Đặt quyền, lợi ích chính đáng, ổn định cuộc sống người dân bị thu hồi đất là trên hết

Nhằm tháo gỡ những tồn tại, hạn chế, nhất là mở quỹ đất để thu hút đầu tư, thực hiện các công trình, dự án (DA), Tỉnh ủy tiếp tục có những giải pháp mang tính đột phá trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư (GPMB, TĐC).

Người đứng đầu phải trực tiếp tham gia gỡ khó

Để chấn chỉnh và giải quyết những hạn chế, tồn tại trong công tác bồi thường, GPMB, TĐC, tỉnh tiến hành nhiều giải pháp, huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, nâng cao nhận thức, hành động và trách nhiệm của cá nhân, đơn vị. Nổi bật, ngày 29/3/2019, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kết luận 720 để đẩy mạnh công tác bồi thường, GPMB, TĐC trên một số địa bàn trọng điểm phát triển kinh tế công nghiệp, thương mại, dịch vụ như Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc, Thủ Thừa, Tân Trụ và TP.Tân An (tỉnh Long An).

Đây được xem là “cú hích” tạo được nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt chỉ rõ những tồn tại, hạn chế thời gian trước đó và đặt ra những yêu cầu, giải pháp khắc phục. Kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhấn mạnh nhiều vấn đề, nội dung. Trong đó, có đề cập đến yêu cầu củng cố, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ làm công tác kê biên, bồi thường, GPMB; trong thực hiện bảo đảm công khai, minh bạch; đặc biệt, nhấn mạnh đến vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy địa phương trong công tác này.

Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng luôn được tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện

Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng luôn được tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện

Để thực hiện Kết luận 720, các địa phương trên ban hành các nghị quyết, kế hoạch với những mục tiêu, giải pháp triển khai cho từng DA, công trình và có lộ trình cụ thể. Những vướng mắc ở các DA, công trình đều được chỉ ra, đánh giá rõ để có giải pháp tập trung giải quyết. Tiến độ thực hiện bồi thường, GPMB, TĐC ở các DA, công trình phải được báo cáo hàng tháng về tỉnh để theo dõi, qua đó có hướng dẫn, chỉ đạo, hỗ trợ thực hiện.

Từ khi thực hiện Kết luận 720 đến nay, tại các địa phương trên bồi thường được hơn 1.000ha đất để thực hiện các DA, công trình. Trong đó, có những DA lớn, công trình giao thông mang tính kết nối vùng, mở ra nhiều tiềm năng, thúc đẩy sự phát triển không những cho riêng Long An mà còn cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo Bí thư Huyện ủy Bến Lức - Trần Hoàng Nhân, DA nào gặp nhiều vướng mắc, khó khăn thì người đứng đầu cấp ủy sẽ tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với người dân trong vùng GPMB để nắm tâm tư, tình cảm, kiến nghị, những bức xúc. Không chỉ ở cấp huyện mà người đứng đầu cấp ủy ở các xã, thị trấn cũng phải thực hiện nghiêm túc công tác này.

“Qua tiếp xúc, đối thoại trực tiếp, thẳng thắn với dân, những vấn đề vướng mắc sẽ nhanh chóng tìm ra được hướng giải quyết thấu đáo, hợp lý, hợp tình; điều đó sẽ hạn chế sai sót, khiếu nại. DA, công trình gặp nhiều khó khăn, vướng mắc thì người đứng đầu càng phải quyết liệt trực tiếp tham gia giải quyết. Như thế, hiệu quả đạt được sẽ cao, người dân càng quý và tin tưởng lãnh đạo địa phương” - ông Trần Hoàng Nhân nhấn mạnh.

"Được tái định cư" thay vì "bị tái định cư"

Bên cạnh nhiều chuyển biến tích cực thì vẫn còn nhiều công trình, DA đang vướng mắc trong GPMB; thời gian qua, có những công trình vừa thi công, vừa tháo gỡ, giải quyết bồi thường, GPMB.

“Ở lĩnh vực giao thông, có những công trình, chính quyền địa phương, lãnh đạo tỉnh phải đối thoại rất nhiều lần với người dân để tháo gỡ vướng mắc trong GPMB. Cũng vì vướng mắc nên có công trình tiến độ thực hiện kéo dài” - ông Nguyễn Hoài Trung - Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, cho biết.

Công tác TĐC còn có nơi chưa được chủ đầu tư quan tâm đúng mức, có DA TĐC xây dựng chậm trễ, kéo dài. Ông Nguyễn Văn Hoàng, ngụ xã Phước Lý, huyện Cần Giuộc, cho rằng: "Tình trạng này còn xảy ra đã gây ảnh hưởng rất lớn đến an cư, đời sống của người dân bị thu hồi đất".

Mặt khác, tỉnh chỉ đạo xử lý những dự án chậm trễ, kéo dài gây bức xúc (Ảnh tư liệu)

Mặt khác, tỉnh chỉ đạo xử lý những dự án chậm trễ, kéo dài gây bức xúc (Ảnh tư liệu)

Ngoài ra, theo các ngành chức năng liên quan và tìm hiểu tại các địa phương, trong thực hiện bồi thường, GPMB, TĐC vẫn còn xảy ra nhiều khiếu nại, phản ánh, chủ yếu liên quan đến mức giá. Công tác quản lý đất đai còn những hạn chế, chỉnh lý biến động đất đai có nơi chưa kịp thời, công tác lập phương án đền bù vẫn còn có sai sót; có những DA bồi thường, GPMB kéo dài; quỹ đất sạch tạo ra chưa bảo đảm được phát triển hạ tầng, thu hút đầu tư,...

Hiện nay và thời gian tới, tỉnh tiếp tục triển khai, thực hiện nhiều DA, công trình có quy mô lớn, thu hút đầu tư, phát triển KT - XH, thương mại - dịch vụ, dân cư đô thị,... Theo đó, công tác bồi thường, GPMB, TĐC vẫn rất nặng nề và khó khăn, đòi hỏi phải có sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của người dân.

Xác định công tác này là nhiệm vụ trọng tâm, ngày 04/11/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 25 về “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác GPMB, TĐC khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh”. Với sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt này, kỳ vọng sẽ tiếp tục tạo ra những đột phá mạnh mẽ, quan trọng, thực hiện hiệu quả công tác bồi thường, GPMB, TĐC để ngày càng hoàn thiện kết cấu hạ tầng, tạo thêm nguồn quỹ đất sạch thu hút đầu tư, đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp, dân cư đô thị, thương mại - dịch vụ.

Theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, trong công tác bồi thường, GPMB, TĐC phải thực hiện chính xác, đúng quy định pháp luật; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và nhà đầu tư; người dân được TĐC phải hưởng lợi từ DA, theo nguyên tắc “nơi ở mới phải tốt hơn nơi ở cũ”; đặt quyền, lợi ích chính đáng và ổn định cuộc sống cho người dân bị thu hồi đất lên trên hết, trước hết.

Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh đặt ra mục tiêu sẽ giải quyết dứt điểm các DA bồi thường còn tồn đọng; phấn đấu hoàn thành bồi thường, GPMB khoảng 4.000ha đất để phát triển KT - XH; trong đó, tập trung các DA trọng điểm, đột phá, các DA tạo quỹ đất sạch và phát triển khu công nghiệp, khu đô thị mới. Mặt khác, lâu dài hơn là từ năm 2026 - 2030, tỉnh phấn đấu hoàn thành bồi thường, GPMB tối thiểu 5.000ha đất để đáp ứng yêu cầu phát triển KT - XH nhanh và bền vững.

Để thực hiện được mục tiêu đề ra, Tỉnh ủy yêu cầu những việc khó, phức tạp trong bồi thường, GPMB, TĐC thì người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị phải trực tiếp giải quyết, không “khoán trắng” cho cấp dưới. Người đứng đầu thực hiện nghiêm túc việc tiếp xúc, đối thoại với người dân nhằm nắm bắt, lắng nghe tâm tư, kiến nghị để kịp thời giải quyết đúng theo quy định pháp luật, không để dây dưa làm phát sinh khiếu nại kéo dài, vượt cấp; đồng thời, kiên quyết thu hồi các DA triển khai chậm trễ, kéo dài, không đúng chủ trương do nguyên nhân chủ quan của nhà đầu tư.

Trước khi thực hiện các DA đầu tư phải quan tâm tạo quỹ đất sạch phục vụ TĐC cho người dân; cải tiến công tác TĐC cho người dân, quán triệt tư tưởng “được TĐC” thay vì “bị TĐC” - đó cũng là một điểm được Tỉnh ủy nhấn mạnh chỉ đạo thực hiện./.

Vũ Quang

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/dat-quyen-loi-ich-chinh-dang-on-dinh-cuoc-song-nguoi-dan-bi-thu-hoi-dat-la-tren-het-a126308.html