Đáp ứng đủ hàng hóa phục vụ nhân dân dịp Tết Nguyên đán

Để đảm bảo nhu cầu tiêu dùng của hơn 1 triệu dân trên địa bàn tỉnh Ninh Bình dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Sở Công Thương đã chỉ đạo các doanh nghiệp bình ổn thị trường, hệ thống phân phối chuẩn bị nguồn hàng, bố trí hệ thống kho dự trữ tập kết hàng hóa, nhân lực, đảm bảo cung ứng kịp thời, đầy đủ để điều phối, thực hiện ngay khi có yêu cầu.

Khách hàng mua sắm tại siêu thị GO thành phố Ninh Bình.

Khách hàng mua sắm tại siêu thị GO thành phố Ninh Bình.

Theo báo cáo của Sở Công Thương, hiện tại trên địa bàn tỉnh có 2 trung tâm thương mại, 33 siêu thị, 111 chợ, 3 kho xăng dầu, 8 doanh nghiệp đầu mối, phân phối xăng dầu, 232 cửa hàng bán lẻ xăng dầu, 6 doanh nghiệp phân phối, 10 điểm bình ổn giá, các doanh nghiệp sản xuất phân phối mặt hàng lương thực thực phẩm và trên 3 nghìn các cửa hàng tiện lợi, của hàng nông sản sạch… được phân bố đều và rộng khắp trên các địa bàn trong toàn tỉnh.

Đồng chí Ngô Minh Kim, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Để đảm bảo ổn định thị trường trong dịp Tết Nguyên đán, Sở Công Thương đã phối hợp với các ngành, địa phương tăng cường theo dõi sát diễn biến thị trường, giá cả hàng hóa; đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, những mặt hàng có nhu cầu cao hoặc có biến động giá nhiều trên địa bàn tỉnh trong thời gian vừa qua để có phương án hoặc biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng, gây tăng giá đột biến trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.

Sở Công Thương cũng đã chủ động tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh các phương án bảo đảm nguồn cung hàng hóa, có kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng, dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ tiêu dùng của người dân trong dịp Tết; triển khai các biện pháp bình ổn thị trường theo quy định của pháp luật.

Đến nay, các doanh nghiệp đầu mối, doanh nghiệp phân phối và cơ sở sản xuất, kinh doanh đã dự trữ lượng hàng hóa với trị giá ước đạt gần 3.000 tỷ đồng (tăng 12% so với dịp Tết năm 2022) đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân trong dịp tết không để tình trạng khan hiếm hàng, sốt giá gây bất ổn thị trường.

Tiêu biểu như: Hệ thống siêu thị Winmart, Winmart+, Lan Chi, Trung tâm thương mại Go, chuẩn bị lượng hàng hóa tập trung vào các mặt hàng thiết yếu: lương thực, thực phẩm, bánh kẹo, nước mắm, mì tôm, dầu ăn, bia, nước ngọt, trái cây, thịt lợn, giỏ quà Tết, ... ước tính khoảng gần 200 tỷ đồng.

Riêng Trung tâm thương mại Go dự trữ hàng hóa trong 45 ngày đạt 100 tỷ đồng, tăng 40% so với Tết năm 2022 và thực hiện chương trình khuyến mại thịt heo không lợi nhuận trong suốt thời gian Tết.

Đối với mặt hàng xăng dầu, năm 2022 là năm có nhiều biến động. Mặc dù trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định, việc cung ứng mặt hàng xăng hiện tại đáp ứng đủ nhu cầu của nhân dân, song Sở Công Thương vẫn hết sức chú trọng đảm bảo ổn định mặt hàng này. Theo báo cáo của các doanh nghiệp đầu mối, doanh nghiệp phân phối, việc cung ứng dầu chỉ ưu tiên đảm bảo phục vụ cho các đơn vị sản xuất, các cửa hàng trong hệ thống của mình.

Doanh nghiệp Hà Dũng, đơn vị tham gia Chương trình bình ổn giá, cam kết bán đúng giá niêm yết.

Theo ghi nhận của phóng viên, mặc dù đã bước vào thời điểm mua sắm sôi động nhất trong năm nhưng năm nay giá cả các mặt hàng thiết yếu cơ bản ổn định so với các tháng trước (tuy giá một số mặt hàng có tăng so với cùng kỳ năm ngoái từ 5-10%), nguồn cung đáp ứng tốt, chủng loại hàng hóa trên thị trường đa dạng, phong phú, từ bánh, mứt, kẹo, hạt, rượu bia, nước giải khát đến các loại thực phẩm tươi sống.

Đồng chí Nguyễn Khải Hoàn, Trưởng phòng Thương mại, Sở Công Thương cũng cho biết: Hiện tại Sở đang tập trung tổ chức tốt các nhiệm vụ, hoạt động, biện pháp cân đối, bình ổn và phát triển thị trường thương mại của tỉnh như tổ chức các hoạt động kết nối cung cầu giữa các doanh nghiệp phân phối và các nhà cung cấp thực phẩm thiết yếu, tạo nguồn hàng bình ổn thị trường phục vụ Tết; phối hợp với các tỉnh, thành phố khác triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, áp dụng các phương thức mới (trực tuyến, sàn đấu giá điện tử,...) để giới thiệu, hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm thực phẩm an toàn, đặc sản vùng, miền của tỉnh Ninh Bình, kết hợp tạo nguồn hàng phục vụ Tết cho nhân dân.

Đồng thời, chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối tập trung thực hiện Chương trình khuyến mại tập trung quốc gia, cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, về khu, cụm công nghiệp, kết hợp với các chương trình hội chợ, khuyến mại, giảm giá, kích cầu tiêu dùng.

Tích cực triển khai các chuyến bán hàng về nông thôn, vùng sâu, vùng xa; chuẩn bị tốt nguồn hàng phục vụ Tết để cung ứng sớm và đầy đủ cho nhân dân các vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa và đặc biệt chú trọng công tác cung ứng hàng hóa cho các vùng và đối tượng gặp khó khăn với lượng đủ, giá cả hợp lý, chất lượng bảo đảm... nhằm tăng khả năng tiếp cận hàng bình ổn cho đối tượng khó khăn, đối tượng có thu nhập trung bình và thấp.

Riêng đối với các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường trong dịp Tết, thực hiện dự trữ hàng hóa theo kế hoạch đã đăng ký; đề xuất danh sách các điểm bán hàng bình ổn và tổ chức bán hàng bình ổn theo yêu cầu; thực hiện treo bảng/biển nhận diện tại điểm bán hàng bình ổn; thực hiện nghiêm túc giá bán và thời gian áp dụng giá bán bình ổn theo thông báo.

Bài, ảnh: Nguyễn Thơm

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/dap-ung-du-hang-hoa-phuc-vu-nhan-dan-dip-tet-nguyen-dan/d20230111133711482.htm