Đất ba sông gieo trồng nguyệt quế: Giải mã cách 'thổi lửa' và 'truyền lửa' của Bắc Giang (Bài 2)

BẮC GIANG - Cách mà Bắc Giang làm giáo dục giống như trồng cây, đều bắt nguồn từ gốc. Không có cây nào trồng từ ngọn cũng như không có trái ngọt nào tự nhiên sinh ra, Bắc Giang đã chủ động tìm kiếm, gieo trồng và bồi dưỡng học sinh giỏi (HSG) từ sớm; tỉ mỉ, chu đáo như chăm cây để những“cái cây” HSG đó phát triển bền vững, mang về những mùa vàng bội thu, đơm hoa kết trái.

Phát hiện nguồn từ sớm

Trở lại câu chuyện của ba chàng trai vàng Hà- Công- Hùng, ngay từ năm học lớp 11, các em đã sở hữu bộ sưu tập thành tích “khủng” và tiếp tục phát triển, nhân lên ở lớp 12. Như vậy, kể từ khi vào Trường THPT Chuyên Bắc Giang, các em có vỏn vẹn một năm để “mang chuông đi đánh xứ người”, thi quốc gia, thi Olympic quốc tế, khu vực.

 Đồng chí Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh trao quà động viên học sinh tham gia kỳ thi HSG quốc gia năm học 2023-2024.

Đồng chí Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh trao quà động viên học sinh tham gia kỳ thi HSG quốc gia năm học 2023-2024.

Cô giáo Ngô Thu Hương, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Quý Đôn (TP Bắc Giang), ngôi trường mà Thế Công và Sơn Hà theo học suốt 4 năm THCS cho biết: Công và Hà là lứa học sinh đầu tiên của nhà trường. Vì là trường trọng điểm chất lượng cao nên mỗi khối chỉ có vài lớp, mỗi lớp lại ít học sinh nên em nào học hành ra sao, tính tình như nào, chúng tôi đều nắm rõ.

“Chúng tôi yêu cầu các trường THCS trọng điểm của tỉnh và cả các trường phổ thông có trách nhiệm phát hiện, bồi dưỡng những em có tố chất, năng khiếu đặc biệt. Có thể có em học không đều, điểm chưa cao nhưng em lại có khả năng tự học, ưa tìm tòi sáng tạo thì vẫn đưa vào “tầm ngắm”, tránh để sót học sinh ưu tú”, ông Bạch Đăng Khoa, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD &ĐT) chia sẻ.

Theo cô Hương, cả Công và Hà ban đầu đều chưa “bén duyên” ngay với Lí và Hóa. Có thời điểm lớp 6 Công còn xao nhãng việc học; Hà tham gia đội tuyển Toán chưa đạt thành tích cao nhưng ở hai em có một tố chất đặc biệt, tư duy tốt và đam mê nghiên cứu khoa học. Hai thầy giáo giỏi của trường là thầy Dương Quốc Trọng (môn Hóa học) và thầy Trần Bá Minh (môn Vật lí) bằng “mắt xanh” của mình đã phát hiện ra khả năng của hai em; truyền cho Công- Hà niềm đam mê, yêu thích môn học. Kết quả, Hà được giải nhất Hóa 9, Công giải nhì Lí tỉnh, được tuyển thẳng vào Trường THPT Chuyên, khởi nguồn cho những thành tích rực rỡ sau này.

Với Phi Hùng còn đặc biệt hơn. Hùng là học sinh trường làng chính hiệu, xã Hương Sơn, huyện Lạng Giang. Năm lớp 9, chuẩn bị thi HSG Toán của tỉnh rồi mà em vẫn băn khoăn, cảm thấy mình không hợp nên “xin” thầy cô cho sang đội tuyển Vật lí. Cũng bằng một cảm nhận đặc biệt, các thầy cô đã chấp nhận và bắt tay vào rèn cặp, bổ sung kiến thức cho Hùng. Và năm đó, không phụ niềm tin của các thầy, Hùng xuất sắc đoạt giải nhất môn Vật lí, mở ra chương mới cho hành trình đến với khoa học.

 Thầy giáo Trần Bá Minh, Trường THCS Lê Quý Đôn (TP Bắc Giang) hướng dẫn học sinh thực hành trong giờ Vật lí.

Thầy giáo Trần Bá Minh, Trường THCS Lê Quý Đôn (TP Bắc Giang) hướng dẫn học sinh thực hành trong giờ Vật lí.

“Chúng tôi yêu cầu các trường THCS trọng điểm của tỉnh và cả các trường phổ thông có trách nhiệm phát hiện, bồi dưỡng những em có tố chất, năng khiếu đặc biệt. Có thể có em học không đều, điểm chưa cao nhưng em lại có khả năng tự học, ưa tìm tòi sáng tạo thì vẫn đưa vào “tầm ngắm”, tránh để sót học sinh ưu tú”, ông Bạch Đăng Khoa, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD &ĐT) chia sẻ.

Trường THCS Lê Quý Đôn, “lò” đào tạo kiến thức nền cho Trường THPT Chuyên, nơi khoảng 1/3 học sinh trường chuyên là học sinh Lê Quý Đôn có cách sàng lọc học sinh khá đặc biệt. Dù đầu vào các em phải thi tuyển gắt gao nhưng ngay từ đầu năm học mới, trường vẫn test lại bằng những bài đánh giá năng lực để biết điểm mạnh, yếu của từng em. Sau đó, gần như tháng nào trường cũng có bài khảo sát; em nào bài tốt được cô khen, em nào làm chưa tốt, cô biết để hỗ trợ. Năm lớp 6,7, thầy cô cho các em thử sức với môn học mình yêu thích, thỏa sức bộc lộ sở trường, năm lớp 8 mới phân các nhóm chuyên khoa học tự nhiên, khoa học xã hội.

 Đồng chí Vũ Trí Hải, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Bắc Giang trao thưởng cho học sinh có thành tích xuất sắc trong học tập.

Đồng chí Vũ Trí Hải, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Bắc Giang trao thưởng cho học sinh có thành tích xuất sắc trong học tập.

“Bằng cách này, chúng tôi chọn được những em có năng khiếu mà đúng môn các em thích nên hầu hết các em phát huy được sở trường ở các lớp trên và hình như chưa có trường hợp nào, cả thầy cô và các em chọn sai”, cô Hương phấn khởi thông tin.

Cách làm này cũng được nhiều trường trọng điểm chất lượng cao khối THCS và cả các trường THPT của tỉnh thực hiện để tìm kiếm HSG, trao cơ hội cho tất cả các em, đúng tinh thần “không HSG nào bị bỏ lại phía sau”.

Tỉ mỉ như chăm cây

Từ nhiều năm nay, ngành GD& ĐT Bắc Giang xác định nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện song hành chú trọng phát triển giáo dục mũi nhọn theo hướng thực chất, hiệu quả. “Năm nào tôi cũng làm việc với Trường Chuyên, nghe Ban giám hiệu báo cáo tình hình, khó khăn- thuận lợi; từng đội tuyển báo cáo chiến lược, cách chọn đội tuyển v.v… từ đó gỡ được nhiều vấn đề và có hướng điều chỉnh kịp thời”, ông Tạ Việt Hùng, Giám đốc Sở trao đổi.

Ông cũng khá cởi mở khi chia sẻ chuyện “hậu trường” của các đội tuyển quốc gia. Ông bảo, có thầy cô phụ trách đội tuyển “bảo thủ”, báo cáo nếu trong nhóm học sinh dự tuyển trình độ đều nhau, thầy cô sẽ chọn học sinh chưa có giải quốc gia; những em lớp 12 đã có giải năm trước không đưa vào. Lý do các thầy đưa ra là các em đã đạt tới đỉnh cao, đã cháy hết mình rồi và các em có tâm lý muốn “xả”, muốn nghỉ để học thêm các chứng chỉ khác...

“Tôi bảo nhầm, không được. "Ngọc càng mài càng sáng", các em càng được bồi dưỡng nhiều càng dày dặn kiến thức và kỹ năng. Đi thi là phải có “của để dành’, năm nọ gối năm kia. Em nào có giải quốc gia rồi mà phong độ tốt, tinh thần thi đấu cao vẫn đưa vào; đứa chị dìu đứa em, bọc lót cho nhau. Còn hai em cùng trình độ thì nhất trí với thầy cô là nên ưu tiên chọn em lớp 11 vì nếu em đó đoạt giải, chúng ta còn "hái quả" thêm năm nữa. Phải tỉ mỉ thế đấy”.

 Một tiết học môn Hóa học của thầy và trò Trường THPT Chuyên Bắc Giang.

Một tiết học môn Hóa học của thầy và trò Trường THPT Chuyên Bắc Giang.

Phòng GD& ĐT TP Bắc Giang 5 năm trở lại đây là điểm sáng của tỉnh khi liên tiếp dẫn đầu toàn diện về thành tích thi HSG cấp tỉnh. Tính riêng giải nhất, số giải TP đạt được 5 năm qua bằng tổng 3 huyện xếp kế tiếp cộng lại. Nhiều học sinh đoạt giải nhất, nhì quốc gia của tỉnh và một số trường chuyên ở Hà Nội được trưởng thành từ đây.

Ông Đỗ Văn Quý, Trưởng phòng GD& ĐT TP cho biết: Nếu Sở nắm đến đội tuyển thì Phòng nắm tới từng trò, rất chi tiết. Chúng tôi có bảng chỉ số theo dõi tiến độ học tập của từng em, em tiếp nhận kiến thức đến đâu, khả năng phát triển như nào, như theo dõi quá trình phát triển của cây”.

Bắc Giang có sự thay đổi quyết liệt về chiến lược bồi dưỡng HSG. Theo đó, các chuyên đề kiến thức nhẹ, dễ hơn từ bậc THPT sẽ được đẩy xuống cấp THCS. Thay vào đó, đưa các chuyên đề khó, mới vào các đội tuyển quốc gia.

Cách TP rèn học sinh giỏi rất riêng biệt. Ngoài kiến thức chung, đội tuyển học sinh giỏi Sử, Địa, Giáo dục công dân có cả giáo viên Văn dạy, bồi thêm về ngôn ngữ, cách diễn đạt, thậm chí luyện cả chữ viết cho to, đẹp, rõ ràng. Đội tuyển Lí, Hóa, Sinh có cả giáo viên Toán dạy nền, dạy lô-gic vấn đề.

Với giáo viên cũng vậy! Thầy cô dạy đội tuyển là những người kiến thức chắc, sâu, rộng nhưng khả năng diễn đạt có khi chưa thoát, cũng khó truyền tải hết tới học sinh. Chưa kể, thầy giỏi thường hay “phiêu”, nhiều thầy dạy cái mình thích, mình có chứ chưa chắc đã dạy cái học sinh cần; do đó phải cân chỉnh cả phương pháp sư phạm, “bắt mạch” kiến thức nhịp nhàng…

Ở Bắc Giang khi rèn HSG hay hướng dẫn học sinh cách “phá bẫy” đề. Tức là các đề thi năm cũ thường được các thầy mang ra “mổ xẻ” lại, yêu cầu các em làm lại như thi thật. Việc này giúp các em nắm chắc cách đọc đề, hiểu đề, tìm các từ khóa quan trọng, từ đó biết cách phân bổ thời gian hợp lý, trình bày khoa học. Quan trọng hơn nữa là rèn các em tâm thế vững vàng, bình tĩnh, bản lĩnh khi thi.

Liên thông kiến thức

Trong Đề án “Nâng cao chất lượng bồi dưỡng HSG tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030” do UBND tỉnh ban hành ngày 27/9/2022, ngoài mục tiêu về cơ sở vật chất, đội ngũ và chế độ cho giáo viên, học sinh Trường THPT Chuyên, còn một tiêu chí cụ thể đối với giáo viên, đó là: “Hằng năm, mỗi nhóm bộ môn chuyên xây dựng ít nhất 2 chuyên đề để bồi dưỡng đội ngũ giáo viên cốt cán cho các trường THCS trọng điểm chất lượng cao”.

Để đưa ra mục tiêu này, theo người đứng đầu ngành GD Bắc Giang, ngành đã rất thận trọng, triển khai từ nhiều năm trước, áp dụng thấy hiệu quả và chuyển biến rõ rệt về chất lượng GD mũi nhọn mới dám tham mưu, đề xuất với tỉnh. Làm như vậy sẽ bảo đảm được việc liên thông kiến thức, tạo một dòng chảy kiến thức xuyên suốt các trường và trong toàn ngành.

Bắc Giang có sự thay đổi quyết liệt về chiến lược bồi dưỡng HSG. Theo đó, các chuyên đề kiến thức nhẹ, dễ hơn từ bậc THPT sẽ được đẩy xuống cấp THCS. Thay vào đó, đưa các chuyên đề khó, mới vào các đội tuyển quốc gia. Và đương nhiên, việc ra đề thi chọn HSG cũng thay đổi, có sự phân hóa, sàng lọc rõ ràng. Các trường, các thầy cô muốn có HSG buộc phải tự học, tự cập nhật.

 Giáo viên Trường THCS thị trấn Cao Thượng (Tân Yên) bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ.

Giáo viên Trường THCS thị trấn Cao Thượng (Tân Yên) bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ.

“Vào dịp hè, Sở tổ chức bồi dưỡng chuyên sâu cho đội ngũ giáo viên cốt cán, học thực chất, bài bản. Nếu ngành y có chỉ đạo tuyến, đưa bác sĩ tuyến trên về cơ sở; ngành nông nghiệp có hội nghị đầu bờ thì GD cũng thế! Giáo viên chuyên cấp 3 bồi dưỡng giáo viên chuyên cấp 2, cầm tay chỉ việc, rất cụ thể.”, ông Hùng chia sẻ.

Chính vì liên thông kiến thức, tạo dòng chảy kiến thức giữa các trường, các cấp học nên việc chọn HSG thi quốc gia của Bắc Giang cũng khác. Ngay từ đầu năm học, Sở đã tổ chức tuyển chọn đội tuyển. Học sinh lớp 10,11,12; học sinh trường huyện đều được tham gia, ở tất cả các môn, bình đẳng như nhau. “Sân chơi” HSG quốc gia giờ không còn bó hẹp cho học sinh Trường Chuyên mà mở rộng cơ hội cho tất cả các em.

Ngay như năm học vừa rồi, trong số 86 giải HSG quốc gia của Bắc Giang thì có một giải ba môn Tin học thuộc về em Tạ Xuân Kiên, học sinh lớp 12 Trường THPT Hiệp Hòa số 1; một giải nhì môn Tiếng Anh thuộc về em Nguyễn Sỹ Lâm khi mới là học sinh lớp 10.

 Em Tạ Xuân Kiên, học sinh lớp 12, Trường THPT Hiệp Hòa số 1 đoạt giải Ba quốc gia môn Tin học.

Em Tạ Xuân Kiên, học sinh lớp 12, Trường THPT Hiệp Hòa số 1 đoạt giải Ba quốc gia môn Tin học.

Đổi mới cách làm, đi vào thực chất, Bắc Giang đã biết cách “thổi lửa” và “truyền lửa” tới thầy và trò toàn ngành, bên cạnh việc ban hành những cơ chế, chính sách mang tính chất đột phá để mạch nguồn tri thức được chảy mãi, thấm sâu.

(Còn nữa)

Thu Hương - Minh Thu

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/dat-ba-song-gieo-trong-nguyet-que-145834.bbg