Đặt mục tiêu gỡ 'thẻ vàng' IUU trong quý 4-2025

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN-MT) đã đề nghị các đơn vị và địa phương bước vào giai đoạn nước rút để gỡ được 'thẻ vàng' IUU vào quý 4-2025.

Chiều 13-4, tại hội nghị giao ban thường kỳ, Bộ trưởng Bộ NN-MT Đỗ Đức Duy nhấn mạnh, toàn ngành đang bước vào giai đoạn nước rút của 6 tháng đầu năm với yêu cầu cao về tiến độ, chất lượng và hiệu quả công việc.

 Bộ trưởng Bộ NN-MT phát biểu chỉ đạo tại hội nghị chiều 13-4. Ảnh: Bộ NNMT

Bộ trưởng Bộ NN-MT phát biểu chỉ đạo tại hội nghị chiều 13-4. Ảnh: Bộ NNMT

Ông Đỗ Đức Duy đã giao một số nhiệm vụ trọng tâm trong quý 2, trong đó đáng chú ý là mục tiêu gỡ “thẻ vàng” IUU vào quý 4 năm nay. Đây được coi là nhiệm vụ then chốt, có tính chiến lược đối với ngành thủy sản trong bối cảnh xuất khẩu đang phục hồi mạnh mẽ nhưng cũng phải đối mặt với nhiều rủi ro địa chính trị và thương mại.

Theo báo cáo của Cục Thủy sản và Kiểm ngư, sản lượng thủy sản cả nước trong quý 1 đạt gần 2 triệu tấn, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản lượng khai thác đạt khoảng 880.000 tấn, gần như đi ngang (+0,1%) trong khi sản lượng nuôi trồng đạt hơn 1,1 triệu tấn, tăng 5,1%. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 2,29 tỷ USD, tăng tới 18,1% so với cùng kỳ 2024.

Cục trưởng Cục Thủy sản và Kiểm ngư Trần Đình Luân đánh giá, mục tiêu tăng trưởng ngành thủy sản năm nay với 4,35% sẽ là con số thách thức lớn trong bối cảnh thị trường quốc tế còn nhiều bất định. Tuy nhiên, những tín hiệu tích cực từ hai sản phẩm chủ lực là tôm và cá tra - đặc biệt tôm tăng trưởng trên 37,8% trong quý 1, đã tạo nền tảng lạc quan cho kế hoạch cả năm.

Mặc dù vậy, thông tin Mỹ áp dụng thuế đối ứng mới với hàng thủy sản Việt Nam khiến thị trường xuất hiện biến động cục bộ. Ngay sau khi thông tin được công bố, một số địa phương đã ghi nhận tình trạng thu hoạch ồ ạt, có nguy cơ phá vỡ kế hoạch sản xuất.

 Chế biến thủy sản xuất khẩu. Ảnh minh họa

Chế biến thủy sản xuất khẩu. Ảnh minh họa

Cục Thủy sản và Kiểm ngư đã phát văn bản khuyến cáo các địa phương ven biển và khu vực ĐBSCL cần bình tĩnh, tránh tâm lý hoảng loạn dẫn đến ngưng sản xuất hoặc hạn chế xuống giống. Việc thu hoạch sớm có thể gây thiếu hụt nguyên liệu chế biến, ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng và mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu.

Cục trưởng Trần Đình Luân cho biết, việc ổn định nguồn nguyên liệu là tối quan trọng vì thủy sản không thể sản xuất tức thì. Một chu kỳ nuôi tôm ngắn nhất cũng cần tối thiểu 3 tháng, nhiều loài lên tới 7-8 tháng. Do đó, công tác điều hành sản xuất phải bám sát thực tiễn, có tham mưu kịp thời để bộ có thể đưa ra các quyết sách đúng đắn, hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất và xuất khẩu.

Về định hướng điều hành, ông Đặng Ngọc Điệp, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính cho biết, bộ sẽ chỉ đạo các địa phương tập trung nuôi biển theo hướng bền vững và nâng cao giá trị thương mại. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ các hành vi khai thác IUU, ngăn chặn tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài.

Thứ trưởng Bộ NN-MT Phùng Đức Tiến cho biết, để đạt mục tiêu tăng trưởng 4,35%, ngành thủy sản cần hành động quyết liệt, đặc biệt trong chống khai thác IUU. Việc gỡ “thẻ vàng” là nhiệm vụ cấp thiết trong năm nay, đòi hỏi cập nhật đầy đủ báo cáo, dữ liệu theo đúng tinh thần Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 10-4-2024 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác IUU và phát triển bền vững ngành thủy sản.

PHÚC HẬU

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/dat-muc-tieu-go-the-vang-iuu-trong-quy-4-2025-post790482.html