Đất cằn phủ màu no ấm

BHG - Sau hơn 2 năm quyết tâm thực hiện Nghị quyết 05 của BCH Đảng bộ tỉnh về cải tạo vườn tạp (CTVT), phát triển kinh tế vườn hộ, tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững đã giúp hàng nghìn mảnh đất cằn “đơm hoa, kết trái”, mang lại cuộc sống ấm no cho đồng bào biên cương cực Bắc.

Người dân thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ (Quản Bạ) cải tạo vườn tạp sang trồng lê, giúp nâng cao đời sống gia đình.

Người dân thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ (Quản Bạ) cải tạo vườn tạp sang trồng lê, giúp nâng cao đời sống gia đình.

Với quan điểm CTVT một cách thực chất, không chạy theo thành tích, sau hơn 2 năm, toàn tỉnh có trên 5.400 hộ thực hiện với tổng diện tích vườn cải tạo trên 241 ha, vượt 192% so với chỉ tiêu giao cho cả giai đoạn 2021 – 2025 theo Đề án CTVT của UBND tỉnh; trong đó, có 2.325 hộ được vay vốn theo Nghị quyết 58 HĐND tỉnh về chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế vườn hộ và phát triển bền vững cây cam Sành trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 – 2025. Tổng kinh phí thực hiện hỗ trợ CTVT 2 năm trên 78,2 tỷ đồng; trong đó, ngân sách tỉnh trên 73,1 tỷ đồng; xã hội hóa từ các tổ chức, cá nhân trên 5 tỷ đồng. Đánh giá chất lượng các vườn được cải tạo và căn cứ vào các tiêu chí đưa ra theo đề án của UBND tỉnh, các địa phương đánh giá 1.242 vườn trong năm 2022. Trong đó, số vườn đạt 4/4 tiêu chí 130 vườn; số vườn đạt 3/4 tiêu chí 151 vườn; số vườn đạt 1-2/4 tiêu chí 853 vườn; còn 108 vườn thực hiện chưa đạt tiêu chí do mới cải tạo trồng trọt và chăn nuôi, chưa cho thu nhập nên chưa đánh giá.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hoàng Hải Lý cho biết: Hiệu quả nhìn thấy rõ nhất sau hơn 2 năm CTVT đó là tư duy, tập quán sản xuất của người dân đã dần thay đổi; tiềm năng phát triển kinh tế vườn hộ được khai thác, góp phần nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Không gian vườn, quy hoạch vùng sản xuất tập trung với các loại cây trồng phù hợp, hiệu quả kinh tế được bố trí hợp lý. Không chỉ tạo thêm thu nhập cho kinh tế hộ, từng bước hình thành các vườn mẫu mà còn góp phần cải thiện môi trường sống, chỉnh trang diện mạo nông thôn.

Vườn bưởi của một hộ dân thôn Thái Hà, xã Ngọc Đường (thành phố Hà Giang) sau khi được cải tạo từ vườn tạp.

Vườn bưởi của một hộ dân thôn Thái Hà, xã Ngọc Đường (thành phố Hà Giang) sau khi được cải tạo từ vườn tạp.

Bám sát mục tiêu Nghị quyết 05 về CTVT, năm nay tỉnh ta tiếp tục huy động hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở; tạo sự thống nhất, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện nghiêm túc, đảm bảo hiệu quả, tránh thành tích. Lấy hiệu quả của kinh tế hộ làm cơ sở đánh giá kết quả việc lãnh, chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Tập trung tuyên truyền về cách làm hay, mô hình CTVT hiệu quả của các địa phương để làm điểm tham quan, học tập kinh nghiệm. Mặt khác, duy trì và đảm bảo phát triển các vườn đã cải tạo, nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng bữa ăn hàng ngày cho các gia đình…

Theo kế hoạch, năm nay toàn tỉnh có 816 hộ nghèo, cận nghèo CTVT và thụ hưởng chính sách hỗ trợ của HĐND tỉnh với tổng kinh phí trên 25,3 tỷ đồng. Đối với các hộ không được thụ hưởng chính sách theo Nghị quyết 58 HĐND tỉnh, các huyện, thành phố tuyên truyền, vận động các hộ có diện tích vườn tạp đăng ký cải tạo vườn mẫu gắn với xây dựng Nông thôn mới. Phấn đấu mỗi huyện, thành phố có tối thiểu từ 10 hộ thực hiện cải tạo vườn mẫu trở lên, ưu tiên thực hiện CTVT gắn với phục vụ du lịch; vận động các tổ chức, cá nhân ủng hộ, giúp đỡ các hộ tham gia cải tạo vườn mẫu, làm điểm đến tham quan, học tập.

Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc Nguyễn Huy Sắc chia sẻ: Để CTVT bảo đảm hiệu quả, huyện kiện toàn, duy trì tổ giúp việc Ban Chỉ đạo và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị phụ trách để giúp các hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận chính sách hỗ trợ; hướng dẫn CTVT, phát triển kinh tế vườn hộ theo phương thức “cầm tay chỉ việc” để giúp bà con giảm nghèo bền vững. Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để hướng dẫn, phản ánh, tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện. Tuyên truyền tới các hộ hiểu và làm theo trước khi thực hiện CTVT. Đặc biệt, nâng cao trách nhiệm nêu gương; mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên là một nhân tố gương mẫu, nòng cốt trong tuyên truyền, vận động, tích cực hưởng ứng, tham gia CTVT.

Để tránh tình trạng “đầu voi, đuôi chuột” trong quá trình CTVT, các địa phương trong tỉnh tiếp tục ưu tiên công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến công để chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cho các hộ; đưa các giống cây trồng năng suất cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng để đưa vào sản xuất. Quan tâm thường xuyên việc phòng, trừ bệnh hại trên cây trồng, vật nuôi; áp dụng biện pháp sản xuất an toàn. Khuyến khích các hình thức liên kết và hợp tác trong việc ứng dụng khoa học công nghệ nông nghiệp, xây dựng mô hình sản xuất hiệu quả kinh tế cao và bền vững. Tập huấn hướng dẫn kỹ thuật CTVT cho toàn bộ hộ nghèo, cận nghèo đăng ký tham gia năm 2023 về cách nhận biết, lựa chọn các bộ giống cây trồng, vật nuôi có chu kỳ sản xuất ngắn, có giá trị kinh tế, sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn để có thời gian quay vòng vốn nhanh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo sinh kế nâng cao đời sống cho các hộ.

Với sự quyết tâm, quyết liệt, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng, chủ động CTVT để vươn lên của người dân đã, đang giúp cho những mảnh đất cằn “hồi sinh”. Hàng nghìn mảnh vườn cho “quả ngọt” đồng nghĩa với hàng nghìn hộ được cải thiện về bữa ăn hàng ngày và có thêm thu nhập ngay từ chính mảnh vườn tạp của gia đình. Trong một thời gian không xa, tin rằng sẽ còn thêm nhiều mảnh đất cằn được cải tạo, góp phần giúp cuộc sống người dân thêm ấm no.

Bài, ảnh: ĐẶNG KIM

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202303/dat-can-phu-mau-no-am-da63187/