ĐÁP ỨNG YÊU CẦU CHĂM SÓC, BẢO VỆ TRẺ EM TRONG GIAI ĐOẠN MỚI

Tại hội thảo Tổng kết Dự án phối hợp của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam (Unicef), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ khẳng định các hoạt động của dự án đều nằm trong nội dung chương trình công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Ủy ban, nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em trong giai đoạn mới hiện nay.

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tổng kết dự án phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ cho biết, Dự án “Tăng cường năng lực đại biểu dân cử trong việc thúc đẩy thực hiện quyền trẻ em tại Việt Nam” giai đoạn 2017 - 2021 được ký kết hoàn thiện vào cuối năm 2017, bắt đầu triển khai các hoạt động cụ thể từ năm 2018. Ủy ban Văn hóa, Giáo dục là cơ quan điều phối và quản lý dự án. Đây là chu kỳ phối hợp thứ ba giữa Ủy ban và Unicef kể từ năm 2006 đến nay. Các hoạt động của dự án đều nằm trong nội dung chương trình công tác nhiệm kỳ 2016 - 2021 của Ủy ban và phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ của dự án; nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em trong giai đoạn mới hiện nay.

Mục tiêu của dự án là nhằm góp phần nâng cao năng lực của các cơ quan dân cử trong việc xây dựng và giám sát pháp luật, chính sách liên quan đến quyền trẻ em trên cơ sở phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em (Công ước CRC) và các chuẩn mực quốc tế khác; xây dựng môi trường pháp luật và chính sách tốt, có khả năng bảo vệ cho mọi trẻ em. Dự án tập trung vào các hoạt động tăng cường cam kết của các cơ quan của Quốc hội trong việc thực hiện quyền trẻ em; tăng cường kiến thức của các đại biểu dân cử về các chuẩn mực quốc tế và pháp luật quốc gia về quyền trẻ em; lồng ghép các vấn đề về trẻ em vào các văn bản pháp lý phù hợp; xây dựng và áp dụng một số bộ công cụ giám sát việc thực hiên chính sách, pháp luật liên quan đến trẻ em…

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ cho biết, để xây dựng, phê duyệt và triển khai vận hành dự án giai đoạn 2017-2021, Ủy ban đã ban hành nhiều văn bản: Công văn số 254/UBVHGDTTN14, ngày 03/01/2017 của Ủy ban gửi Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội đồng thực hiện dự án; Nghị quyết số 979/NQ-UBVHGDTTN14 ngày 05/12/2017 của Ủy ban về việc phê duyệt Văn kiện và Quyết định đầu tư Dự án “Tăng cường năng lực Đại biểu dân cử trong việc thúc đẩy thực hiện quyền trẻ em tại Việt Nam”; Nghị quyết số 990/NQ-UBVHGDTTN14 ngày 08/12/2017 của Ủy ban về việc thành lập Ban Quản lý dự án “Tăng cường năng lực Đại biểu dân cử trong việc thúc đẩy thực hiện quyền trẻ em tại Việt Nam giai đoạn 2017-2021…

Bên cạnh đó, Ủy ban cũng đã tham mưu tổ chức đoàn công tác cấp cao do nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng làm trưởng Đoàn cùng với Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam khảo sát tình hình trẻ em và phát triển toàn diện trẻ em tại các tỉnh Kon Tum, Gia Lai. Nhân kỷ niệm 30 năm công ước Liên hợp Quốc về quyền trẻ em, Ủy ban đã tham mưu tổ chức thành công Hội nghị cấp cao về “Chính sách phát triển toàn diện trẻ em” tại nhà Quốc hội (ngày 23/11/2019), với hơn 160 đại biểu tham dự…

Dự án đã tổ chức 02 hội nghị cung cấp thông tin cho đại biểu về Luật Trẻ em và lồng ghép, tham gia 03 hội nghị về Luật Thanh niên; tổ chức 02 hội nghị (tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh) giới thiệu những điểm mới trong Luật Trẻ em 2016 cho hơn 100 đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cung cấp thông tin cơ bản, quan trọng về quyền trẻ em cho đại biểu để phục vụ hoạt động lập pháp, giám sát, quyết định những vấn đề quan trọng liên quan tới trẻ em; tham gia Hội nghị của Ủy ban về “Tình hình thực hiện Luật Thanh niên 2005 và những kiến nghị cho Luật Thanh niên sửa đổi” tổ chức tại 3 miền (Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội), thông qua hình thức cử nhóm chuyên gia trình bày tham luận tại các Hội nghị, đề xuất những vấn đề góp ý cho dự thảo Luật Thanh niên có liên quan đến nhóm người chưa thành niên từ 16 đến dưới 18 tuổi. Đồng thời, xây dựng văn bản góp ý về những nội dung trên gửi tới Thường trực Ủy ban nghiên cứu, tham khảo trong quá trình thẩm tra dự án Luật….

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ cho, trong giai đoạn 2017-2021, trong điều kiện kiêm nhiệm và ảnh hưởng từ tình hình dịch bệnh hai năm cuối 2020, 2021, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Ban quản lý dự án đã bám sát các mục tiêu của Dự án, xây dựng và triển khai tổ chức nhiều hoạt động. Trong đó có những hoạt động cấp cao do lãnh đạo Quốc hội lần đầu tiên tham gia và chủ trì Đoàn khảo sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về lĩnh vực thuộc Ủy ban phụ trách tại địa phương, cơ sở, có sự tham gia của các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, các bộ, ngành. Các hoạt động đều nằm trong nội dung chương trình công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Ủy ban và phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ của dự án; nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em trong giai đoạn hiện nay.

Tuy nhiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ cũng chỉ ra, đội ngũ chuyên gia về quyền trẻ em để hỗ trợ cho dự án, nhất là chuyên gia vừa am hiểu về quyền trẻ em vừa am hiểu về hoạt động lập pháp và giám sát của Quốc hội không nhiều, do đó khi tổ chức hoạt động gặp những khó khăn nhất định, nhất là những hoạt động có tính chuyên môn sâu như thực hiện các nghiên cứu để đề xuất chính sách, cơ chế thúc đẩy quyền trẻ em; việc huy động một số Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội tham gia thực hiện Dự án còn hạn chế; Ban quản lý dự án 100% kiêm nhiệm, việc sắp xếp, điều phối giữa hoạt động dự án và hoạt động chuyên môn của Ủy ban tại một số thời điểm có những khó khăn nhất định. Đặc biệt, trong 2 năm 2020, 2021 do ảnh hưởng của dịch COVID-19, thực hiện chủ trương giãn cách xã hội phòng, chống dịch, nên hầu hết các hoạt động dự kiến không thực hiện được.

Từ thực tiễn đó, để hoạt động dự án đạt hiệu quả cao, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ cho rằng, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội cần tham gia, chủ trì thực hiện hoạt động thuộc chuyên môn phụ trách, giải quyết đồng bộ quyền lợi cho trẻ em trong các lĩnh vực. Bên cạnh đó, kế hoạch hoạt động của Dự án cần bám sát nhiệm vụ chính trị của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, của Quốc hội và chương trình hành động của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; xác định mục tiêu ưu tiên trong giai đoạn và hằng năm.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ cho biết, trong giai đoạn 2022- 2026, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục và Unicef dự kiến tiếp tục triển khai hiệu quả các dự án phối hợp nhằm tiếp tục thúc đẩy quyền trẻ em tại Việt Nam với vốn viện trợ không hoàn lại 100% từ Unicef nhằm mục tiêu tiếp tục đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em trong giai đoạn mới. /.

Thu Phương

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=66872