Đất lành nặng nghĩa tri ân
Là quê hương thứ hai của đồng bào các dân tộc ở nhiều tỉnh, thành phố phía Bắc vào xây dựng vùng kinh tế mới từ 40 năm qua, miền sơn cước Lộc Ninh, Bù Đăng (tỉnh Bình Phước) được coi là nơi 'đất lành chim đậu'.
Đây cũng là chiếc nôi của căn cứ cách mạng trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, là vùng đất gánh chịu nhiều mất mát, hy sinh của đồng bào, chiến sĩ. Đợt hành quân về nguồn của đoàn cán bộ, thầy thuốc, giảng viên, sinh viên Học viện Quân y đến vùng đất xa xôi này thể hiện tinh thần quyết tâm, nhiệt huyết tri ân và ý nghĩa nhân văn sâu sắc…
Đoàn công tác của Học viện Quân y gồm hơn 40 cán bộ, thầy thuốc và sinh viên năm cuối, do Thiếu tướng PGS, TS Nguyễn Trường Giang, Phó giám đốc Học viện làm trưởng đoàn. Nói về ý nghĩa của chuyến hành quân đường xa này, Thiếu tướng, PGS, TS Nguyễn Trường Giang khẳng định:
-Hoạt động quân y dã ngoại là một trong những nội dung quan trọng trong nhiệm vụ giáo dục, đào tạo của học viện. Những chuyến đi dã ngoại làm công tác dân vận, khám chữa bệnh cho đồng bào, người có công ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và các trung tâm điều dưỡng thương, bệnh binh… không những là môi trường rèn luyện tính cơ động, trình độ, kỹ năng đảm bảo nhiệm vụ quân y trong các tình huống, mà còn là đợt sinh hoạt, giáo dục chính trị, truyền thống thực tiễn sâu sắc cho đội ngũ thầy thuốc quân y.
Tháng 7 năm nay, Học viện Quân y tổ chức các đoàn công tác về các địa phương: Bắc Ninh, Hà Nam, Phú Thọ, Cao Bằng, Nghệ An… Đặc biệt là chuyến đi đến hai huyện miền núi khó khăn của tỉnh Bình Phước là Lộc Ninh và Bù Đăng.
Lộc Ninh có nhiều di tích lịch sử - văn hóa, là một trong những vùng đất được ví như “bàn thờ” của Tổ quốc, trong đó có Nhà tưởng niệm Liệt sĩ quân dân y Miền Đông Nam Bộ. Công trình tâm linh đặc biệt này là nơi hội tụ hương linh của hơn 9.000 liệt sĩ quân, dân y Miền Đông Nam Bộ, hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Thầy trò Học viện Quân y đã đến dâng hương, dâng hoa tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ, thực hiện các nội dung sinh hoạt, giáo dục truyền thống lực lượng quân, dân y cho thế hệ thầy thuốc trẻ.
Sinh viên Nguyễn Thị Thu, quê ở tỉnh Hòa Bình, xúc động nói:
-Sau chuyến đi này, chúng tôi sẽ tốt nghiệp, chính thức từ giã mái trường Học viện Quân y, nhận nhiệm vụ ở các đơn vị trong toàn quân. Trong hành trang của những bác sĩ quân y trẻ, không chỉ có kiến thức được trang bị trong hơn 6 năm học tập, mà còn là những trải nghiệm, xúc cảm từ thực tiễn vốn sống của những chuyến hành quân về nguồn. Càng học tập, tìm hiểu, càng thấy niềm tự hào lớn lao trước sức sáng tạo phi thường và công lao vô cùng to lớn của các thế hệ thầy thuốc cha anh trong kháng chiến.
Dù đã có nhiều khởi sắc từ chương trình xây dựng nông thôn mới, song hạ tầng kinh tế - xã hội và đời sống của đồng bào các dân tộc vùng núi Lộc Ninh, Bù Đăng vẫn còn rất nhiều khó khăn. Để đến được xã Phước Sơn, nơi Đoàn công tác được cấp ủy, chính quyền địa phương đề nghị thực hiện công tác dân vận, chúng tôi phải hành trình qua những cung đường rừng núi quanh co, sống trâu, ổ gà lởm chởm… Ngồi xe ô tô ngỡ như trên lưng ngựa bất kham…
Bà Đinh Thị Thanh, Chủ tịch UBND xã Phước Sơn cho biết: Phước Sơn là mái nhà chung của đồng bào các dân tộc đến từ các tỉnh vùng núi phía Bắc, nhiều nhất là dân tộc Tày, Nùng, Mông... Người dân bản địa chiếm 40% dân số, chủ yếu là đồng bào các dân tộc S’Tiêng, Mơ Nông… Chính vì vậy, đây là vùng đất của nền văn hóa đa sắc. Hiện toàn xã có 170 hộ đói giáp hạt, 90 hộ neo đơn, đời sống còn nhiều khó khăn.
Điều kiện địa lý, địa hình khó khăn nên trong kháng chiến, địa bàn này là nơi đóng, trú quân của nhiều đơn vị, là hậu phương lớn cho chiến trường Đông Nam Bộ, gắn với huyền thoại Sóc Bom Bo nổi tiếng.
Đại tá, bác sĩ Nguyễn Lê Viên, Phó giám đốc Phân hiệu phía Nam, Học viện Quân y cho hay: Tôi đã tham gia rất nhiều đợt công tác dân vận của Học viện Quân y nên hiểu rất rõ người dân thiếu gì, cần gì, muốn gì. Đợt công tác này, Học viện Quân y mang theo nhiều trang thiết bị y tế hiện đại như máy điện tim, máy siêu âm, thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu đường huyết nhằm phát hiện, chẩn đoán các căn bệnh nan y, hiểm nghèo. Lực lượng quân y có nhiều chuyên gia đầu ngành, bác sĩ chuyên khoa giàu kinh nghiệm và sinh viên giỏi, với sự phối hợp của Trung tâm bảo vệ, chăm sóc sức khỏe tỉnh Bình Phước, đã triển khai nhiệm vụ nhanh chóng, đồng bộ, hiệu quả.
220 đối tượng chính sách, người có công, người già yếu, bệnh tật lâu ngày… đã được các bác sĩ khám tổng quát, tầm soát bệnh hiểm nghèo và cấp thuốc điều trị miễn phí. Học viện còn dành hơn 200 phần quà, mỗi phần trị giá 320.000 đồng tặng các gia đình người có công, người cao tuổi, hỗ trợ hộ nghèo. Ngoài ra, Học viện Quân y còn trao tặng tivi màn hình lớn và nhiều phần quà giá trị cho chính quyền, trường học trên địa bàn xã.
Thiếu tá Đỗ Việt Hồng, Trợ lý Chính trị Học viện Quân y cho biết: Hơn 3 tháng qua, Cơ quan Chính trị, các tổ chức quần chúng của Học viện đã tổ chức quyên góp được hơn 1.000 bộ quần áo, giày, dép, đồ dùng cá nhân… đem theo tặng cho đồng bào. Chính quyền địa phương đã thông báo rộng rãi cho người dân trong xã đến nhận quà tặng.
Tâm sự với chúng tôi, cụ Lê Thị Lành, 87 tuổi, vợ liệt sĩ Đoàn Thanh Tuy, hy sinh tại chiến trường Nam Bộ năm 1965, bày tỏ:
-Tôi được các cháu ở tổ chức Đoàn cơ sở xã Phước Sơn đưa đón đến đây khám bệnh. Tuổi già, sức yếu rồi nhưng may mắn không bị các chứng bệnh hiểm nghèo. Sự chu đáo, tận tình của các bác sĩ quân y khiến tôi vô cùng xúc động.
Sự sum vầy tình cảm quân dân và những đêm giao lưu rộn ràng thanh âm của những làn điệu dân ca đa sắc màu văn hóa của đồng bào các dân tộc khiến vùng sơn cước này ngập tràn không khí ngày hội.
Những ngày tháng 7 tri ân tại vùng sơn cước Lộc Ninh, Bù Đăng để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng các thầy thuốc quân y, gieo vào lòng dân vùng căn cứ cách mạng tình cảm gắn bó, thân thương...
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/que-huong/dat-lanh-nang-nghia-tri-an-583544