Đặt nền móng cho báo chí hiện đại, chuyên nghiệp và hội nhập

Sáng 16.5, Hội thảo 'Hoàn thiện pháp luật để báo chí phát triển trong kỷ nguyên số' đã diễn ra tại Hà Nội, thu hút sự quan tâm đặc biệt của các cơ quan quản lý, cơ quan báo chí và giới chuyên môn.

Thứ trưởng Thường trực Bộ VHTTDL Lê Hải Bình chủ trì phiên thảo luận

Thứ trưởng Thường trực Bộ VHTTDL Lê Hải Bình chủ trì phiên thảo luận

Phát biểu mở đầu phiên thảo luận, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ VHTTDL Lê Hải Bình nhấn mạnh: Việc sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí lần này không chỉ là yêu cầu cấp thiết từ thực tiễn, mà còn mang ý nghĩa kiến tạo, nhằm mở đường cho báo chí bước vào “hành trình 100 năm mới”.

Thứ trưởng Lê Hải Bình nêu rõ: Một số vấn đề nổi bật đang đặt ra với báo chí hiện nay là bài toán kinh tế báo chí và yêu cầu chuyển đổi số toàn diện.

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy phát biểu tại Hội thảo

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy phát biểu tại Hội thảo

Đây là những thách thức lớn mà Luật Báo chí sửa đổi cần đưa ra giải pháp kịp thời, phù hợp với xu thế phát triển truyền thông đa phương tiện, cũng như đáp ứng định hướng từ Quy hoạch phát triển mạng lưới báo chí, phát thanh – truyền hình, thông tin điện tử, xuất bản đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tại hội thảo, ông Lưu Đình Phúc – Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ VHTTDL) trình bày tham luận về các vấn đề đáng chú ý trong dự thảo Luật. Theo đó, dự thảo lần này được xây dựng trên cơ sở 4 nhóm chính sách lớn theo Nghị quyết 148/NQ-CP của Chính phủ, gồm: Tăng cường quản lý hoạt động báo chí; nâng cao chất lượng đội ngũ làm báo; thúc đẩy kinh tế báo chí và điều chỉnh hoạt động báo chí trên không gian mạng.

Cục trưởng Cục Báo chí Lưu Đình Phúc

Cục trưởng Cục Báo chí Lưu Đình Phúc

Dự thảo luật sửa đổi đã bổ sung nhiều quy định mới, tập trung vào nguyên tắc quản lý minh bạch, chặt chẽ, phân định rõ thẩm quyền giữa Trung ương và địa phương.

Dự kiến có tới 30 nội dung sẽ được giao Chính phủ và các cơ quan chức năng quy định chi tiết, trong đó có 25 nội dung đưa vào nghị định và 5 nội dung do Bộ VHTTDL hướng dẫn thông qua thông tư.

Một điểm mới nổi bật là việc làm rõ khái niệm và phân loại loại hình báo chí, nhằm khắc phục tình trạng “báo hóa” tạp chí. Cụ thể, tạp chí được định nghĩa là sản phẩm chuyên biệt, chuyên ngành, chỉ cập nhật thông tin liên quan đến cơ quan chủ quản.

Các sản phẩm như bản tin, đặc san tiếp tục được công nhận là sản phẩm báo chí, trong khi trang thông tin điện tử tổng hợp sẽ không được coi là báo chí.

Các đại biểu dự hội thảo

Các đại biểu dự hội thảo

Đáng chú ý, dự thảo luật lần này bổ sung mô hình tổ hợp báo chí truyền thông chủ lực đa phương tiện. Theo đó, tổ hợp có thể bao gồm nhiều đơn vị trực thuộc, hoạt động theo mô hình doanh nghiệp, có thể tự chủ tài chính hoặc liên doanh, liên kết.

Đây được xem là hướng đi tất yếu để báo chí thích nghi với cơ chế thị trường, nâng cao tính cạnh tranh và hiệu quả vận hành.

Với báo chí hoạt động trên không gian mạng, các kênh nội dung của cơ quan báo chí trên nền tảng số sẽ phải đăng ký, kết nối hệ thống với cơ quan quản lý nhà nước.
Nội dung phát hành buộc phải tuân thủ Luật Báo chí, Luật An ninh mạng và các điều ước quốc tế Việt Nam tham gia. Nhà nước sẽ đầu tư công cụ số để giám sát và đảm bảo an toàn thông tin.

Dự thảo cũng quy định rõ những hành vi bị cấm như: trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội tự sản xuất và phát tin như cơ quan báo chí; phát tán thông tin gây phương hại đến quan hệ đối ngoại và hình ảnh quốc gia.

Toàn cảnh Hội thảo

Toàn cảnh Hội thảo

Một điểm nhấn quan trọng khác là việc Hội Nhà báo Việt Nam được giao quyền giám sát đạo đức nghề nghiệp người làm báo. Về thẻ nhà báo, dự thảo đề xuất bỏ quy định kỳ hạn cứng, thay bằng thời hạn 5 năm kể từ ngày cấp, cho phép cấp đổi nếu đủ điều kiện. Tuy nhiên, người làm việc tại tạp chí khoa học sẽ không được cấp thẻ nhà báo.

Dự thảo cũng mở rộng quyền xuất nhập khẩu sản phẩm báo chí cho cơ quan báo chí hoặc doanh nghiệp đủ điều kiện, đồng thời đề xuất phân quyền cho địa phương thực hiện 10 thủ tục hành chính, góp phần tăng tính chủ động, hiệu quả trong quản lý nhà nước về báo chí tại cơ sở.

Với cách tiếp cận toàn diện và những nội dung cập nhật kịp thời, dự thảo Luật Báo chí sửa đổi dự kiến sẽ được trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 10 theo quy trình rút gọn.

Đây là bước đi quan trọng, đặt nền móng pháp lý vững chắc để báo chí Việt Nam vững vàng bước vào kỷ nguyên số - chuyên nghiệp, hiện đại, nhân văn và hội nhập.

THU SÂM - HÀ AN - ĐÌNH TOÁN; ảnh: ĐĂNG NGUYÊN

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/bao-chi/dat-nen-mong-cho-bao-chi-hien-dai-chuyen-nghiep-va-hoi-nhap-135017.html