Đất không phụ công người

Từ mảnh đất đồi trọc, cằn cỗi, đầy sỏi đá tưởng chừng không thể canh tác, thế nhưng, với ý chí kiên cường và sáng tạo, những người nông dân ở thôn Hai Căn, xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập đã biến vùng đất khắc nghiệt này phủ đầy màu xanh. Trong đó, việc chọn trồng cây dó bầu, cao su đã mở ra hướng đi phù hợp, mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo cơ hội làm giàu cho nông dân.

Diện tích đất hơn 15 ha của gia đình bà Nguyễn Thị Cúc ở thôn Hai Căn ngày nào toàn đá, nay đã phủ đầy màu xanh của cây cao su, dó bầu. Để có được thành quả này, bà Cúc và gia đình đã không ngại khó, kiên trì dồn sức cho việc dọn đá, tạo thêm khoảnh đất trống để canh tác. Hiện nay, ngoài thu nhập ổn định từ vườn cao su, thì mới đây 500 cây dó bầu khai thác vụ đầu tiên cho thu nhập gần 400 triệu đồng.

Ngoài cung ứng cây giống cho thị trường, vườn ươm cây dó bầu của anh Nguyễn Chí Công còn tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương

Ngoài cung ứng cây giống cho thị trường, vườn ươm cây dó bầu của anh Nguyễn Chí Công còn tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương

Bà Cúc chia sẻ: Trước đây, nhìn mảnh đất thấy đâu đâu cũng toàn cỏ dại và đá nên không biết phải bắt đầu thực hiện từ đâu. Cả nhà phải tìm tòi, tận dụng sức lao động của các thành viên trong gia đình làm suốt ngày, moi đá lên để tạo khoảnh đất trống canh tác, cứ như vậy mỗi năm được 1 mẫu, có năm chỉ làm được 5 sào. Khi đã có mảnh đất sạch đá thì mình học hỏi, nghiên cứu thêm kỹ thuật rồi trồng cây cao su, về sau trồng thêm cây dó bầu. Cả gia đình phải chịu khó, chịu cực hết mười mấy năm. Nhờ đó, mới có thành quả như hiện nay, kinh tế gia đình đã ổn định, các con học hành và trưởng thành.

Nhờ bàn tay chuyên cần, chịu khó học hỏi, chọn lối đi đúng và áp dụng khoa học - kỹ thuật trong sản xuất nên anh Nguyễn Chí Công ở thôn Hai Căn đã biến khó khăn thành cơ hội làm giàu. Hiện mảnh đất diện tích hơn 3 ha đầy sỏi đá của gia đình anh đã được phủ xanh cây dó bầu cùng với vườn ươm cung cấp gần 400 ngàn cây giống mỗi năm, đem về thu nhập cho gia đình hơn 700 triệu đồng. Anh Công cho biết: Bình Phước có rất nhiều loại đất, ở khu vực của gia đình mình thì đất rất nhiều đá. Để canh tác được, gia đình đã phải moi đá lên, đào từng lỗ rồi trồng cây dó bầu. Cứ thế khắc phục dần, đến nay đất cằn cũng đã nở hoa, phủ xanh toàn diện tích. Không những vậy, vài năm trở lại đây, khi kỹ thuật tạo trầm có sự thay đổi nhờ ứng dụng khoa học - kỹ thuật, giá thành khai thác ở mức cao, ổn định, cây dó bầu được nhiều nông dân phục hồi diện tích. Từ cơ hội đó, mình nắm bắt phát triển thêm vườn ươm, cung ứng cây giống cho thị trường, hiện kinh tế gia đình đã ổn định hơn trước.

Mảnh đất đầy đá ngày nào nay đã được gia đình bà Nguyễn Thị Cúc phủ đầy màu xanh

Mảnh đất đầy đá ngày nào nay đã được gia đình bà Nguyễn Thị Cúc phủ đầy màu xanh

Ông Nguyễn Trọng Trường, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Nghĩa cho biết: Rất khó khăn khi phải canh tác ở nơi đồi, đá. Tuy nhiên, các hộ dân ở đây cần cù, siêng năng. Họ không nản lòng trước khó khăn mà luôn sáng tạo trong chuyển đổi cây trồng phù hợp để trồng điều, cao su, nhất là cây dó bầu. Đến nay, cùng với diện tích đang cho khai thác, đã có nhiều hộ nông dân không những vươn lên làm giàu mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương, góp phần giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

Nhờ cần cù, sáng tạo, nông dân thôn Hai Căn, xã Phú Nghĩa đã chứng minh rằng chỉ cần có ý chí và nỗ lực, bất kỳ vùng đất khó nào cũng có thể trở thành nơi ươm mầm thành công. Đất đá dù khó khăn đến đâu cũng không phụ công người và câu chuyện vươn lên làm giàu ở một vùng quê không những góp phần phủ xanh diện tích đất đá mà còn làm vùng đất này trở nên trù phú.

Trung Quang - Trần Cảnh

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/167434/dat-khong-phu-cong-nguoi