Đất nước phát triển cần có dữ liệu tin cậy, minh bạch, chia sẻ rộng rãi
Theo Tổng Cục Trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Nguyễn Thị Hương, một đất nước phát triển cần có dữ liệu tin cậy, minh bạch và cần được kết nối, chia sẻ rộng rãi cho mỗi người dân, doanh nghiệp và nhà quản lý.
Ngày 16/8, Tổng cục Thống kê Việt Nam (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) đồng tổ chức hội thảo quốc tế về quản lý hệ sinh thái dữ liệu, quản trị và giám hộ dữ liệu.
Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng Cục Trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, trong những năm qua, Chính phủ xác định về vai trò quan trọng của dữ liệu trong công tác quản lý, chỉ đạo điều hành và xây dựng chính sách dựa trên bằng chứng. Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quy định và hướng dẫn xây dựng hệ thống dữ liệu, thực hiện chuyển đổi số. Việc khai thác và sử dụng dữ liệu hành chính trong sản xuất thông tin thống kê đã và đang trở thành xu hướng trên thế giới và Việt Nam.
Tuy nhiên còn gặp một số khó khăn. Bà Hương dẫn chứng, nguồn dữ liệu hành chính được thiết lập ban đầu phục vụ chính cho công tác quản lý, điều hành của bộ, ngành không phải cho mục đích thống kê.
Do vậy, để khai thác và sử dụng trong công tác thống kê cần có thời gian nghiên cứu, tìm hiểu và tiếp tục hoàn thiện các dữ liệu hành chính để phục vụ sử dụng đa mục tiêu. Nhiều bộ ngành chưa triển khai đồng bộ các cơ sở dữ liệu, chưa sẵn sàng kết nối thông tin với cơ quan thống kê.
Chia sẻ thêm bên lề hội thảo, lãnh đạo Tổng cục Thống kê cho hay, dữ liệu đang trở thành nguồn tài nguyên quý giá, càng được tích tụ và chia sẻ thì giá trị càng nhân lên. Do đó, quá trình chuyển đổi số là quá trình chuyển đổi về nhận thức và hành động về việc sử dụng dữ liệu trong quản lý, điều hành và ra các quyết định.
“Để làm được việc này, không chỉ người đứng đầu mà cả người dân, doanh nghiệp cùng đồng hành để xây dựng, tạo dựng, kết nối, chia sẻ dữ liệu để làm giàu thêm nguồn tài nguyên rất quý giá này. Với một đất nước phát triển cần có dữ liệu tin cậy, minh bạch và cần được kết nối, chia sẻ rộng rãi cho mỗi người dân, doanh nghiệp và nhà quản lý”, bà Hương nhấn mạnh.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Quang Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Thư ký – Biên tập, Văn phòng Chính phủ cho biết, Chính phủ luôn xác định xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu.
Qua khảo sát cho thấy, khó khăn hiện là hành lang pháp lý còn thiếu; định mức xây dựng, đơn giá còn bất cập; thủ tục đầu tư còn phức tạp; việc áp dụng tiêu chuẩn còn cứng nhắc; chưa có khung thử nghiệm có kiểm soát.
Nguồn nhân lực đầu tư còn nhỏ, phân tán; không có sự phối hợp chặt chẽ, chia sẻ thông tin; năng lực trình độ hạn chế, thiếu nhân lực chất lượng cao. Cùng với đó, mức độ sẵn sàng công nghệ của các bộ, ngành, địa phương không đồng đều; xây dựng quá nhiều phần mềm, chưa coi trọng an ninh, an toàn thông tin… Qua khảo sát trực tuyến nhận được 5.665 yêu cầu chia sẻ thông tin từ Chính phủ về các địa phương.
Kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, bộ, ngành, địa phương được kỳ vọng sẽ là bước đột phá mới trong phát triển Chính phủ số. Đây là cơ hội để Chính phủ, bộ, ngành, địa phương chuyển mình mạnh mẽ; chỉ đạo điều hành theo các chuẩn mực quản trị quốc gia hiện đại.
Ông Tùng nhấn mạnh, với đặc trưng của chuyển đổi số là được vận hành trên nền tảng số với công nghệ hiện đại, chắc chắn sẽ mang lại nhiều lợi ích quan trọng, nâng cao chất lượng quản trị quốc gia và thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.
Ông Rémi Nono Womdim, Trưởng Đại diện FAO và Phụ trách tạm thời Văn phòng UNFPA tại Việt Nam thông tin, UNFPA đang hỗ trợ Tổng cục Thống kê thực hiện dự án 5 năm “Hỗ trợ Việt Nam xây dựng và sử dụng dữ liệu về dân số và phát triển có chất lượng phục vụ xây dựng và giám sát các chính sách, chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời theo dõi tiến độ đạt được các mục tiêu phát triển bền vững”.
Dự án nhằm hỗ trợ Việt Nam áp dụng công nghệ, các nền tảng truyền thông mới trong việc thu thập, phân tích và phổ biến dữ liệu, đảm bảo các chính sách, chiến lược, chương trình được xây dựng dựa trên bằng chứng nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030.