Đáp trả Anh, Nga gửi tàu chiến tới đảo Malvinas?

Đáp lại việc tàu khu trục Anh đi sát bờ biển bán đảo Crưm, Nga có thể đưa tàu đến vùng biển quanh quần đảo Malvinas, theo chuyên gia Nga.

Để đáp trả việc chính quyền London gọi sự kiện tàu khu trục của họ đi sát bờ biển bán đảo Crưm là hành động “thực hiện trong lãnh hải Ukraine”, Matxcơva có thể đưa tàu đến vùng biển quanh quần đảo Malvinas, nơi Anh gọi là Falkland, với danh nghĩa đi lại trong lãnh hải Argentina đã xác lập chủ quyền.

Trong 1 bài phỏng vấn trên PolitNavigator về vấn đề này, chuyên gia quân sự Vladimir Kornilov đã bình luận về lý do người Anh phớt lờ những phát đạn cảnh báo của biên phòng Nga khi khu trục hạm của họ bị xua đuổi khỏi bờ biển Crưm.

Vị trí quần đảo Malvinas (Falklands).

Vị trí quần đảo Malvinas (Falklands).

Ông Kornilov cho biết: “Điều tôi thấy thú vị nhất trong ý kiến của các nhà phân tích người Anh là họ cho rằng họ có quyền đi vào vùng biển này vì họ công nhận đó là vùng biển chủ quyền của Ukraine. Tôi đắn đo rằng không biết chúng ta có thể dùng đúng tông giọng đó khi đưa tàu áp sát quần đảo Falklands được không, khi Argentina vẫn luôn tuyên bố đó là quần đảo của họ? Tất nhiên đây là câu hỏi tu từ thôi. Nhưng chúng ta cũng phải cho họ biết rằng nước Nga không bao giờ chấp nhận việc nước ngoài xâm phạm lãnh hải của chúng ta".

Quần đảo Malvinas (theo tên gọi của Argentina) hay Falklands (theo tên gọi của Anh) là một phần lãnh thổ tranh chấp giữa Anh và Argentina. Quần đảo này nằm cách bờ biển Argentina 460 km và cách Anh 12.000 km.

Dù Anh cho rằng họ đã phát hiện và xác lập chủ quyền tại quần đảo này từ năm 1690, nhưng những người đầu tiên định cư ở đảo lại là ngươi Pháp, từ năm 1764. Trong giai đoạn từ năm 1765 – 1833, quần đảo đổi chủ nhiều lần, qua tay người Anh, Tây Ban Nha, Mỹ, liên bang Argentina… và sau đó người Anh giữ quần đảo từ năm 1833 cho đến năm 1982.

Biệt kích Anh đổ bộ chiếm lại đảo Falklands từ tay Argentina năm 1982.

Biệt kích Anh đổ bộ chiếm lại đảo Falklands từ tay Argentina năm 1982.

Năm 1982, quân đội Argentina đổ bộ chiếm đóng quần đảo dẫn đến cuộc chiến Falklands mà Anh chiến thắng. Sau đó, Anh cấp quốc tịch cho toàn bộ dân cư Falklands và trưng cầu dân ý năm 2013, với đại đa số muốn quần đảo thuộc chủ quyền của Anh.

Tương tự cuộc trưng cầu dân ý tại Crưm, Argentina cũng phản đối và không công nhận cuộc trưng cầu dân ý này trong khi Anh yêu cầu Argentina và các nước khác phải “tôn trọng ý kiến dân cư trên đảo”.

Hiện nay, các cường quốc như Mỹ, EU… chỉ công nhận Anh đang là thực thể kiểm soát quần đảo Falklands (de facto administration) nhưng không chính thức công nhận chủ quyền của Anh tại đây.

Argentina luôn bác bỏ chủ quyền của Anh tại quần đảo Falklands (mà họ gọi là Malvinas) cho dù Anh đã trưng cầu dân ý tại đây. Hình ảnh quần đảo Malvinas/ Falklands trên đồng tiền Argentina.

Argentina luôn bác bỏ chủ quyền của Anh tại quần đảo Falklands (mà họ gọi là Malvinas) cho dù Anh đã trưng cầu dân ý tại đây. Hình ảnh quần đảo Malvinas/ Falklands trên đồng tiền Argentina.

Tông Hùng

Nguồn VTC: https://vtc.vn/dap-tra-anh-nga-gui-tau-chien-toi-dao-malvinas-ar620220.html