Đạt nhiều kết quả sau 1 năm thực hiện Nghị quyết 98 của Quốc hội

Sau hơn 1 năm thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội 'Về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh' (Nghị quyết 98) có hiệu lực từ 1/8/2023. TP đã đạt được nhiều kết quả nổi bật.

Hoàn thành nhiều nhiệm vụ quan trọng

TP Hồ Chí Minh đã thực hiện 4 văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cho Bộ, ngành Trung ương và TP. Theo đó, các Bộ, ngành Trung ương đã thực hiện hoàn thành 8/10 nhiệm vụ.

Đối với TP hoàn thành 13/22 nhiệm vụ, như: xây dựng, trình HĐND TP thông qua và ban hành hệ số điều chỉnh giá đất phù hợp với tình hình thực tiễn của TP. Đối với nhiệm vụ của HĐND TP cũng đã ban hành trình tự, thủ tục thực hiện chuẩn bị thu hồi đất của một số dự án tại TP và HĐND đã ban hành nhiều nghị quyết thuộc nhiệm vụ của mình.

Cán bộ, kỹ sư tại dự án đường Vành đai 3 qua địa bàn TP Hồ Chí Minh.

Cán bộ, kỹ sư tại dự án đường Vành đai 3 qua địa bàn TP Hồ Chí Minh.

Về công tác xây dựng nhiệm vụ triển khai Nghị quyết 98, UBND TP Hồ Chí Minh đã giao các sở, ngành tham mưu thực hiện 55 nhiệm vụ (trình HĐND TP 30 nhiệm vụ; trình UBND TP 25 nhiệm vụ); UBND TP hoàn thành 15/25 nhiệm vụ. Đối với kết quả áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù, Nghị quyết 98 quy định 44 cơ chế đặc thù trên địa bàn TP. Trong đó, có 29 cơ chế đã áp dụng gồm 20 cơ chế bước đầu đạt kết quả, 9 cơ chế đang trong quá trình chuẩn bị thủ tục và các bước tiếp theo để triển khai đúng quy định; 15 cơ chế chưa áp dụng.

Qua triển khai xây dựng và thực hiện Nghị quyết 98, TP đạt nhiều kết quả nổi bật. Cụ thể, đã bố trí 3.794 tỷ đồng hỗ trợ giảm nghèo và giải quyết việc làm; thông qua danh mục 7 vị trí phát triển TOD dọc tuyến Metro số 1, Metro số 2, tuyến Vành đai 3; ban hành danh mục 41 dự án đầu tư trong lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa theo phương thức đối tác công tư; 5 dự án BOT nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa đường bộ hiện hữu để thực hiện đến năm 2028…

Về tài chính, ngân sách Nhà nước, đã chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức là 11.287 tỷ đồng; đã bố trí dự toán chi ngân sách của UBND quận với khoản chưa phân bổ từ 2% - 4% là 688,6 tỷ đồng.

TP Hồ Chí Minh cũng đã trình và được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 760/QĐ-TTg ngày 2/8/2024 phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài với tổng mức đầu tư 19.617 tỷ đồng (bao gồm lãi vay).

Vẫn có vướng mắc trong lựa chọn nhà đầu tư chiến lược

TP đã áp dụng cơ chế chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa dưới 500ha cho 1 dự án với diện tích là 0,04 ha; chấp thuận chủ trương đầu tư cho 1 dự án, với khoảng 2.000 căn nhà ở xã hội; tổ chức 296 hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư trong và ngoài nước có liên quan tới thu hút nhà đầu tư chiến lược (ĐTCL), tăng trưởng xanh (giảm phát khí thải, tín chỉ carbon).

Đối với tổ chức bộ máy chính quyền, TP đã thành lập Sở An toàn thực phẩm, Trung tâm Chuyển đổi số; tăng thêm 1 Phó Chủ tịch (PCT) HĐND, 1 PCT UBND cho TP Thủ Đức, 1 PCT UBND cho 2 huyện (Cần Giờ, Hóc Môn), 51/52 PCT UBND phường, xã, thị trấn có từ 50.000 người trở lên…

Về hoạt động của TP Thủ Đức, Nghị quyết 98 quy định 2 cơ chế về phân cấp, ủy quyền và tổ chức bộ máy chính quyền, nhờ đó đã giúp TP Thủ Đức đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, góp phần quan trọng để đạt tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên 98%.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Nghị quyết 98, UBND TP cho rằng cũng gặp vướng mắc trong việc áp dụng quy định lựa chọn nhà ĐTCL. Cụ thể, tại điều 7 Nghị quyết 98 quy định ưu đãi và thủ tục riêng đối với nhà ĐTCL, trong đó có dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Nhưng quy định tại điểm b khoản 9 điều 7 Nghị quyết 98 dẫn tới cách hiểu phải giải ngân toàn bộ vốn, đăng ký trong thời hạn 5 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư.

Thực tế, dự án Cảng trung chuyển Cần Giờ đang được đề xuất tổng vốn đầu tư 113.531,7 tỷ đồng (tương đương 4,8 tỷ USD), không thể giải ngân hết trong 5 năm. Theo đó, trong báo cáo thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư dự án này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã xác định do dự án có tiến độ giải ngân vốn trên 5 năm nên không thể áp dụng được quy trình lựa chọn, ưu đãi đối với nhà ĐTCL quy định tại điều 7 Nghị quyết 98 cho dự án này.

Vì vậy, UBND TP Hồ Chí Minh đã đề nghị Bộ KH&ĐT tổng hợp, báo cáo Chính phủ kiến nghị Quốc hội xem xét sửa đổi nội dung này trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu theo hướng linh hoạt trong yêu cầu giải ngân toàn bộ số vốn đầu tư.

Tân Tiến

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/dat-nhieu-ket-qua-sau-1-nam-thuc-hien-nghi-quyet-98-cua-quoc-hoi.html