Đáp ứng quy định EUDR: Cửa rộng cho doanh nghiệp ngành cao su vào thị trường EU
Sản phẩm cao su đáp ứng quy định EUDR được xuất khẩu sang thị trường EU với mức giá cao hơn sản phẩm thông thường từ 150-300 USD/tấn.
Rộng cửa cho doanh nghiệp Việt
Chiếm khoảng 16% tổng kim ngạch xuất khẩu cao su, EU là thị trường lớn thứ 2 của Tổng công ty Cao su Đồng Nai (Donaruco). Đáp ứng yêu các Quy định chống phá rừng của châu Âu (EUDR) là giải pháp trọng tâm được doanh nghiệp triển khai nhằm duy trì thị trường xuất khẩu này.

Việc đáp ứng quy định EUDR giúp doanh nghiệp sẵn sàng đẩy mạnh xuất khẩu cao su sang EU sau khi EUDR chính thức có hiệu lực.
Theo đó, doanh nghiệp đã xây dựng thành công hệ thống truy xuất nguồn gốc nguyên liệu (DNRC-Traceability). Hệ thống này không chỉ giúp Donaruco theo dõi hiện trạng vườn cây mà còn xác định chính xác nguồn gốc nguyên liệu của từng lô sản phẩm mủ cao su, ngày chế biến, ngày thu hoạch, chất lượng sản phẩm và cả vị trí địa lý vườn cây.
Bên cạnh đó, do hằng năm vẫn phải thu mua thêm một lượng không nhỏ mủ cao su tiểu điền nhằm đảm bảo đủ nguồn nguyên liệu cho hoạt động của 3 nhà máy chế biến mủ cao su, Donaruco đã triển khai nhiều giải pháp nhằm giúp các hộ tiểu điền thu thập thông tin cần thiết, lập bản đồ và quản lý nguồn gốc nguyên liệu mủ cao su theo quy định EUDR. Đồng thời, hợp tác chặt chẽ về kỹ thuật và chia sẻ lợi ích khi các hộ tiểu điền tuân thủ quy định của EUDR.
Ước tính đến cuối năm 2024, đã có khoảng 1.600 tấn mủ cao su đạt chuẩn EUDR của Donaruco xuất khẩu thành công sang thị trường EU. Ông Đỗ Minh Tuấn, Tổng Giám đốc Donaruco, cho biết, việc đáp ứng quy định EUDR không chỉ giúp cho Donaruco sẵn sàng đẩy mạnh xuất khẩu cao su sang EU sau khi EUDR chính thức có hiệu lực, mà còn giúp công ty nâng cao uy tín trên thị trường quốc tế, giúp cho sản phẩm cao su của công ty tạo được sự chú ý nhiều hơn từ các thị trường lớn như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc...
Theo ước tính của Cục Hải quan, 6 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu cao su đạt 680.000 tấn, trị giá 1,27 tỷ USD, giảm 6,5% về lượng, nhưng vẫn tăng 14,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2024, do giá xuất khẩu tăng 22,4%, đạt mức bình quân 1.865 USD/tấn.
EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam đối với các mặt hàng cao su thiên nhiên và sản phẩm cao su, chiếm khoảng 7,4% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả ngành. Hiện chưa có con số chính xác về lượng cao su nguyên liệu nguồn gốc từ tiểu điền được đưa vào chuỗi cung xuất khẩu vào EU. Tuy nhiên chắc chắn có một lượng nguyên liệu từ nguồn này nằm trong các mặt hàng cao su tự nhiên và sản phẩm cao su đang được xuất khẩu vào thị trường này.
Theo số liệu của Hiệp hội Cao su Việt Nam, năm 2024 lượng cung cao su nguyên liệu từ các nông hộ đạt 819 ngàn tấn mủ, tương đương 63% trong tổng 1,3 triệu tấn (quy khô) nguyên liệu trong nước. Lượng cung cao su từ tiểu điền dự kiến sẽ tiếp tục ổn định trong những năm tới.
Quy định EUDR sẽ chính thức được áp dụng từ ngày 30/12/2025 yêu cầu 7 nhóm mặt hàng, trong đó có cao su, khi nhập khẩu vào EU phải đảm bảo toàn bộ chuỗi cung tuân thủ pháp luật quốc gia nơi sản xuất, có khả năng truy xuất đầy đủ và quá trình sản xuất không gây mất rừng và suy thoái rừng kể từ sau ngày 31/12/2020.
Việt Nam đã và đang hình thành các mô hình cao su đại điền và tiểu điền đáp ứng EUDR. Doanh nghiệp đáp ứng EUDR chủ yếu là các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Cao su Việt Nam. Mô hình tiểu điền đáp ứng EUDR chủ yếu là các sáng kiến của các doanh nghiệp tư nhân, như mô hình của Công ty Mai Vĩnh, Việt Sing, Thuận Lợi, thực hiện thông qua việc liên kết các hộ tiểu điền và các đại lý, tổ chức chuỗi cung nhằm đảm bảo truy xuất nguồn gốc và đáp ứng yêu cầu của EUDR về tính hợp pháp và không gây mất rừng.
Sản phẩm cao su đáp ứng EUDR từ các mô hình này đã được xuất khẩu sang EU với mức giá cao hơn sản phẩm thông thường từ 150-300 USD/tấn. “Nhu cầu của thị trường trong tương lai rất lớn. Chúng tôi sẽ mở rộng quy mô sản xuất để đáp ứng thị trường trong tương lai”, bà Đặng Thị Hoa Mai, Giám đốc Công ty Cao su Mai Vĩnh chia sẻ.
Doanh nghiệp chế biến có vai trò thúc đẩy hình thành chuỗi cung
Ông Võ Hoàng An, Tổng Thư ký Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA), nhấn mạnh, yêu cầu truy xuất nguồn gốc và tính minh bạch trong chuỗi cung ngày càng trở thành tiêu chuẩn bắt buộc tại các thị trường quốc tế. Trong bối cảnh đó, chuỗi cung cao su tiểu điền – vốn là nền tảng của ngành cao su Việt Nam và gắn liền với sinh kế của hàng trăm nghìn hộ dân – đang đối mặt với nguy cơ bị loại khỏi chuỗi giá trị toàn cầu nếu không có giải pháp hỗ trợ phù hợp.
Việc đáp ứng EUDR là một thách thức lớn, nhưng đồng thời là cơ hội để nâng cấp toàn bộ chuỗi giá trị theo hướng bền vững và có trách nhiệm hơn. VRA sẽ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp, hộ tiểu điền và các bên liên quan nhằm thúc đẩy mô hình chuỗi cung minh bạch, phù hợp với xu thế của thị trường thế giới.
Tiến sĩ Tô Xuân Phúc, Giám đốc Chương trình Chính sách, Tài chính và Thương mại rừng của Tổ chức Forest Trends, cho rằng, mặc dù không phải tất cả cao su tự nhiên và sản phẩm cao su có nguồn gốc từ tiểu điền đều được xuất khẩu vào EU, tái cấu trúc lại chuỗi cung tiểu điền hiện tại theo hướng đáp ứng được yêu cầu truy xuất là xu hướng bắt buộc với tất cả các bên tham gia chuỗi trong tương lai. Đáp ứng được các yêu cầu này là cơ hội để hiện đại hóa chuỗi cung cao su, thúc đẩy quản trị ngành, nâng cao thu nhập bền vững cho nông hộ và đóng góp vào các mục tiêu phát triển bền vững.
Trong đó, doanh nghiệp chế biến cần có vai trò thúc đẩy hình thành chuỗi cung tiểu điền bền vững, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân. Bởi nguồn cung cao su nguyên liệu từ hộ tiểu điền có vai trò quan trọng không chỉ với doanh nghiệp tư nhân và cả với doanh nghiệp Nhà nước. Sự chung tay của các doanh nghiệp hỗ trợ hộ tiểu điền đáp ứng các yêu cầu minh bạch chuỗi cung và bền vững nên là một hợp phần cơ bản của mô hình kinh doanh của doanh nghiệp.
EU hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của cao su Việt Nam. Với sức mua ổn định, cao su Việt Nam còn dư địa tăng trưởng xuất khẩu tại thị trường này. Bên cạnh đó, Hiệp định EVFTA tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường này.