UOB nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam

UOB nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam lên mức 6,9%, tăng gần 1 điểm phần trăm so với trước đó khi giai đoạn căng thẳng nhất đã qua.

Những diễn biến mới nhất trong đàm phán thương mại với Mỹ đang cho thấy tín hiệu tích cực đối với Việt Nam, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo áp thuế 20% lên hàng nhập khẩu từ Việt Nam vào Mỹ và 40% đối với hàng trung chuyển.

“Chúng tôi cho rằng giai đoạn căng thẳng nhất đã qua và dự báo tốc độ tăng trưởng xuất khẩu trong năm 2025 sẽ ở mức vừa phải. Theo đó, chúng tôi điều chỉnh tăng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2025 thêm 0,9 điểm phần trăm, lên mức 6,9%”, Bộ phận Nghiên cứu Thị trường và kinh tế toàn cầu, Ngân hàng UOB (Singapore), cho biết trong báo cáo mới nhất.

Dựa trên mức thuế mới, đơn vị này dự báo xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ sẽ tăng nhẹ 5% (so với mức tăng 23% trong năm ngoái), thay vì giảm 20% như ước tính trước đó sau tuyên bố của ông Trump hôm 2/4.

Với các thị trường ngoài Mỹ, xuất khẩu được kỳ vọng sẽ tăng 10%. Tổng thể, xuất khẩu của Việt Nam dự kiến sẽ chỉ tăng 8,5% trong năm nay, thấp hơn đáng kể so với mức 14% của năm trước.

Dựa trên các giả định này, và sau khi tính đến tác động đối với sản xuất và dòng vốn FDI, mô hình của UOB ước tính tăng trưởng GDP Việt Nam trong năm nay sẽ cao hơn 0,9 điểm phần trăm so với dự báo cơ sở ban đầu.

“Chúng tôi dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam quý III và quý IV năm 2025 ở mức khoảng 6,4%. Trong điều kiện này, dòng vốn FDI thực hiện dự kiến sẽ đạt khoảng 20 tỷ USD trong năm nay”, UOB cho biết trong báo cáo.

Một điểm then chốt trong đàm phán là cách xác định rõ ràng thế nào là “hàng trung chuyển”. Trong trường hợp này, theo UOB, trọng tâm thảo luận giữa hai nước nhiều khả năng sẽ xoay quanh quy tắc xuất xứ, cụ thể là tỷ lệ giá trị gia tăng nội địa để một sản phẩm được công nhận là “Sản xuất tại Việt Nam”.

Nếu Mỹ yêu cầu tỷ lệ nội địa hóa cao hơn, chẳng hạn 40 – 50% hoặc thậm chí cao hơn, điều này có thể gây bất lợi cho ngành sản xuất non trẻ của Việt Nam, vốn dựa vào lực lượng lao động dồi dào với chi phí thấp, thay vì công nghệ sản xuất tiên tiến.

Ngược lại, nếu mức yêu cầu về tỷ lệ nội địa hóa chỉ ở mức 20 – 30% hoặc thấp hơn, đây sẽ là tín hiệu tích cực, cho phép hoạt động kinh doanh tiếp tục ổn định mà ít bị gián đoạn.

Dù mức thuế mới được điều chỉnh giảm còn 20% thay vì mức cao tới 46% trước đó, Việt Nam và các nước xuất khẩu khác vẫn sẽ phải đối mặt với nhu cầu tiêu dùng và đơn hàng từ Mỹ suy yếu, do người tiêu dùng và doanh nghiệp Mỹ sẽ phải trả giá cao hơn cho các sản phẩm nhập khẩu.

Dự báo giữ nguyên lãi suất

Với lạm phát tổng thể và lạm phát cơ bản vẫn dưới mục tiêu chính thức 4,5% trong nửa đầu năm 2025 và phần lớn năm 2024, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) có khả năng sẽ cân nhắc nới lỏng chính sách tiền tệ.

Tuy nhiên, diễn biến trên thị trường ngoại hối cũng là một yếu tố quan trọng mà NHNN cần xem xét, bộ phận nghiên cứu của UOB đánh giá.

Bên cạnh đó, kết quả tăng trưởng tích cực của nền kinh tế nói chung có thể đã làm giảm áp lực phải nới lỏng chính sách. “Do vậy, chúng tôi kỳ vọng NHNN sẽ giữ nguyên lãi suất chính sách hiện tại, với lãi suất tái cấp vốn được duy trì ở mức 4,5%”, UOB cho hay.

Tuy nhiên, nếu tình hình kinh doanh trong nước và thị trường lao động xấu đi đáng kể trong 1 – 2 quý tới, bộ phận nghiên cứu của ngân hàng này cho rằng NHNN có thể hạ lãi suất chính sách một lần xuống mức thấp trong thời kỳ Covid-19 là 4% và tiếp theo là một đợt giảm 50 điểm cơ bản xuống còn 3,5%, với điều kiện thị trường ngoại hối ổn định và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu thực hiện các đợt cắt giảm lãi suất.

Hiện tại, kịch bản cơ sở của vẫn là NHNN sẽ không thay đổi chính sách.

UOB dự báo VND sẽ duy trì gần mức thấp trong biên độ giao dịch so với đồng USD cho đến hết quý III. Tuy nhiên, sang quý cuối năm, VND có thể bắt đầu phục hồi phù hợp với xu hướng hồi phục chung của các đồng tiền châu Á khi những bất ổn thương mại giảm bớt.

Kiều Mai

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/du-bao-tang-truong-kinh-te-viet-nam-tang-manh-d41061.html