Đặt mình vào vị trí của đương sự khi tham gia công tác hòa giải

Vào năm 2016, bà Nông Thị Mồng được tin tưởng bầu giữ chức tổ trưởng tổ dân phố kiêm tổ trưởng tổ hòa giải số 13 phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy. Từ khi đảm nhiệm chức vụ tổ trưởng tổ hòa giải cho đến nay, bà Mồng luôn giữ được sự bình tĩnh, tự tin và giải quyết các vụ việc theo hướng xây dựng, có lợi cho đương sự và giũ gìn ổn định trật tự xã hội trong khu dân cư.

Có thể nói những mâu thuẫn nảy sinh trong đời sống người dân thường là tranh chấp đất đai, xích mích giữa đời sống vợ chồng, mâu thuẫn giữa bố mẹ với con, cháu trong một gia đình, mâu thuẫn giữa các gia đình hàng xóm… diễn ra ở nhiều mức độ khác nhau rồi khởi kiện lẫn nhau, dẫn nhau ra pháp luật. Khi biết được tin có vụ việc xảy ra, bà chủ động can thiệp kịp thời, nhằm ngăn chặn các hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra. Khi có đơn từ của công dân xin được hòa giải thì bà vui vẻ lắng nghe ý kiến và nguyện vọng công dân, rồi báo cáo bí thư chi bộ, trưởng ban MTTQ, chi hội trưởng phụ nữ để lập kế hoạch hòa giải.

Để hòa giải thành công các vụ việc, đầu tiên bà Mồng gặp gỡ đương sự để nắm tình hình diễn biến vụ việc, thu thập thông tin. Để khách quan, bà gặp thêm những người biết hoặc chứng kiến vụ việc đó ở xung quanh. Khi tư liệu đã thu thập đầy đủ thì bà báo cáo cấp ủy, chi bộ đảng, ban công tác Mặt trận để chuẩn bị chương trình cho buổi tổ chức hòa giải.

Bà Nông Thị Mồng luôn có những đóng góp tích cực trong công tác hòa giải thời gian qua tại tổ dân phố số 13 phường Nghĩa Đô. Ảnh: Nguyễn Đăng

Bà Nông Thị Mồng luôn có những đóng góp tích cực trong công tác hòa giải thời gian qua tại tổ dân phố số 13 phường Nghĩa Đô. Ảnh: Nguyễn Đăng

Có thể nói tổ chức hòa giải đóng vai trò chủ chốt trong toàn bộ quá trình hòa giải, nó quyết định việc thành hay bại của công tác hòa giải. Tại các buổi hòa giải, bà Mồng sẽ là người chủ trì cuộc họp trình bày tóm tắt lý do, yêu cầu và định hướng giải quyết vụ việc xảy ra.

Tiếp theo là đương sự trình bày đơn và nguyện vọng của mình. Sau khi nghe mục đích, yêu cầu cuộc họp và đơn của đương sự, các thành viên tham gia ý kiến. Sau cùng, bà Mồng sẽ khái quát tình hình và kết luận vụ việc theo quan điểm định hướng đã nêu. Kết luận phải thể hiện đúng với luật pháp quy định, và thấu tình người. Công việc hòa giải đi đến kết thúc là phân biệt ranh giới đúng, sai của sự việc xảy ra. Do vậy, kết luận của tổ trưởng cũng như cuộc họp hòa giải là lấy thuyết phục, giáo dục pháp luật làm trọng tâm để đạt mục tiêu đề ra.

Kể cả sau khi kết thúc cuộc hòa giải, người làm công tác hòa giải như bà Mồng vẫn tiếp tục lắng nghe tâm tư của những người trong cuộc và dư luận về vụ việc hòa giải. Có thể nói đối thoại với đương sự luôn là phương pháp hiệu quả mà bà Mồng áp dụng để nắm chắc diễn biến tình hình sau hòa giải.

Ví như vụ việc hòa giải mâu thuẫn giữa gia đình ông Lại Phú T với gia đình ông Lại Phú Th, Lại Phú S về việc lắp ống thoát nước điều hòa của nhà ông T qua ngõ đi lại xuống đất nhà ông S làm mất mỹ quan ngõ xóm năm 2017. Hay như vụ việc hòa giải đơn ly hôn giữa chị Nguyễn Thị Mai Th với anh Phạm Mạnh T năm 2018 và nhiều vụ việc khác…

Trong công tác hòa giải ở cơ sở, bà Mồng không có bí quyết riêng mà luôn lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người trong cuộc, phân tích sự việc thấu tình đạt lý kết hợp với các quy định của pháp luật. Mục đích của hòa giải là mâu thuẫn được giải quyết, từ mức độ cao xuống thấp, từ nhỏ đến hòa thuận góp phần xây dựng khối đoàn kết giữa nhân dân trong tổ dân phố, giữ vững an ninh chính trị và trật tự xã hội.

Chia sẻ về những kết quả trong công tác hòa giải tại khu phố, bà Mồng cho rằng, điều quan trọng là đối với đương sự là cán bộ viên chức đã nghỉ hưu, thì khi hòa giải phải luôn nắm vững các quy định của pháp luật để thuyết phục. Với đương sự là người lao động thì bà sẽ kết hợp tình cảm với kiến thức pháp luật để giáo dục họ hiểu biết và thực hiện đúng những điều mà pháp luật quy định. Đối với đương sự là cán bộ công chức tại chức lại cần có sự phối kết hợp giữa tổ dân phố với cơ quan đơn vị quản lý để hỗ trợ…
Theo ông Đào Trường Quảng, Phó Chủ tịch UBND phường Nghĩa Đô, bà Nông Thị Mồng không chỉ là tấm gương tiêu biểu về tổ chức, phương pháp hòa giải, mà còn là một tổ trưởng dân phố được nhân dân tin tưởng, có trách nhiệm với công việc được đảm trách, nhiệt tình, gương mẫu trong gia đình và nhân dân. Bà đã góp một phần công sức để tổ dân phố số 13 phường Nghĩa Đô đạt được danh hiệu tổ dân phố văn hóa năm 2019.

Những kết quả bước đầu của bà Mồng trong phạm vi tổ dân phố tuy nhỏ bé, nhưng là tấm gương về lòng nhiệt tình, trách nhiệm, dám đương đầu với công việc có sự cố gắng cao của bản thân để hoàn thành trọng trách được giao. Với những việc làm thường ngày tuy đơn giản của bà nhưng góp phần làm sạch ngõ xóm, giữ vững an ninh chính trị và trật tự xã hội nhằm xây dựng tổ dân phố số 13 ngày càng đoàn kết, vững mạnh.

Nguyễn Đăng

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/dat-minh-vao-vi-tri-cua-duong-su-khi-tham-gia-cong-tac-hoa-giai-185408.html