Đạt nông thôn mới, đời sống của đồng bào có thực sự tốt hơn?
Tiếp tục chương trình giám sát chuyên đề tối cao của Quốc hội về việc thực hiện các Chương trình Mục tiêu quốc gia, sáng 25/7, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, Trưởng đoàn giám sát đã tìm hiểu thực tế và làm việc với huyện miền núi, biên giới Tràng Định của tỉnh Lạng Sơn. Qua giám sát, các đại biểu đề nghị cần làm rõ tính thực chất và bền vững của các chương trình.
Năm 2022, xã Quốc Khánh đạt chuẩn Nông thôn mới nên Trường Tiểu học xã đã được đầu tư 14 tỷ để xây 3 khu gồm: phòng học, phòng hành chính và khu nhà bếp, nhà ăn. Xã chuyển từ vùng 3 về vùng 1 theo chuẩn Nông thôn mới, tuy nhiên, các cháu học sinh lại bị cắt chế độ ăn trưa bán trú và Bảo hiểm y tế, còn các giáo viên thì không được trợ cấp nữa.
Đây cũng là vấn đề các thành viên đoàn giám sát đặt ra về tính thực chất của chương trình MTQG khi việc cân đối nguồn để bố trí vốn đối ứng của địa phương rất khó khăn.
Tính đến năm 2022, huyện Tràng Định có 9/21 xã đạt chuẩn Nông thôn mới, phấn đấu đến năm 2025, sẽ có thêm 3 xã. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, áp lực vốn đối ứng, nguồn vốn huy động từ nay đến cuối kỳ là rất lớn. Đề nghị địa phương xác định rõ trọng tâm, trọng điểm, tập trung đánh giá cụ thể từng dự án, tiểu dự án của cả 3 chương trình MTQG.
Nhân dịp giám sát tại địa phương, Phó Chủ tịch Quốc hội đã dâng hương, viếng Nghĩa trang liệt sỹ huyện Cao Lộc - nơi yên nghỉ của 530 liệt sỹ đã hy sinh trong các cuộc kháng chiến. Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đến thăm, tặng quà thương binh Chu Minh Tiến, Hoàng Văn Bí; thăm và tặng quà cụ Nông Thi Sâm là mẹ liệt sỹ Hoàng Văn Khang tại xã Hợp Thành và thị trấn Cao Lộc nhân kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ.
Khắc Phục -
Cao Hoàng