Đặt nền tảng cho sự phát triển, hợp tác về y tế giữa Pháp và Việt Nam trong thời kỳ mới
Nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Pháp, ngày 4/11, tại Hà Nội, Trường đại học Y Hà Nội phối hợp Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, Hội Hữu Nghị Việt Pháp tổ chức Hội nghị Y học Pháp-Việt.
Tham dự Hội nghị, có lãnh đạo Bộ Y tế, Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam và đông đảo các chuyên gia y tế đến từ Pháp và Việt Nam.
Phát biểu chào mừng Hội nghị Y học Pháp-Việt, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam-Pháp, Chủ tịch Hội Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam-Pháp, Nguyễn Thúy Anh nhấn mạnh: Năm 2023, có ý nghĩa rất đặc biệt đối với hai nước. Chúng ta cùng nhau kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm quan hệ đối tác chiến lược. 50 năm đó, đã chứng minh tính đặc thù của một mối quan hệ giữa hai dân tộc biết vượt qua thăng trầm của lịch sử để cùng hướng tới tương lai trên cơ sở tình hữu nghị và hợp tác, để trở thành những đối tác đặc biệt quan trọng của nhau. Trong những giai đoạn đầy thử thách của lịch sử đó, chính những trao đổi đầu tiên về y tế đã gieo mầm cho tình đoàn kết, sự gắn bó nhân dân hai nước.
Nhiều dự án đào tạo, trao đổi chuyên gia, thiết bị y tế và thuốc như: Chương trình thực hành nội trú (FFI), bằng đại học/bằng liên đại học (DU/DIU), hỗ trợ thành lập các trung tâm, bệnh viện đại học (CHU) tại Hà Nội… không chỉ góp phần hiện đại hóa hệ thống y tế của Việt Nam, mà trên hết cho phép chuyển giao kiến thức và đào tạo một đội ngũ bác sĩ Việt Nam có năng lực.
Cụ thể, khoảng 3.000 thực tập sinh và bác sĩ Việt Nam được đào tạo, thực tập trong khuôn khổ các dự án hợp tác, mà nhiều người trong số đó đã trở thành các chuyên gia xuất sắc trong lĩnh vực của mình, đảm nhiệm các vị trí lãnh đạo các bệnh viện, trường y, khoa y...
Ngoài ra, hiện Việt Nam vẫn nằm trong số các nước được hưởng nhiều nhất thành quả của hợp tác bệnh viện do Bộ Đoàn kết và Y tế Pháp tài trợ và có 3 viện Pasteur của Việt Nam đang thực hiện các dự án hợp tác với Pháp. Với 100 triệu dân, Việt Nam có nhu cầu rất lớn về chăm sóc sức khỏe, nhưng cũng vì thế có thể đề xuất hợp tác với cách tiếp cận cùng chia sẻ thành công.
"Hội nghị Y học Pháp-Việt lần này là diễn đàn thực sự để trao đổi kinh nghiệm về ý tưởng, chia sẻ các phương pháp làm tốt và đặc biệt là các đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, mở ra những triển vọng hợp tác mới giữa hai nước trong tương lai", bà Nguyễn Thúy Anh cho biết thêm.
Đánh giá về những kết quả hợp tác y tế giữa Pháp và Việt Nam, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết: Trong suốt quá trình hợp tác giữa hai quốc gia, Cộng hòa Pháp đã đào tạo nhiều thế hệ bác sĩ và các cán bộ y tế cho Việt Nam. Thông qua các chương trình hợp tác y khoa đã giúp Việt Nam đào tạo khoảng hơn 3.000 bác sĩ.
Bên cạnh đó, chương trình đào tạo sau đại học do các giáo sư, bác sĩ Pháp và Việt Nam giảng dạy tại các trường đại học y, dược khác nhau tại một số tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Huế, Hải Phòng cũng đã đào tạo hơn 1.500 bác sĩ Việt Nam với sự tham gia của hàng trăm giảng viên đến từ Cộng hòa Pháp.
Nhiều bác sĩ được đào tạo tại Cộng hòa Pháp sau khi về nước đã trở thành những giáo sư, bác sĩ giỏi, các chuyên gia y tế đầu ngành và rất nhiều trong số đó đã và đang là những lãnh đạo chủ chốt của ngành y tế Việt Nam. Bên cạnh đó hằng năm cũng có hàng chục bác sĩ của Pháp và hàng trăm sinh viên của Pháp sang công tác, làm việc, thực tập tại các trường đại học, bệnh viện và các cơ sở y tế Việt Nam.
Trong lĩnh vực y học dự phòng và y tế công cộng, hai bên đã có nhiều hợp tác trong công tác phòng chống dịch bệnh; đặc biệt là mạng lưới các Viện Pasteur đã hỗ trợ cho Việt Nam rất hiệu quả trong việc phòng, chống các bệnh dịch nguy hiểm và các bệnh dịch truyền nhiễm mới nổi, trong đó có đại dịch Covid-19.
Trong mạng lưới này, Việt Nam vinh dự có đóng góp của ba cơ quan là Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Viện Pasteur Nha Trang. Đối với cuộc chiến phòng chống HIV/AIDS, lao và sốt rét, Pháp cũng đã hỗ trợ cho Việt Nam hàng chục triệu đô la thông qua Quỹ Toàn cầu.
Dịp này, thay mặt Bộ Y tế, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương trân trọng cảm ơn sự ủng hộ và hỗ trợ của Chính phủ, các Bộ, ban, ngành, các cơ quan liên quan của Cộng hòa Pháp, Liên đoàn Y tế Pháp-Việt, các đơn vị, tổ chức dành cho ngành y tế Việt Nam, đặc biệt là các hỗ trợ về vắc-xin, trang thiết bị, vật tư y tế phòng, chống dịch Covid-19 thời gian qua.
Sự hỗ trợ này hết sức có ý nghĩa, là nguồn động viên tinh thần và vật chất to lớn đối với Chính phủ và nhân dân Việt Nam trong giai đoạn khó khăn của cuộc chiến chống đại dịch Covid-19; đồng thời, đề nghị hai bên tiếp tục cùng nhau nghiên cứu và xây dựng các Chương trình, thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực y tế đặt nền tảng cho sự phát triển và hợp tác về y tế giữa hai quốc gia trong thời kỳ mới.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Tú, Hiệu trưởng Trường đại học Y Hà Nội cho biết: Hội nghị Y học Pháp-Việt là cơ hội lớn để các đồng nghiệp Việt Nam và Pháp chia sẻ và cập nhật những thông tin khoa học và đào tạo mới nhất; chia sẻ kinh nghiệm trong quản lý y tế, trong phòng và khám chữa bệnh; đồng thời, sẽ là cuộc hội ngộ ý nghĩa thắt chặt tình bạn, tình thầy trò Pháp-Việt qua nhiều thế hệ, góp phần vun đắp cho tình hữu nghị của hai đất nước .
Tại Hội nghị, các bác sĩ, chuyên gia y tế hàng đầu của Pháp và Việt Nam cùng nhau chia sẻ kiến thức, trao đổi kinh nghiệm về một số lĩnh vực như: Chẩn đoán hình ảnh, sản phụ khoa, ung thư - nhi khoa, sức khỏe tâm thần, nội-ngoại khoa, gây mê hồi sức, hệ thống y tế và biến đổi môi trường.