Đất nước ngày vui lớn
Kỷ niệm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước năm nay cũng là lúc người Việt Nam dâng hương tưởng nhớ các Vua Hùng trong ngày quốc giỗ mùng 10 tháng Ba (âm lịch). 48 năm đã đi qua kể từ ngày 30/4/1975 hào hùng, đất nước hòa bình thống nhất. Đó là ngày trùng phùng của cả dân tộc sau cuộc trường chinh vĩ đại kéo dài hơn 20 năm để không còn cảnh chia ly 'đêm Nam ngày Bắc'. Và cũng từ đó, người Việt Nam tay nắm chặt tay xây dựng lại đất nước trên hoang tàn đổ nát của chiến tranh; để rồi gần nửa thế kỷ đi qua, trong ta vẫn dâng lên niềm tự hào, xúc động.
Năm 2023 là năm đặc biệt đối với Việt Nam cũng như thế giới. Sau 3 năm kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, những tưởng kinh tế thế giới sẽ tăng tốc để “lấy lại những gì đã mất”. Nhưng không, chuỗi cung ứng vẫn gián đoạn, ảnh hưởng của Covid-19 vẫn còn, xung đột vũ trang chưa chấm dứt, lạm phát cao và kéo dài, suy thoái xuất hiện… Là nền kinh tế có độ mở cao, trong bối cảnh đó kinh tế Việt Nam cũng bị ảnh hưởng rất lớn.
Nền kinh tế vượt bão
Hãy cùng nhìn lại tăng trưởng GDP của Việt Nam trong 3 năm đại dịch Covid-19. Năm 2020, GDP đạt 2,91%. Năm 2021, đạt 2,58%. Năm 2022 đạt 8,02%. Trong khi đó, cùng thời điểm, nhiều quốc gia kinh tế rơi xuống mức âm, rõ nhất là năm 2020 tăng trưởng GDP toàn cầu âm 3,7%. Về lạm phát, tới năm 2022, chỉ số trung bình toàn cầu là 8,8%; trong khi con số đó của Việt Nam là 3,8. Dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2023, theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), kinh tế toàn cầu có thể dao động ở mức 1,7% đến 2,9%. Trong khi nhiều định chế tài chính quốc tế cho rằng tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2023 sẽ ở mức từ 6,2% - 6,8%. Nếu như năm 2022 Việt Nam là một trong số những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng hàng đầu thế giới, thì dự báo cho năm 2023 cũng vẫn là nền kinh tế “vượt bão” thành công.
Theo dữ liệu của IMF, GDP bình quân đầu người năm 2022 của Việt Nam đạt 4.167 USD, đứng thứ 5 khối ASEAN-6 (6 quốc gia có quy mô kinh tế lớn nhất ASEAN), xếp trên Philippines với 3.621 USD. Nếu tính trung bình tăng trưởng GDP bình quân đầu người 10 năm trở lại đây (giai đoạn 2012-2022), Việt Nam đang là quốc gia có tốc độ tăng cao nhất, và cũng là quốc gia duy nhất trong nhóm có tốc độ tăng thu nhập bình quân trên 6% (6,65%).
Theo Tổng cục Thống kê, GDP Việt Nam trong năm 2022 đạt 409 tỷ USD. Còn theo IMF, con số này là 413,81 tỷ USD. Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đứng thứ 5. Trên thế giới, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 37 về quy mô kinh tế. Dự báo của IMF, năm 2023, Việt Nam sẽ đứng thứ ba Đông Nam Á về quy mô kinh tế. Cụ thể, GDP đạt 469,62 tỷ USD, trong dự báo tăng trưởng tăng trưởng 6,2% (sau Indonesia và Thái Lan).
Trong khi đó, theo HSBC - một ngân hàng đầu tư đa quốc gia và công ty cổ phần dịch vụ tài chính của Anh thì năm 2023 kinh tế Việt Nam được dự báo có mức tăng trưởng đứng đầu khu vực. Nhưng mức tăng chỉ đạt 5,8% so với cùng kỳ (thấp hơn dự báo IMF). Tuy nhiên mức tăng này vẫn dẫn đầu ASEAN, với dự báo chung vào khoảng từ 2,1 đến 4,3%.
Những dấu hiệu cho thấy nền kinh tế đã có đà vượt khó
Những thành tựu đạt được sau gần nửa thế kỷ cho thấy sức mạnh vĩ đại của tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, quyết tâm xây dựng đất nước hùng cường. Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn riêng năm 2023 này, muốn đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5%; lạm phát dưới mức 4,5% thì cần những nỗ lực rất lớn; trong khi GDP quý 1 chỉ đạt 3,2%; vì thế 3 quý còn lại phải đạt tăng trưởng bình quân 7,5%.
Trong quý 1, đóng góp của một số ngành dịch vụ vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm là rất đáng kể. Trong đó, dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 25,98% so với cùng kỳ năm trước; ngành bán buôn và bán lẻ tăng 8,09%; ngân hàng và bảo hiểm tăng 7,65%; ngành vận tải, kho bãi tăng 6,85%... Tuy nhiên, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (GRDP) quý 1/2023 so với cùng kỳ năm trước mặc dù tăng ở 58 địa phương nhưng có 5 địa phương giảm. Đặc biệt, ở một số địa phương có mức giảm khá mạnh như Bà Rịa-Vũng Tàu giảm 4,75%; Quảng Nam giảm 10,88%; Bắc Ninh giảm 11,85%.
Điều đó một lần nữa cho thấy bối cảnh thế giới đang rất khó khăn đã tác động tới tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong quý I năm nay.
Nhưng tình hình cũng đã có những dấu hiệu cải thiện. Mới đây, Tổng cục Hải quan đã chính thức công bố số liệu xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong nửa cuối tháng 3/2023 (từ ngày 16/3 đến ngày 31/3/2023). Theo đó, trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 2 tháng 3/2023 đạt 30,79 tỷ USD, tăng 13,3% (tương ứng tăng 3,62 tỷ USD) so với nửa đầu tháng. Kết quả đạt được trong nửa cuối tháng 3 đã đưa tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước trong quý 1/2023 đạt 153,79 tỷ USD. Trong đó, tổng trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 107,76 tỷ USD; trị giá xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước đạt 46,04 tỷ USD. Nhìn chung lại, về xuất khẩu, trong kỳ 2 tháng 3/2023 cả nước đạt 16,38 tỷ USD, tăng 22,8% (tương ứng tăng 3,05 tỷ USD về số tuyệt đối) so với kỳ 1 tháng 3/2023.
Với kết quả trong kỳ 2 tháng 3/2023 cho thấy, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 1,98 tỷ USD. Tính chung quý 1/2023, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 4,81 tỷ USD.
Hợp tác cùng phát triển
Trong các bạn hàng của Việt Nam, cùng với Trung Quốc, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản... thì Hoa Kỳ là thị trường lớn của xuất khẩu. Xuất khẩu hàng Việt Nam sang Hoa Kỳ năm 2022 đạt giá trị 109,38 tỷ USD và đây cũng là lần đầu tiên hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang một thị trường đạt mốc 100 tỷ USD
Ngày 30/4/1975, chiến tranh kết thúc. Kể từ đó, Việt Nam - Hoa Kỳ từng bước khép lại quá khứ, hướng tới tương lai, với những bước đi cần đến rất nhiều nỗ lực. 20 năm kể từ sau ngày 30/4/1975, đến ngày 11/7/1995, Mỹ và Việt Nam tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao, gác lại quá khứ và mở ra một chương mới trong lịch sử hai nước. Cách đây 10 năm, ngày 25/7/2013, Việt Nam và Mỹ thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện.
Mới đây, ngày 22/3, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp đoàn đại biểu Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC). Đáng chú ý, thành phần đoàn tham dự buổi làm việc có lãnh đạo 52 doanh nghiệp hàng đầu của Hoa Kỳ và thế giới. Trong phát biểu của mình, Thủ tướng cảm ơn các doanh nghiệp Mỹ đã đồng hành cùng Việt Nam vượt qua khó khăn; mong muốn các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp Mỹ thành công hơn nữa tại Việt Nam. “Các bạn thành công cũng là thành công của chúng tôi” - Thủ tướng nói đồng thời khẳng định Việt Nam luôn coi Hoa Kỳ là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu, hoan nghênh Hoa Kỳ ủng hộ một Việt Nam mạnh, độc lập và thịnh vượng. Việt Nam mong muốn thúc đẩy quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ ngày càng thực chất, ổn định, đi vào chiều sâu trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau.
Ngày 26/1/2021, tổng kết nhiệm kỳ khóa XII và nhìn lại 35 năm đổi mới, tại phiên khai mạc Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại, đường lối đổi mới của Đảng ta là đúng đắn, sáng tạo; sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Cương lĩnh chính trị của Đảng tiếp tục là ngọn cờ tư tưởng, lý luận dẫn dắt dân tộc ta vững vàng tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; là nền tảng để Đảng ta hoàn thiện đường lối xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn mới. Đất nước ta chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/dat-nuoc-ngay-vui-lon-5716468.html