Đất năm dây phần do phần thủ...
Này cô Hai, có phải theo năm tháng, trong tiếng Việt có những từ không còn sử dụng hoặc dần dần phai nghĩa, vì thế, có những văn bản khi đọc, chúng ta không rõ nghĩa của nó?
Chẳng hạn, ta hiểu như thế nào về câu ca dao:
Cha già con mọn dơi dơi
Gần đất xa trời biết liệu làm sao?
“Dơi dơi” nghĩa là gì? Đố đấy. Ơ kìa, mới gặp nhau chưa hỏi han gì đã đố, mà, lại đố về tiếng Việt nữa chứ! Trên đời này, dám quả quyết không một ai, không ai tài thánh gì có thể hiểu hết các từ trong tiếng Việt, vì thế cần học hỏi lẫn nhau đặng làm phong phú hơn vốn liếng về tiếng Việt, chứ việc gì phải đố? Vâng, cô Hai nói vừa bụng tôi lắm. Vậy, ta đọc câu này cho tình tứ, bay bướm:
Nghe đồn có gái thiền quyên
Rủ hò cho thấy nhỡn tiền thực hư
Ủa, ủa, câu này đã viết sai chính tả chăng? Phải “thuyền quyên” mới đúng chứ gì? Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đã dùng từ này cả thảy 5 lần: “Xót nàng chút phận thuyền quyên/ Cánh hoa đã bán vào thuyền lái buôn; Thuyền quyên ví biết anh hùng/ Ra thay tháo củi sổ lồng như chơi; Lỡ làng chút phận thuyền quyên/ Bể sâu sóng cả có tuyền được vay?; Bể trần chìm nổi thuyền quyên/ Hữu tài thương nổi vô duyên lạ đời; Trai anh hùng gái thuyền quyên/ Phỉ nguyền sánh phượng đẹp duyên cỡi rồng”. Ta hiểu thuyền quyên là từ dùng để chỉ người phụ nữ xinh đẹp, yểu điệu, thanh lịch.
Thế nhưng, với người miền Nam thì “thiền quyên” cũng chính là… “thuyền quyên”. “Đại Nam quấc âm tự vị” (1895) giải thích: “Thiền quyên: Đẹp đẽ, lịch sự”. Ngộ thay, thuyền nếu đứng riêng dành chỉ vật dụng di chuyển trên sông, trên biển, người ta còn gọi là thoàn: “Gặp mặt em đây dưới thủy trên thoàn/ Hỏi thăm phụ mẫu song toàn hay chăng?”; “Sóng xao mặc sóng với thoàn/ Bớ anh ôi, nguyền xưa em tạc dạ đá vàng tri tri”, “Lao xao sóng bủa dưới thoàn/ Vắng em một bữa ăn vàng không ngon”…
Còn có các từ như hành thoàn/ đi thoàn tức đi thuyền v.v... Mấy câu dao trữ tình này, nếu sử dụng từ toàn dân là “thuyền” ắt rơi vào… “trường phái Bút Tre” ngay tắp lự.
Mà, thuyền quyên không chỉ dành chỉ phái nữ xinh đẹp, còn có thêm nghĩa khác nữa, thí dụ: “Bậu là con gái có duyên/ Đừng cho sóng dợn thuyền quyên lướt vào”. Ngữ cảnh này, ta hiểu ra làm sao? “Người dân Nam Bộ còn dùng chữ “thuyền quyên” như “kiệu hoa” để rước dâu, rước người mà mình ưng ý”, “Phương ngữ Nam Bộ” (NXB Hội Nhà văn - 2015) của Nam Chi Bùi Thanh Kiên giải thích (tr. 1388).
Kiệu này là ghế ngồi có đòn khiêng đã trang trí lộng lẫy, đẹp mắt dành cho cuộc đón rước trang trọng, vì thế lúc Thúy Kiều lúc về chung sống Kim Trọng: “Kiệu hoa cất gió, đuốc hồng ruổi sao” là di chuyển trên đường bộ, chứ không dùng thuyền quyên. Rõ ràng, không chỉ khác nhau về cách dùng từ, qua đó, ta còn thấy đặc tính sông nước ở miền Nam nữa.
Tương tự, lâu nay, ta đã biết đến từ phổ biến thông dụng “điệu nghệ”, là do từ “đạo nghĩa” nói trại ra, chẳng hạn khen ai đó, một người nhận xét: “Anh ta ăn ở đúng điệu nghệ”. Xét từ lời ăn tiếng nói thể hiện trong ca dao, ta sẽ thấy từ “nghệ/ nghĩa” này còn “biến hóa” cực kỳ thú vị. “Nghĩa” cũng là ngãi: “Nhứt ngôn trúng, vạn ngôn dụng/ Nhứt ngôn bất trúng vạn sự bất thành/ Lời nguyền một mái tóc xanh/ Em giữ cho trọn ngãi mới đành dạ em”. Nào đã hết đâu, nghĩa cũng là ngỡi: “Ngỡi nhân nay đã giao kề/ Còn lo một nỗi nặng về công lao/ Chữ rằng, bằng hữu chi giao/ Tui đây mình đó, biết làm sao bớ mình”. Dám hỏi, có phải các từ này là do các tập sách “Câu hò xay lúa”, “Câu hát đối” in tại miền Nam đầu thế kỷ XX đã… sai morát? Không đâu, tự vị của ông Hùinh Tịnh Paulus Của đã ghi giải thích: “Ngỡi (đồng chữ ngãi). Ngãi (Nghĩa): Lẽ trung chính, điều nhơn hậu, điều phải lễ, phải phép”.
Như đã biết, do cách gọi sự vật/ sự việc hai miền Nam - Bắc có khác nhau, do đó, nếu không hiểu thì ta khó có thể hiểu trọn vẹn ngữ nghĩa của nó. Xin nêu thêm vài thí dụ khác, thí dụ ca dao miền Nam có câu: “Đất năm dây cò bay thẳng cánh/ Anh hỏi thăm nàng quê quán ở đâu?”. Ngắc ngứ trước nhất của chúng ta vẫn là từ “dây”. Dễ thôi.
Nếu lấy “Đại từ điển tiếng Việt” (1999) làm chuẩn, ta sẽ hiểu theo 5 nghĩa: 1. Vật hình sợi, dùng để buộc, nối, truyền dẫn; 2. Thân cây hình sợi, bò leo trên mặt đất hay các vật tựa; 3. Tập hợp các vật đồng loại thành hàng, thành dãy dài; 4. Từng đơn vị bát đĩa, ứng với mười chiếc một; 5. Mối liên hệ gắn bó về mặt tinh thần. Vậy, “dây” trong câu ca dao trên thuộc nghĩa nào? Không thuộc nghĩa nào cả, nếu xét về công dụng của nó.
Từ “dây” này đã mất dấu vết, ngay cả “Từ điển phương ngữ Nam Bộ” hiện nay cũng không ghi nhận.
Dây ở đây còn có nghĩa là dãy, nói tắt của: “Một dãy đất, dãy ruộng, kể theo bề dài”, ông Hùinh Tịnh Paulus Của giải thích. Chi tiết “kể theo bề dài” rất quan trọng vì rằng trong cách đo/ đo đạc đất đai, đất ruộng ngày xưa ở miền Nam: “Một dây có diện tích co giãn từ năm tới mười mẫu ta. Đất càng được nhiều dây càng tốt vì ăn dài theo bờ sông, dễ chuyên chở lúa, dễ cho nhơn công lui tới, dễ tưới tiêu và đất thường cao ráo” (Đất Gia Định xưa - NXB Trẻ tái bản 1997 - tr. 63).
Không rõ nhà văn Sơn Nam căn cứ vào tài liệu nào, chứ rõ ràng sự “co giãn” ấy là quá lớn, như theo ta biết, 1 mẫu ta tùy vùng miền có cách tính khác nhau, ở miền Bắc: 10 sào = 3.600m²; miền Trung: 10 sào = 4.970m² hoặc 5.000m²; miền Nam: 10 công = 12.960 m² hoặc 10.000 m² = 1 ha, theo “Từ điển bách khoa nông nghiệp” (Trung tâm biên soạn từ điển Việt Nam biên soạn - 1991, tr.281). Hoặc giả ngày xưa đất đai ở miền Nam mênh mông đến độ như cách nói dân gian “cò bay mỏi cánh, chó chạy cong đuôi”, do đó, “co giãn” ấy chỉ là “chuyện nhỏ” chăng?
Cách tính “co giãn” này, hiện nay ta còn thấy ở trong Nam như họ bán trái cây “một chục” lại là 12, thậm chí cả 14, hoặc cao hơn, chứ không hẳn 10. Điều này cho thấy sự hào phóng/ phóng khoáng về tính cách của người Nam mà ngày xưa đã áp dụng trong cách tính dây/ dãy đất/ dãy ruộng? Chà, biết trả lời ra làm sao? Thôi thì, tạm thời cứ để đó. Ta hãy đọc câu ca dao này “thay đổi không khí” nhé? Tất nhiên. Như đã nói, có trường hợp dù chỉ sự vật/ sự việc cụ thể nhưng tùy theo vùng miền, cách gọi tên cũng khác nhau, do đó, ta cũng lắm lúc bí rị bà rì. Thí dụ:
Trách lòng con chó sủa dai
Năm canh anh viếng bậu, nó sủa hoài cả đêm
Thương em, anh phải đi đêm
Phần do bắt được, đánh mềm như dưa
Phần do là gì?
Trước hết, ta cần đọc phần “Tuần đinh” trong “Việt Nam phong tục” (NXB TP. Hồ Chí Minh - 1990) của nhà văn hóa Phan Kế Bính: “Mỗi làng có mười mươi tên tuần đinh, làng nhỏ cũng có bảy tám tên. Tuần đinh là những hạng giai trong làng, kẻ nghèo hèn không được dự vào ngôi thứ gì thì phải ra tuần, có nơi thì cắt lượt giai tráng từ mười tám tuổi trở lên phải ra tuần mấy tháng hoặc mấy năm. Gọi là tuần phiên cũng là bọn ấy” (tr. 188). Đứng đầu tuần đinh có khán thủ, trưởng tuần canh, họ có nhiệm vụ tuần tra, đánh trống mõ cầm canh, phòng kẻ gian, giặc cướp, hỏa hoạn, bắt phu phen, giúp lý dịch thu thuế v.v.. Nói cách khác, họ chính là “dân quân tự vệ” trong làng đó.
Từ tuần đinh đó, trong Nam lại dùng từ “phần do/ tuần do/ canh do/ quân do/ đi do” hiểu theo nghĩa mà “Đại Nam quấc âm tự vị” (1895) giải thích: “Canh ban đêm, cùng đi tuần; quân tuần, quân đi do thám; đi thám các chỗ”. Chi tiết “Phần do bắt được, đánh mềm như dưa” cho biết phép tắc ngày xưa cực kỳ nghiêm ngặt, đi đêm (dù đi thăm… mèo) nhưng không khéo bị hiểu nhầm mà ghép vào hạng đào ngạch khoét vách chỉ có nước no đòn.
Và đúng như nhà văn Sơn Nam đã cho biết: “Ngoài tuần do còn có còn có phần thủ lo canh phòng ghe thuyền qua lại để thâu thuế. Thuế thâu vào có viên thơ lại tính toán, anh phần thủ xin thêm món tiền mọn gọi tiền dầu, dùng mua dầu dừa thắp đèn cho trạm gác ban đêm” (Bến Nghé xưa - NXB Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh - 1992, tr.60-61).
Hiểu như thế, ta mới thấy câu ca dao này… dễ hiểu: “Anh ngồi phần thủ trống treo/ Miệng kêu ghe ghé, chơn trèo xuống thang/ Bước xuống thang, quạt che tay ngoắt/ Chia rẽ vợ chồng, ruột thắt dường bao”. Thủ là từ Hán - Việt có nghĩa giữ, gìn giữ, canh giữ; và “thủ ngữ” là “Chức quan giữ cửa biển. Đồn thủ tại cửa biển”, ông Hùinh Tịnh Paulus của cho biết. Nhà nghiên cứu Vương Hồng Sển cũng có ý kiến tương tự: “Thủ, đồn thủ, trại thủ: Đồn trại của làng lập ra giữ trên bộ: “Thủ Thiêm, Thủ Đức, Thủ Đoàn/ Anh phải lòng nàng tại Thủ Chiến Sai” là câu hát xưa gồm nhiều tên bót canh đời trước” (Tự vị tiếng Việt miền Nam, NXB Văn hóa - 1993, tr. 645).
Vị trí chỗ canh gác đó có thể là chòi cao, ngoài Bắc gọi là “điếm” với các từ như điếm tuần, phu điếm; vậy, câu tục ngữ “Mèo đàng chó điếm” thì điếm hiểu theo nghĩa này, chứ không phải điếm đàng, đĩ điếm. Mãi đến thời chống Pháp, ta còn gặp điếm, chẳng hạn trong bài thơ “Nhớ” rất xúc động của Hồng Nguyên có đoạn:
Đêm đó chúng tôi đi
Nòng súng nghiêng nghiêng
Đường mòn thấp thoáng...
Trong điếm nhỏ
Mươi người trai tráng
Sờ chuôi lựu đạn
Ngồi thổi nùn rơm
Thức vừa rạng sáng
Nhìn trời sương nhẩm bước chúng tôi đi
Điếm canh của phần thủ ở trong Nam, lại dùng từ gì? “Ngày thì bồi lộ đông tây/ Tối thì ra dỏ, roi dây hẳn hòi” (Vè năm canh điểm mục) - đó là “dỏ” với các từ liên quan như dỏ điếm, dỏ canh, canh dỏ... Điều thú vị là từ “dỏ/ nhà dỏ: Nhà gác ở dọc đường. Nhà điếm: Cùng một nghĩa” đã được “Từ điển Việt - Bồ - La” (1651) ghi nhận. Suy ra, ngày xưa khi nói “điếm” hoặc “dỏ” ai cũng hiểu, không rõ vì sao sau đó từ “dỏ” lại không còn thông dụng nữa? Ngoài từ “dỏ” còn có từ đồng nghĩa là trại sách, trại thủ.
Trở lại với câu ca dao:
Cha già con mọn dơi dơi
Gần đất xa trời biết liệu làm sao?
Khó hiểu nhất vẫn là từ “dơi dơi”. “Từ điển từ Việt cổ” (NXB Văn hóa Thông tin-2001) của Nguyễn Ngọc San - Đinh Văn Thiện cho biết: “Dơi: Vang, vọng lại” và dẫn chứng văn liệu từ “Truyền kỳ mạn lục” của Nguyễn Dữ: “Nghe tiếng khóc dơi dơi từ xa hầu đến gần” (tr.101). Câu này trích từ “Chuyện người nghĩa phụ Khoái Châu”, cũng có bản dịch như sau: “Cuối canh ba, nghe tiếng khóc dõi dõi từ xa hầu đến gần”, theo “Truyền kỳ mạn lục giải âm” (NXB Khoa học Xã hội - 2018) do Nguyễn Thế Nghi dịch sang văn Nôm, Nguyễn Quang Hồng phiên âm, chú giải: “Dõi dõi: Văng vẳng từ xa” (tr. 65). Như vậy, nghĩa của từ “dơi dơi” trong câu ca dao không thuộc ngữ cảnh này.
Với từ “dơi dơi”, “Đại Nam quấc âm tự vị” (1895) giải thích là “nhỏ nhít”- một từ cũ của người miền Nam, nay hoàn toàn mất dấu vết. Qua đó, ta hiểu câu ca dao này tương tự “Cha già con muộn/ Cha già con cọc” ngụ ý khi người cha đã già, đã “gần đất xa trời”, đã cao tuổi tác nhưng mới có con, lúc ấy, con còn quá bé/ bé bỏng/ bé nhỏ/ nhỏ nhít thì làm sao có thời gian lo liệu cho chu toàn? A, cô Hai vừa hỏi đấy à? Dạ, chỉ có thể tự nhủ bằng tâm thế tự tin như thế này:
Ngọc của trời cho mấy ai được vậy
Có mấy ai đâu được ngọc của trời
Biết vui là vui - lẽ đời giản dị
Cha già con cọc là ngọc cuối đời…
Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/so-tay/dat-nam-day-phan-do-phan-thu--i670931/