Đặt lịch khám chữa bệnh trực tuyến: Phải đảm bảo đồng bộ, tiện ích

Đặt lịch khám chữa bệnh trực tuyến không chỉ tiết kiệm thời gian, giảm thủ tục hành chính cho người bệnh mà còn góp phần đẩy lùi nhiều tiêu cực trong khám chữa bệnh. Tuy nhiên thực tế hiện nay vẫn còn rất ít cơ sở y tế triển khai đặt lịch khám chữa bệnh trực tuyến và người dân chưa quan tâm... Đây là những vấn đề được đặt ra tại hội nghị triển khai dịch vụ đặt lịch khám chữa bệnh trực tuyến do Bộ Y tế tổ chức ngày 9-4 tại Hà Nội.

Nhiều bệnh viện đặt kỳ vọng vào hệ thống đặt lịch khám chữa bệnh online. Ảnh: VGP

Nhiều bệnh viện đặt kỳ vọng vào hệ thống đặt lịch khám chữa bệnh online. Ảnh: VGP

Bệnh viện Đại học Y Hà Nội là một trong những cơ sở y tế đầu tiên triển khai hệ thống khám chữa bệnh và hội chẩn trực tuyến từ xa nhưng tỷ lệ người dân đặt lịch trực tuyến chỉ khoảng 50%. Bệnh nhân vẫn đến viện xếp hàng lúc 4 - 5 giờ sáng.

Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, nêu rõ, một số bệnh viện, địa phương đã phát triển hệ thống đặt lịch khám chữa bệnh qua mạng nhưng mỗi nơi làm một cách, chủ yếu là manh mún, tự phát nên người dân chưa mặn mà. Thực tế, mỗi bệnh viện triển khai dịch vụ này lại có một nhà cung ứng hệ thống khác nhau, hồ sơ không được chia sẻ giữa các bệnh viện mà chỉ sử dụng riêng trong cơ sở y tế của mình. Các bệnh viện cũng không gắn kết bất cứ chương trình điều trị nào từ ngoại trú hay các hoạt động khác, gây khó khăn cho người bệnh.

Thời gian qua, Bộ Y tế đã phối hợp các đơn vị phát triển hệ thống phần mềm đặt lịch khám chữa bệnh trực tuyến trên toàn quốc. Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cũng quản lý thông tin của người dân đi khám, điều trị thông qua sổ BHYT và mã số BHXH. Bệnh nhân có thể tải sổ sức khỏe điện tử về điện thoại để theo dõi thông tin. Người dân chỉ cần nhập số sổ BHYT vào hệ thống đặt lịch, lập tức hệ thống sẽ chuyển thông tin về nơi quản lý sổ BHYT đó, bệnh nhân sẽ biết được mấy giờ có mặt, khám bác sĩ nào, phòng bệnh nào.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, để giải quyết tình trạng hệ thống thông tin bệnh viện nào chỉ dùng được trong bệnh viện đó, yêu cầu đặt ra là chỉ có một cổng (hệ thống toàn tuyến) cho toàn bộ người dân. Bác sĩ chỉ cần mở phần mềm quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử và phần mềm quản lý bệnh viện, tất cả hồ sơ sức khỏe bệnh nhân đăng ký trước đó đã có trong phần mềm này.

Bác sĩ cũng sẽ biết lịch sử khám chữa bệnh của bệnh nhân tại tất cả cơ sở y tế đã từng điều trị. Mục tiêu lớn nhất của hồ sơ sức khỏe này là “một bệnh án dùng chung” cho tất cả cơ sở khám chữa bệnh ở mọi tuyến. Với những bệnh viện đã triển khai đặt lịch khám chữa bệnh trực tuyến, Bộ Y tế sẽ phối hợp để kết nối liên thông, tích hợp với hệ thống mới đang xây dựng - được cung cấp miễn phí cho các cơ sở khám chữa bệnh. Tất cả dữ liệu do Bộ Y tế quản lý.

Bộ Y tế đã thống nhất với BHXH Việt Nam, từ ngày 1-7, khám chữa bệnh ngoại trú phải triển khai hệ thống này để được thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT. Điều này có nghĩa nếu các bệnh viện không triển khai thực hiện hệ thống mới này sẽ không được thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT ngoại trú.

KHÁNH NGUYỄN

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/dat-lich-kham-chua-benh-truc-tuyen-phai-dam-bao-dong-bo-tien-ich-724254.html