Đáp ứng tốt nhu cầu thanh toán của người dân trong dịp tết
Thời điểm gần Tết Nguyên đán, nhu cầu thanh toán, giao dịch và sử dụng các dịch vụ ngân hàng của người dân, doanh nghiệp tăng cao. Để bảo đảm nhu cầu của khách hàng, Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh tỉnh Thanh Hóa (NHNN Thanh Hóa) đã tập trung chỉ đạo các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm bảo đảm vận hành dịch vụ thanh toán, hệ thống ATM hoạt động an toàn, thông suốt để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân.
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Bắc Á - Chi nhánh Thanh Hóa.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 118 tổ chức tín dụng. Trong đó, có 34 chi nhánh ngân hàng thương mại, 1 chi nhánh ngân hàng chính sách xã hội, 1 chi nhánh ngân hàng phát triển, 1 chi nhánh ngân hàng HTX, 1 tổ chức tài chính vi mô, 2 chi nhánh tổ chức tài chính vi mô, 67 quỹ tín dụng Nhân dân và 11 công ty tài chính. Để bảo đảm nhu cầu thanh toán, tiêu dùng của người dân trong dịp Tết Nguyên đán, NHNN Thanh Hóa đã có văn bản yêu cầu các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch cụ thể về hoạt động của các máy ATM dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Giáp Thìn, bao gồm kế hoạch tiền mặt, chuẩn bị sẵn sàng nhân lực và tiền mặt để tiếp quỹ đầy đủ, kịp thời cho ATM, bảo trì, bảo dưỡng máy ATM... Đồng thời, tổ chức rà soát, chủ động các biện pháp nhằm giảm tải rút tiền mặt tại các ATM có nguy cơ quá tải, bảo đảm nhu cầu tiền mặt cho người dân trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
Với hệ thống 361 máy ATM, gần 4 nghìn máy thanh toán qua thẻ ngân hàng (POS) với 3 nghìn điểm chấp nhận thanh toán thẻ tại các cơ sở bán lẻ, chuỗi phân phối, khách sạn, nhà hàng... các ngân hàng thương mại đã xây dựng kế hoạch chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực, kịp thời có các biện pháp phù hợp để bảo đảm hệ thống các máy rút và gửi tiền tự động hoạt động thông suốt, ổn định, an toàn 24/24 giờ.
Những ngày này, không khí giao dịch tại các tổ chức tín dụng diễn ra khá nhộn nhịp, khẩn trương. Để đáp ứng tốt nhu cầu của người dân và doanh nghiệp, các ngân hàng đã chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch cụ thể về cung ứng nguồn tiền mặt, đồng thời đẩy mạnh các dịch vụ thanh toán ngân hàng tiện ích.
Tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam - Chi nhánh Nam Thanh Hóa (Agribank Nam Thanh Hóa), những ngày qua lượng khách đến giao dịch tại quầy và rút tiền tại các cây ATM tăng gấp đôi. Để bảo đảm hoạt động thông suốt, tránh nguy cơ nghẽn hệ thống, ngân hàng đã xây dựng phương án bố trí nhân sự làm việc để cung ứng các dịch vụ thanh toán thiết yếu phục vụ người dân ổn định, an toàn, thông suốt. Theo đó, Agribank Nam Thanh Hóa đã chủ động tiếp quỹ thường xuyên; rà soát, bảo dưỡng tất cả các máy ATM, máy POS, nâng cấp phần mềm liên tục để hạn chế lỗi phát sinh; bố trí cán bộ trực đường dây nóng để tiếp nhận thông tin, sẵn sàng hỗ trợ khách hàng khi có sự cố phát sinh. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng tuyên truyền cho khách hàng cảnh giác đối với phương thức, thủ đoạn phạm tội và phối hợp với cơ quan chức năng trong việc phòng ngừa, ngăn chặn rủi ro trong thanh toán điện tử, thanh toán thẻ ngân hàng và hoạt động ATM.
Người dân rút tiền tại máy ATM của Agribank tại thị trấn Ngọc Lặc (Ngọc Lặc).
Giám đốc Ngân hàng Bắc Á - Chi nhánh Thanh Hóa Trịnh Văn Cường cho biết: "Để phục vụ tốt nhất người dân, ngân hàng đã chuẩn bị đầy đủ tiền mặt với đủ cơ cấu các loại mệnh giá tiền cho khách hàng. Đồng thời, theo dõi tồn quỹ, chủ động chuẩn bị tiền mặt để kịp thời tiếp quỹ cho ATM, tránh tình trạng ATM bị hết tiền, nhất là dịp trước tết. Nhằm bảo đảm chất lượng dịch vụ phục vụ người dân, đơn vị tập trung rà soát, kiểm tra, bảo dưỡng ATM, phát hiện, xử lý kịp thời các sự cố kỹ thuật, không để xảy ra gián đoạn trong hoạt động, gây bức xúc cho khách hàng"...
Theo Giám đốc NHNN Thanh Hóa Tống Văn Ánh, để bảo đảm đáp ứng nhu cầu tiền mặt trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, NHNN Thanh Hóa yêu cầu các tổ chức tín dụng trên địa bàn tuyệt đối không để xảy ra tình trạng thiếu tiền mặt, hoãn chi tiền mặt làm ảnh hưởng đến tình hình lưu thông tiền tệ, nhất là chi tiền mặt cho các đối tượng hưu trí, trợ cấp xã hội; trả lương, thưởng cho cán bộ, công nhân viên các cơ quan, doanh nghiệp. Đồng thời, thường xuyên theo dõi diễn biến thu chi và tồn quỹ tiền mặt tại các tổ chức tín dụng để kịp thời điều chuyển, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiền mặt, kể cả trong trường hợp xảy ra đột biến.
NHNN sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và giám sát hoạt động của các tổ chức tín dụng bảo đảm an toàn thanh khoản, kho quỹ, trụ sở giao dịch, tài sản và hoạt động ngân hàng.
NHNN còn phối hợp với cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kịp thời xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh ngoại tệ, vàng và dịch vụ đổi tiền mới, kinh doanh tiền mặt mệnh giá nhỏ, lẻ không đúng quy định của pháp luật. Yêu cầu các ngân hàng thương mại triển khai tốt việc cung ứng các dịch vụ ngoại hối, thu, đổi ngoại tệ phục vụ nhu cầu của du khách nước ngoài; tăng cường công tác bảo vệ an ninh, an toàn trụ sở, phòng giao dịch, tài sản, kho tiền và hoạt động ngân hàng, đặc biệt những nơi vắng, xa khu dân cư; bố trí cán bộ trực để kịp thời xử lý các tình huống phát sinh trong dịp tết, đảm bảo các hoạt động thuận lợi, thông suốt...