Đặt đúng chứ không đảo lộn giá trị
Hiện nay, trong đời sống xã hội ở nước ta, nhiều vấn đề xuất hiện mang tính nghịch lý, ngược đời so với những gì mà con người đã chứng kiến, đã nghĩ. Chung nhất, chúng ta gọi đó là sự đảo lộn. Trong những vấn đề đã và đang diễn ra, chúng ta lo lắng hơn cả là những đảo lộn về giá trị sống. Bởi chính nó làm ta mất định hướng, mất niềm tin vào cuộc sống. Có thể nói, mất niềm tin là mất tất cả. Nhưng, suy đi nghĩ lại, không phải là sự đảo lộn mà thực chất là đặt đúng hay trả lại đúng chân giá trị của nó.
Đảo lộn là sự thay đổi hoàn toàn, không theo trật tự nào cả; là sự lộn đầu, lộn ngược, “quay ngoắt 180 độ”. Đảo lộn được đề cập trong bài này là đảo lộn về giá trị sống. Hầu như ai cũng hiểu, giá trị sống là những giá trị thuộc về tư tưởng, lối sống, chuẩn mực đạo đức được cộng đồng thừa nhận và bảo tồn, gìn giữ liên tục và luôn được bổ sung qua các thế hệ. Như vậy, giá trị sống rất đa dạng, phong phú, nhiều không thể kể hết. Thời gian qua, trên mạng xã hội và ngay truyền thông chính thống của Nhà nước, hàng loạt vụ việc tiêu cực ở nhiều lĩnh vực được phơi bày liên quan đến giá trị sống. Chỉ lấy vài dẫn chứng ở một ít sự kiện trong cái “biển sự kiện” đã được báo chí nêu để minh chứng cho nhận định này.
Liên quan về nhân cách, cách đây không lâu, một người được nhiều người ngợi ca về “đức rộng, tài cao” nhưng ít lâu sau bị vào “lò” với tội trạng phát khiếp. Tương tự như vậy, vài tháng trước, có “ngôi sao” cao giọng nói “nghĩa nhân” trên sóng trực tiếp, được “tung hô” một thời gian thì nay lại “im lặng” vì bị các cơ quan chức năng “sờ” đến. Xin mượn lời của Nguyễn Trãi để khái quát thực trạng ấy mà nó không khác mấy khi ông nói về quân xâm lược: “Dối trời lừa dân, đủ muôn nghìn khóe” nên dù có “Tát cạn nước Đông hải, không đủ rửa tanh nhơ. Chặt hết trúc Nam sơn, không đủ ghi tội ác!”.
Bên cạnh vấn đề nhân cách, danh - vị (bằng cấp - khen thưởng) cũng loạn. Thực ra, danh vị là một giá trị xã hội cao quý. Nó được kết tinh bằng những nỗ lực lao động kiên trì và sáng tạo của mỗi người và tập thể để tạo ra những giá trị mới nhằm phục vụ con người và xã hội. Nó được tổ chức có thẩm quyền cũng như cộng đồng thừa nhận, suy tôn. Thế mà, nhiều trường hợp được cho là “không đáng giá một xu” sau buổi lễ trọng thể tổ chức trao tặng.
Hôm qua, “thần tượng” được ca ngợi “tận mây xanh” thì rơi xuống vực ngay liền sau đó. Như vậy, việc tung hô và lên án bất thường ấy là sự đảo lộn của nhận thức hay chính là việc đặt đúng lại vị trí của sự vật là câu hỏi cần lời giải. Xét về hình thức, nó có vẻ là sự quay ngoắt, nhưng thực chất đó là việc con người đã nhìn thấu vấn đề và đã trả về đúng với “cái vốn có” của nó. Do không rõ nên chúng ta ca ngợi cái giả. Họ đội lốt người, khoác áo “thầy tu” nên lừa được chúng ta. Hiện tượng này không phải là “suy thoái” như cách gọi hiện hành. Thoái hóa là một quá trình. Chủ tịch Hồ Chí Minh có lưu ý rằng: Một dân tộc, một đảng và mỗi cá nhân, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định ngày nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân. Cách đề cập này, Người nói đến một quá trình rèn luyện và ngược lại. Ở đây, chúng ta đang chỉ ra việc gọi hay trả lại “tên” của sự vật. Một người không có nhân cách nhưng được giao chức vị, một người không có lao động nghiêm túc được trao danh vị... là sai. Theo đó, nhiều người trong chúng ta cũng bị ngộ nhận. Khi vấn đề được làm rõ, sự việc bị phơi bày là gian trá, chúng ta đã tường minh nên gọi chúng đúng với những gì mà nó có. Như vậy, quan niệm về giá trị xã hội được giữ vững để thẩm định điều gì thật, cái gì là giả chứ không phải là sự đảo lộn giá trị. Nhiều người lo ngại về sự thay đổi quan niệm sống khi hạ thấp giá trị tinh thần trong khi tôn vinh đời sống vật chất. Không ít người như con “thiêu thân” lao vào đồng tiền với niềm tin “là tiên, là phật”. Khi chứng kiến cảnh ấy, đến lãnh đạo còn tự thán rằng: “Tiền nhiều để làm gì”. Thực ra, đồng tiền có giá trị của nó. Dân gian ta có câu: “Đồng bạc đâm toạc tờ giấy”. Nhà tư tưởng vĩ đại của học thuyết chủ nghĩa xã hội Ăngghen có nhận xét: Sự ra đời của tiền - một hàng hóa phổ biến có thể trao đổi với tất cả hàng hóa khác, nhưng khi phát minh ra tiền, người ta không ngờ rằng mình đã tạo ra một lực lượng xã hội mới - một lực lượng vạn năng duy nhất mà đứng trước nó, toàn xã hội phải chịu cúi đầu. Cụ Nguyễn Du cũng từng đề cập: Làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền. Nhưng, chúng ta cũng bắt gặp quan niệm của phần đông người lao động ca ngợi việc kiếm tiền chân chính, kiếm tiền bằng chính sức lao động của mình. Loài người luôn vươn tới những giá trị đích thực của cuộc sống.
Giá trị là một quan niệm được một người, nhóm người và cộng đồng thừa nhận. Quan niệm về giá trị có thể thay đổi theo hoàn cảnh và thời gian. Nhưng, các giá trị cơ bản của loài người bị đảo lộn là một nguy cơ. Nó dẫn đến xã hội rối loạn, con người không xác định được đúng sai. Các giá trị xã hội mà người Việt vun đắp vẫn hiện hữu và vẫn là mực thước để đánh giá các hiện tượng xã hội. Lên án cái xấu, cái giả và ủng hộ cái chân, thiện, mỹ vẫn ngự trị trong đời sống xã hội hiện nay. Việc ca ngợi và phê phán cùng một sự việc không phải là đảo lộn giá trị mà chính là trả lại đúng những gì nó vốn có.
Nguồn Đồng Tháp: http://www.baodongthap.vn/xa-hoi/dat-dung-chu-khong-dao-lon-gia-tri-107640.aspx