Đất đai chia tình máu mủ

Sau phiên hòa giải của xã không thành, ông D. dự định sẽ vào miền Nam, tư vấn luật sư để khởi kiện em trai mình. Cũng có lúc ông nhắm mắt, muốn buông bỏ mọi cái để níu giữ một thứ thiêng liêng hơn cả tiền bạc, đó là tình máu mủ ruột rà. Tuy nhiên, áp lực từ vợ con và thái độ cư xử lạnh lùng của em trai khiến ông quyết định phải làm cái việc chẳng đừng. Nguyên nhân của sự hiềm khích giữa anh em ông D. là do mảnh đất cha mẹ để lại nhưng không có di chúc, dẫn đến người em làm sổ đỏ đứng tên toàn bộ diện tích đất hơn 400 m2 cha mẹ để lại.

 Minh họa: L.N.D

Minh họa: L.N.D

Hôm có mặt tại phiên hòa giải do UBND xã tổ chức để hóa giải những mâu thuẫn kéo dài nhiều năm giữa hai anh em ông, những lời góp ý chân tình của cán bộ xã, cũng là hàng xóm láng giềng của gia đình ông xưa nay nghe như cứa vào ruột gan. Ông D. nhớ mãi lời bác bí thư chi bộ xã nhắc về thời thơ ấu của hai anh em ông. “Tụi bây hồi đó ốm giơ xương, suốt ngày dính với nhau như hình với bóng. Anh đi chăn trâu thì em cũng lẽo đẽo ra đồng bắt đam, bắt cá. Anh đi học về trước, em thoăn thoắt đuổi cho kịp anh để kể những câu chuyện trường chuyện lớp. Hồi đó, bà con hàng xóm cứ kháo nhau nhà bà H. có cặp con trai ngoan ngoãn, lại yêu thương nhau”. Bác chỉ nhắc lại như vậy, không bình luận gì thêm về câu chuyện mâu thuẫn mà anh em họ đang đối diện hôm nay nhưng ông D. nghe cay ở khóe mắt. Chỉ có điều, khi nhìn sang khuôn mặt lạnh băng của em trai mình, cảm xúc đang dội về của ông như gặp phải vật cản. Mình biết, nhưng nó đâu có biết, cứ chăm chăm vơ vét những cái không thuộc về mình thì liệu sự nhường nhịn của mình có đáng không? Phiên hòa giải không thành, ông D. vội vàng về thị trấn bắt xe vào Nam. Đi ngang qua ngõ ngôi nhà từng chứa đựng kỷ niệm thời thơ ấu của hai anh em, ông không nén được tiếng thở dài.

Mảnh đất mà em trai ông hiện đang ở và xây lô quầy cho thuê rộng 400 m2 . Khoảng 10 năm trở lại đây, phía trước khu đất đó mọc lên cái chợ-là nơi giao lưu buôn bán của người dân trong xã và các vùng phụ cận - vì thế đất rất có giá. Em trai ông, ngoài phần đất đang ở đã tận dụng diện tích để xây lô quầy cho thuê nên đời sống khá giả. Lúc ba mẹ ông còn sống, vì người nhà quê nên không tính đến chuyện lập di chúc. Có lần ba mẹ ông cho họp gia đình và nói: Sau này ba mẹ mất, đất này chia làm hai. Tụi bây cứ nhớ vậy là được.

Cuộc họp có đầy đủ con trai và con dâu nhưng mọi người lúc đó không để ý lắm đến lời cha mẹ nói. Nhiều nhặn gì cho cam, nhà chỉ được mỗi hai anh em. Phần ông D., từ khi vào Nam lập nghiệp đã xác định sẽ ở luôn trong đó nên chuyện chia chác ông không màng tới. Ông nghĩ, sau này ba mẹ mất đi, nhà và đất chú út lâu nay ở thì sau này vẫn thế, mình có chia cũng không để làm gì. Tuy nhiên, vợ ông lại không nghĩ thế. Sau khi hai đứa con trai của ông D. đến tuổi lấy vợ mà khả năng kinh tế của vợ chồng ông không dư dả nên lời hứa về chia đôi mảnh đất ở quê của ba mẹ chồng được vợ ông nhắc đến với hai phương án:

Một là hai vợ chồng ông D. về quê sinh sống trên phần đất được cho đó, nhường căn nhà hiện đang ở cho con trai thứ 2; hai là bán đất ở quê để cải tạo căn nhà đang ở cho rộng rãi hơn. Tuy chưa thống nhất với quan điểm của vợ nhưng ông D. cũng đem chuyện đó ra bàn bạc với em trai, vì thế mới vỡ lỡ chuyện vợ chồng em đã làm sổ đỏ đứng tên mảnh đất của cha mẹ từ lâu. Nhắc đến lời hứa của cha mẹ khi còn sống, em trai ông nói anh ở xa quê nên không biết chứ ba mẹ sau này đổi ý, cho vợ chồng em toàn quyền sử dụng mảnh đất đó nên mới làm sổ đỏ. Dần dà, câu chuyện không chỉ của riêng hai anh em mà lan ra hai chị em dâu và con cái trong gia đình. Về phần ông D. không phải tham lam để quyết dành cho được đất nhưng thái độ của em trai khiến ông tổn thương và muốn theo kiện đến cùng để “cho em một bài học”. Còn với vợ và con cái ông thì giá trị của mảnh đất khiến họ luôn thúc giục ông làm cho đến nơi đến chốn.

Lần đó, trên đường vô Nam, biết tôi (là cháu họ) có học Luật nên ông gọi điện nhờ tư vấn. Khuyên ông như thế nào để vẹn cả đôi đường thật là khó, hơn nữa, trước sau gì ông cũng thuê luật sư nếu muốn khởi kiện em trai mình. Tôi chỉ biết nói với ông rằng, dẫu biết “tấc đất tấc vàng” nhưng tình nghĩa ruột rà còn quý hơn gấp ngàn vạn lần. Một khi đã kéo nhau ra tòa, bước ra khỏi phòng xử án thì tình nghĩa anh em không còn được nguyên vẹn như xưa. Chưa kể những hệ lụy từ việc tranh chấp đó có khi còn kéo dài đến đời sau, con cháu không nhìn mặt nhau.

Tôi cũng kể cho ông D. nghe nhiều câu chuyện về sự chia cắt tình thân từ các vụ án yêu cầu chia di sản thừa kế mà mình từng tham dự phiên tòa. Nghe xong, ông lặng đi một lúc rồi nói: Bác cũng đâu muốn chuyện này xảy ra, nó đau lòng lắm nhưng…Dứt cuộc điện thoại với ông mà tôi cũng thấy nằng nặng trong lòng. Sự ngập ngừng đằng sau chữ nhưng đó chưa nói được điều gì cả. Nhưng dù sao tôi cũng hy vọng ông sẽ nghĩ lại, để anh em ông không lâm vào cảnh chia lìa máu mủ như những trường hợp mình từng biết.

Hoài Nam

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=150362