Đất đai trầm lắng, thu ngân sách ở nhiều địa phương gặp khó
Nguồn thu ngân sách từ đấu giá quyền sử dụng đất được xem là nguồn lực chính của nhiều địa phương, nhưng với sự trầm lắng của thị trường bất động sản thời gian qua đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện những mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Tại hội nghị giao ban về công tác thu ngân sách mới đây của UBND huyện Thọ Xuân cho thấy trong 6 tháng đầu năm 2023 công tác thu ngân sách của huyện đạt kết quả rất thấp. Tính đến đầu tháng 6-2023, tổng thu ngân sách chỉ đạt 23,53% kế hoạch tỉnh giao và đạt 9,7% kế hoạch huyện giao, trong đó thu tiền sử dụng đất chỉ đạt 17,7% kế hoạch tỉnh giao và 5,77% kế hoạch huyện giao.
Một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ thu ngân sách đạt thấp là do thị trường bất động sản trầm lắng, tiền thuế từ chuyển nhượng bất động sản thấp. Trưởng phòng Tài chính Kế hoạch huyện Thọ Xuân Hà Đình Cường cho biết: Những năm gần đây đấu giá quyền sử dụng đất có vai trò quan trọng và luôn chiếm tỷ trọng tương đối lớn trong nguồn thu ngân sách ở địa phương. Từ nguồn thu này góp phần giúp địa phương chủ động trong điều tiết chi tiêu ngân sách. Nguồn thu ngân sách từ quỹ đất thấp sẽ ảnh hưởng đến vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế.
Năm 2023 xã Thọ Lộc (Thọ Xuân) dự kiến có nguồn thu từ khai thác quỹ đất của mặt bằng khu dân cư mới để đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, chỉnh trang các nhà văn hóa thôn cũng như nâng cấp các trường học đạt chuẩn. Tuy nhiên, trước sự trầm lắng của thị trường bất động sản, nguồn thu này không đạt như kế hoạch đề ra. Vì vậy, địa phương phải tính toán lại, đa dạng nguồn đầu tư từ các kênh huy động khác.
Tương tự, tại xã Vĩnh Hùng (Vĩnh Lộc) nguồn thu ngân sách từ khai thác quỹ đất của mặt bằng khu dân cư mới với 3,4 ha cũng đang gặp phải không ít khó khăn. Mặc dù hạ tầng tại đây đã được đầu tư đồng bộ, tuy nhiên sau 2 lần tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, tỷ lệ trúng đấu giá đạt rất thấp. Cụ thể, đợt 1 (tháng 7-2022) chỉ có 5 lô/114 lô trúng đấu giá. Đợt 2 (tháng 9-2022) được duy nhất 1 lô. Theo Chủ tịch UBND xã Vũ Văn Nhất thì kỳ vọng từ nguồn thu ngân sách này để đầu tư các công trình hạ tầng bị chậm so với kế hoạch đề ra.
Cũng theo ông Nhất lý giải, thời điểm xây dựng giá đất, thị trường bất động sản đang sôi động, giá bất động sản cao, nhu cầu lớn. Tuy nhiên, sau khi khung giá đất được phê duyệt đưa vào đấu giá thì thị trường bất động sản lại chững lại, giá bất động sản giảm, là một trong những nguyên nhân dẫn tới việc mặt bằng dự án khu dân cư qua nhiều phiên đấu giá vẫn “ế ẩm”. Trước thực trạng trên, UBND xã đã báo cáo UBND huyện và cơ quan chức năng căn cứ quy định có thể cơ cấu lại giá đất cho phù hợp với thị trường.
Tình trạng “ế ẩm” trong đấu giá đất ở cũng diễn ra tại mặt bằng khu dân cư xã Minh Tân (Vĩnh Lộc). Ông Mai Tiến Ngọc, công chức địa chính xã cho biết: Với mặt bằng 9,5 ha sau hơn 1 năm triển khai và trải qua 4 lần tổ chức đấu giá, đến nay mới chỉ đấu giá thành công 97/227 lô đất. Theo ông Ngọc, số lượng 97 lô đất trúng đấu giá chủ yếu là kết quả của thời điểm bất động sản còn sôi động.
Theo ông Lê Văn Nam (Văn phòng bất động sản Phong Land, có địa chỉ tại huyện Vĩnh Lộc) phân tích một số nguyên nhân dẫn đến thị trường bất động sản chững lại thời gian qua có thể kể đến như: Việc định giá các mặt bằng dự án tại thời điểm đưa ra đấu giá quá cao so với giá trị thực tế. Mặc dù nhiều nhà đầu tư liên tục báo “cắt lỗ”, tuy nhiên thực tế giá bất động sản vẫn rất cao và gần như không có khả năng thanh khoản. Vì đất không thanh khoản được nên nhà đầu tư không xoay vòng vốn đầu tư tiếp.
Bên cạnh đó, những quy định mới về mức đặt cọc và rút ngắn thời gian hoàn thành nghĩa vụ tài chính sau khi trúng đấu giá khiến cho việc đầu cơ theo dạng “lướt sóng” bất động sản gần như không còn.