'Đất rộng' ngành quỹ
Tháng 2/2024, TPBank đã công bố sở hữu 75% vốn Công ty Quản lý quỹ Việt Cát (VFC) thông qua việc tham gia đợt phát hành riêng lẻ 75 triệu cổ phiếu của công ty này.
Đây là thương vụ thâu tóm công ty quản lý quỹ mới nhất trong làn sóng ngầm săn mua doanh nghiệp ngành này, với nền giá hiện tại được các bên “chấp nhận đàm phán” là khoảng 10 triệu USD cho một công ty đã có giấy phép, tức là gấp khoảng 10 lần so với chỉ 5 năm về trước.
Theo nhiều nguồn tin, bên muốn mua chủ yếu là các cá nhân/gia đình giàu có ở nước ngoài dự định đầu tư vào thị trường Việt Nam. Còn bên mua trong nước thường có hệ sinh thái liên quan đến ngân hàng, quản lý quỹ, công ty chứng khoán…
Tại sao trong lúc khoảng 95% nhà đầu tư cá nhân trên thị trường (vốn chiếm hơn 85% giá trị giao dịch hàng ngày, theo VinaCapital) vẫn đang miệt mài tự mua, tự bán, ngành quỹ bất ngờ lại được quan tâm như vậy?
Câu trả lời có lẽ nằm ở hai dữ kiện. Thứ nhất là chưa bao giờ nhà đầu tư cảm thấy “gần” với việc nâng hạng thị trường như thời gian qua. Và lịch sử của các thị trường phát triển cho thấy, bất cứ quá trình nâng chất nào cũng gắn liền với việc nâng cao vai trò của các quỹ đầu tư chuyên nghiệp.
Thứ hai, gần đây nhà đầu tư cá nhân dần “thấm đòn” với những khúc cua quá gắt của thị trường, trong khi hiệu quả đầu tư của một loạt quỹ vẫn khá ổn với tỷ suất sinh lợi bằng khoảng 2-4 lần lãi suất tiết kiệm cùng thời kỳ.
Rõ ràng, xu hướng ủy thác đầu tư và quản lý gia sản sẽ ngày càng chiếm ưu thế!
Theo một nghiên cứu của TS. Devmali Perera và TS. Lê Hồng Hạnh đến từ Đại học RMIT Việt Nam, dịch vụ quản lý tài sản tại Việt Nam có dư địa tăng trưởng lớn khi đang có các nền tảng tích cực. Quy mô thị trường này được dự báo sẽ đạt khoảng 600 tỷ USD vào năm 2027.
Tất nhiên, ngành quỹ Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm. Trên thị trường hiện tại có 43 công ty quản lý quỹ được cấp phép với 107 quỹ đang hoạt động với tổng giá trị tài sản quản lý tính đến cuối năm 2023 ước tính đạt 639.000 tỷ đồng.
Dù giá trị tuyệt đối không nhỏ, nhưng quy mô thị trường quản lý quỹ tại Việt Nam mới chỉ chiếm xấp xỉ 5% GDP, rất khiêm tốn so với con số 38% tại Thái Lan hay 50% của Malaysia. Số lượng nhà đầu tư tham gia vào các quỹ đầu tư chứng khoán chỉ khoảng 300.000/7 triệu tài khoản đầu tư chứng khoán.
Bên cạnh đó, các chuyên gia chỉ ra nhiều nút thắt chính sách khi thu nhập của nhà đầu tư cá nhân từ tiền gửi tiết kiệm không phải chịu thuế, trong khi nhà đầu tư cá nhân thu nhập từ quỹ phải chịu thuế thu nhập cá nhân 5%; hay các ngân hàng chưa được phân phối chứng chỉ quỹ trong khi mối liên kết doanh nghiệp bảo hiểm - ngân hàng đã được phổ biến từ lâu...
Những trở ngại về tâm lý và chính sách này nếu được khơi thông cũng chính là dư địa rộng lớn để ngành quỹ “chinh chiến”. Cùng với đó, chính các thành viên ngành quỹ cũng phải tự chuyển mình để thích ứng với bối cảnh mới.
Chẳng hạn, theo Dragon Capital, tệp khách hàng của các công ty quản lý quỹ ngày càng trẻ hơn, chủ động hơn và cũng yêu cầu cao hơn rất nhiều. Hay các yếu tố ESG ngày càng chiếm ưu thế trong khẩu vị đầu tư của dòng vốn ngoại vốn được chờ đợi sẽ vào mạnh khi thị trường Việt Nam có những tín hiệu nâng hạng rõ ràng hơn…
Trong chuyên đề đặc biệt với chủ đề “Ngành quản lý quỹ: Kỳ vọng bước chuyển mới” trên số báo này, Đầu tư Chứng khoán mong muốn cung cấp cho độc giả một bức tranh tương đối cụ thể, toàn diện về ngành quỹ và góc nhìn của công chúng đầu tư về triển vọng đầu tư vào các quỹ. Đồng thời, góp phần phổ biến một kênh đầu tư và quản lý tài sản an toàn và sinh lợi đều đặn, giúp người dân có thêm cánh cửa để “chọn mặt gửi vàng”.
Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/dat-rong-nganh-quy-post342269.html