Đáp số cho rác thải: Ám ảnh xe 'nhiều không'
L.T.S: Giải quyết những bất cập liên quan đến rác thải đồng nghĩa với thêm thành tố quan trọng cho tiến trình văn minh đô thị của TP HCM.
Tiến trình chuẩn hóa phương tiện thu gom rác thải tại TP HCM đang đứng trước bài toán kinh phí, sự tương thích với đặc thù địa bàn…
Lực lượng thu gom rác dân lập đảm nhiệm vai trò quan trọng thu gom, vận chuyển chất thải sinh hoạt trên địa bàn TP HCM. Tuy nhiên, việc chậm chuyển đổi phương tiện gây mất an toàn giao thông, mỹ quan đô thị và cũng làm khó chính người thu gom rác.
Điểm chung xấu xí
Trên nhiều tuyến đường của thành phố, nhất là giờ tan tầm, người dân ám ảnh với những xe máy cũ kỹ kéo thùng đầy rác luồn lách giữa dòng phương tiện tấp nập. Chúng được gọi là xe "nhiều không" - không đèn, không còi, không gương chiếu hậu…
Mỗi ngày, một chiếc xe như vậy đậu trên đường Phan Chu Trinh (quận Bình Thạnh). Một phụ nữ gom vài bịch rác quăng lên thùng, tranh thủ lọc ít vỏ chai lọ ném vào chiếc bao treo lơ lửng trên thành xe. Nước rỉ rác lọt xuống mặt đường gây mùi hôi khó chịu.
Tiếp đó, người đàn ông ngồi trên xe đạp máy khiến tiếng động cơ gầm chói tai một góc phố rồi điều khiển hướng về đường Chu Văn An, rẽ vào "điểm hẹn" ở đường Tố Hữu, bên hông Học viện Cán bộ TP HCM.
Ở "điểm hẹn", hàng chục xe tương tự nối tiếp nhau rẽ vào để giao rác, sau đó quay đầu tiếp tục công việc thu gom hết rác thải tại khu vực được phụ trách trong ngày.
Tương tự, trên những tuyến đường lớn của 2 quận Tân Bình, Gò Vấp như Trường Chinh, Cộng Hòa, Quang Trung… xe máy kéo theo thùng rác ra vào, quần thảo mọi con hẻm là hình ảnh không hiếm gặp. Những thùng rác mang điểm chung là không được che chắn nên mỗi khi đi qua thì ai nấy thường giơ tay bịt mũi vừa như thói quen vừa như phản xạ.
Tại trạm trung chuyển rác Hiệp Bình Chánh (TP Thủ Đức) dù có băng rôn mang nội dung ngừng tiếp nhận rác đối với phương tiện không đạt chuẩn từ ngày 15-12-2022 nhưng vẫn có hàng chục tài xế xe rác tự chế dường như không đọc, ung dung ra vào vận chuyển rác.
Loay hoay chuyển đổi
Ông Hồng Quốc Lợi (40 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) làm nghề thu gom rác từ năm 9 tuổi. Với thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng, ông băn khoăn trước câu chuyện chuyển đổi phương tiện đạt chuẩn. Ngoài ra, nhiều hẻm dài và sâu, xe đạt chuẩn mang kích thước thiếu thon gọn gây khó khăn mỗi khi di chuyển.
Ông Lợi cho hay hiện nay đa số người thu gom rác bằng xe thô sơ, xe tự chế. Vì thiếu giấy tờ hoặc phương tiện quá cũ kỹ, họ phải đi làm từ sáng sớm hoặc khuya để… tránh CSGT. "Lúc nào cũng trong tâm trạng lén lút, rất mệt… nhưng vì cuộc sống…" - người đàn ông 40 tuổi bỏ lửng câu nói.
Chung mối lo, ông Trần Hiển Minh với 20 năm làm nghề gom rác tại TP Thủ Đức cho hay lực lượng thu gom rác dân lập rất đông. Hầu hết họ gặp khó khăn khi muốn chuyển đổi phương tiện vì chi phí cao nhưng mức hỗ trợ thấp.
Là một trong những HTX có nhiều xã viên chuyển đổi phương tiện từ xe thô sơ sang xe tải nhỏ thu gom rác, ông Nguyễn Văn Sáng, Giám đốc HTX Vệ sinh môi trường Thống Nhất (quận Bình Thạnh), cho biết 3 năm trước, khi thành phố yêu cầu chuyển đổi phương tiện từ xe thô sơ sang xe tải nhỏ thì khoảng 60 xe của HTX được chuyển đổi. Tuy nhiên, hoạt động hơn 1 năm, chủ xe không trang trải nổi chi phí đăng kiểm, bảo trì, sửa chữa, trả lương cho tài xế nên đành bán tháo, đóng lại xe thô sơ để chở rác.
"Thực tế, xã viên phải bỏ ra vài trăm triệu đồng mua xe tải, thuê tài xế. Để đủ chi phí hoạt động, xe phải cơi nới thêm nhưng khi ra đường thì phương tiện bị lực lượng chức năng xử phạt, làm khó. Do đó, 2 năm nay, người thu gom rác rất ngán đầu tư mua xe tải vì biết rằng mua xe là lỗ" - ông Sáng trần tình.
Chưa lường trước đặc thù địa hình?
Sốt ruột vì hàng loạt xe thô sơ thu gom rác bị lực lượng chức năng xử phạt, tịch thu trong thời gian qua, ông Phạm Văn Khanh, Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX Môi trường Đồng Tâm (gồm 8 HTX thành viên), kể đã liên tục tuyên truyền, vận động các thành viên chuyển đổi phương tiện thu gom rác theo chỉ đạo của chính quyền nhưng số thành viên chuyển đổi phương tiện không nhiều, chỉ khoảng 20%.
Giống như ông Hồng Quốc Lợi, ông Khanh thừa nhận đặc thù các quận nội thành nhiều hẻm nhỏ sâu, cần phương tiện cơ động, nhỏ gọn, dễ xoay trở khi thu gom, vì vậy công tác chuyển đổi phương tiện 2 năm qua không khả thi.
Ông Phạm Văn Khanh nói để bảo đảm yêu cầu của thành phố cũng như mỹ quan đô thị, Liên hiệp HTX Môi trường Đồng Tâm kiến nghị Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giao thông Vận tải có giải pháp thích hợp. Trong đó, thí điểm xe điện nhỏ gọn giá thành dưới 100 triệu đồng có thể nâng hạ, có thùng chứa nước rỉ rác... để tạo điều kiện cho người thu gom rác tiếp cận chuyển đổi.
Nỗ lực tìm giải pháp trong chuyển đổi phương tiện, ông Triệu Kim Bằng, Giám đốc HTX Môi trường Bình Tân, cũng nói xã viên thu gom rác đều đã chuyển sang xe tải theo quy định. Song, nơi có nhiều hẻm nhỏ, việc chạy xe tải vào thu gom rất khó.
Để khắc phục, những người thu gom thống nhất vận chuyển rác bằng xe nhỏ ra xe ép đậu trên đường. HTX đã có 2 xe ép rác lớn nhưng vấn đề là chưa có nơi tiếp nhận lượng rác từ xe. "Chúng tôi đã kiến nghị quận Bình Tân và Sở Tài nguyên và Môi trường sớm giải quyết để 2 xe ép rác phát huy tác dụng" - ông Bằng cho hay.
Ông Nguyễn Văn Sáng cho biết xã viên luôn mong thành phố cho phép sử dụng một phương tiện có giá thành dưới 100 triệu đồng, hợp quy, có thể luồn lách trong hẻm để an tâm làm việc.
Những con số đáng ngại
Phòng CSGT (PC08) Công an TP HCM cho biết trong năm 2023, lực lượng CSGT xử phạt hơn 23.000 trường hợp theo chuyên đề xử lý xe tự chế, xe thô sơ, xe 3 - 4 bánh; phát hiện 3.561 trường hợp xe 3 bánh vi phạm. Riêng 6 tháng đầu năm 2024, lực lượng CSGT xử phạt hơn 8.500 trường hợp theo chuyên đề xử lý xe tự chế, xe thô sơ 3 - 4 bánh; phát hiện 643 trường hợp xe 3 bánh vi phạm.
Về tai nạn giao thông, trong năm 2023 toàn thành phố xảy ra 17 vụ liên quan xe 3 bánh làm 6 người chết, 12 người bị thương. Con số này trong 6 tháng đầu năm 2024 là 9 vụ, 2 người chết, 6 người bị thương.
Từ giữa tháng 7-2024, Ban An toàn giao thông phối hợp Công an TP HCM tổ chức lễ ra quân tuyên truyền, kết hợp xử lý xe cơ giới không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn, kỹ thuật, xe tự chế, xe 3 - 4 bánh trên địa bàn. Qua một tháng triển khai đã phát hiện hơn 10.000 trường hợp vi phạm.
Trong đó, 2.000 trường hợp chở hàng cồng kềnh; 3.600 trường hợp vi phạm do kéo theo thùng lôi, vật kéo; 1.400 xe "mù", xe "mờ"; 775 trường hợp sử dụng biển số giả hoặc không gắn biển số; 1.500 trường hợp phương tiện không bảo đảm an toàn kỹ thuật (không thắng, còi, đèn…); hơn 2.000 trường hợp vi phạm khác... Đặc biệt, theo PC08, quá trình tuần tra, kiểm soát, lực lượng CSGT phát hiện nhiều xe chở rác không bảo đảm tiêu chuẩn và đã xử lý, tạm giữ 51 xe chở rác dân lập vi phạm.
A.Vũ
(Còn tiếp)
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/dap-so-cho-rac-thai-am-anh-xe-nhieu-khong-19624120919330368.htm