BS Hải, năm nào cũng vậy, vào dịp tết Nguyên đán, Bệnh viện Việt Đức tiếp nhận nhiều ca tai nạn do pháo nổ đến cấp cứu. Trong 4 ngày Tết (từ 30 đến mùng 3 Tết), Bệnh viện Việt Đức tiếp nhận 24 ca tai nạn do pháo nổ vào nhập viện, trong đó nhiều nhất vào ngày 30 Tết là 13 ca, mùng 1 Tết có 5 ca. Các trường hợp vào cấp cứu đều nặng và rất nặng.
"Các trường hợp bị tai nạn do pháo nổ chủ yếu bị thương hai tay, hỏng mặt, tổn thương nhãn cầu. Khi chế tạo pháo do kíp cháy nhanh quá, không đảm bảo kỹ thuật nên thường nổ trên tay gây nát hai tay. Hoặc khi đốt pháo nhìn trực tiếp, pháo phát nổ gây tổn thương hàm mặt, vỡ nhãn cầu gây tổn thương thị lực (chiếm tỷ lệ 10-20% ca nhập viện do pháo nổ). Có nhiều trường hợp bị vỡ nhãn cầu khi mổ các bác sĩ phải bỏ nhãn cầu; nhiều em bị mù.
Trước Tết, có bệnh nhân phải cắt cụt hai tay do tự chế pháo và pháo phát nổ. Tình trạng mua và sử dụng thuốc pháo về tự chế pháo để chơi diễn ra dễ dàng, đã gây ra hậu quả nặng nề, đặc biệt là lứa tuổi thanh thiếu niên, ảnh hưởng rất lớn đến tương lai của các em khi các em bị cụt tay, hỏng mắt, bỏng nặng...", BS Hải cho hay.
Theo Bộ Y tế, 7 ngày tết Ất Tỵ, cả nước có 467 trường hợp khám, cấp cứu do pháo nổ, pháo hoa; trong đó 288 ca nhập viện; giảm hơn so với Tết năm trước.
Theo các chuyên gia, tự chế pháo nổ rất dễ phát nổ vì người chế tạo không có cân lượng và không kiểm soát được các nguồn nhiệt xung quanh hoặc các sự va chạm, ma sát rất dễ phát nổ. Khi pháo nổ bốc khói, gây cháy, ảnh hưởng rất sâu vào đường hô hấp, gây ngất xỉu và rất dễ chết ngạt.
Việc chế tạo pháo đã bị nghiêm cấm do vậy các gia đình cần tăng cường kiểm soát, giáo dục con em tránh để các em mua thuốc pháo về tự chế, gây nguy hiểm đến tính mạng của mình và những người xung quanh.