Đất Sen hồng: Bứt phá ngoạn mục sau những đổi thay
Sau 50 năm giải phóng, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Đồng Tháp đã và đang tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng, chung sức, chung lòng xây dựng Đất Sen hồng ngày càng giàu đẹp.

Tối 28/4/2025, tại Công viên Văn Miếu (Phường 1, thành phố Cao Lãnh), Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đồng Tháp tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025) và 50 năm Giải phóng tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Nhựt An/TTXVN
Từ vùng đất ngập sâu, nhiễm phèn nay đã trở thành vùng đất trù phú, là một trong những “vựa lúa” của Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng; đời sống nhân dân từng bước nâng lên.
Ký ức hào hùng
Trong những ngày Tháng 4 lịch sử, ông Võ Xuân Nghĩa, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp vẫn nhớ rõ về những năm tháng chiến đấu anh dũng, kiên cường cùng đồng đội. Ông tham gia hoạt động cách mạng lúc còn là học sinh Trường Trung học Kiến Phong. Năm 1967, ông là thành viên Đoàn học sinh giải phóng, làm giao liên cho thị xã Cao Lãnh. Cuối năm 1968, ông là Bí thư Chi đoàn F70 của Trường Trung học Kiến Phong. Sau đó, ông được chỉ định làm Trưởng ban Cán sự học sinh thị xã Cao Lãnh.
Ông Võ Xuân Nghĩa nhớ lại, tuy có lúc địch đánh phá ác liệt, kiểm soát chặt chẽ nhưng với sự lãnh đạo của Đảng và Đoàn, phong trào đấu tranh của học sinh thị xã Cao Lãnh vẫn diễn ra, chủ yếu là đấu tranh chính trị kết hợp đấu tranh vũ trang. Khoảng năm 1969, Đội biệt động học sinh thị xã Cao Lãnh thành lập dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Thị ủy Cao Lãnh. Từ khi ra đời đến khi giải phóng, Đội đã tham gia nhiều trận đánh, tiêu diệt hàng trăm tên địch. Ông đã 2 lần bị địch bắt giam nhưng vẫn một lòng theo cách mạng, tiếp tục hoạt động cho đến ngày miền Nam giải phóng.
Theo lịch sử Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp, tháng 8/1974, hai tỉnh Sa Đéc và Long Châu Tiền thành lập trên cơ sở tỉnh Kiến Phong cũ. Tỉnh Sa Đéc (nay là tỉnh Đồng Tháp) có 7 đơn vị cấp huyện: Chợ Mới, Cao Lãnh, Kiến Văn, Mỹ An, Lấp Vò, Lai Vung, Châu Thành, thị xã Cao Lãnh và thị xã Sa Đéc.
Ngày 26/4/1975, Tỉnh ủy Sa Đéc nhận được lệnh hiệp đồng với mặt trận Sài Gòn vào Chiến dịch Hồ Chí Minh. 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, mặt trận Sài Gòn giành toàn thắng. Tại thị xã Cao Lãnh, Tiểu đoàn 3 của tỉnh mới thành lập cùng với lực lượng biệt động, du kích chia làm 3 mũi tiếp cận thị xã từ chiều 30/4.

Một góc thị trấn Mỹ An, huyện Tháp Mười (Đồng Tháp). Ảnh Nhựt An/TTXVN
Cùng ngày, Đại tá Tỉnh trưởng Nguyễn Văn Minh trốn khỏi Cao Lãnh. Nhiều sĩ quan, binh lính địch cũng bỏ chạy. Cơ sở và lực lượng quần chúng tại chỗ nổi dậy tiếp quản một số cơ quan Ngụy quân, Ngụy quyền, treo cờ giải phóng. Khoảng 23 giờ ngày 30/4/1975, quân cách mạng tiến vào tiếp quản và làm chủ hoàn toàn thị xã Cao Lãnh.
Ở thị xã Sa Đéc, Tiểu đoàn 502A và Tiểu đoàn 502B được lệnh thần tốc tiến về tham gia giải phóng thị xã. Tối 30/4, 2 Tiểu đoàn này phối hợp cùng lực lượng địa phương, du kích và lực lượng chính trị của quần chúng từ nhiều mũi tiến vào thị xã. Trong nội ô thị xã, quần chúng nhân dân được phát động nổi dậy. Trong đêm 30/4, cơ sở ta và quần chúng nổi dậy chiếm một số cơ quan địch ở thị xã.
Khoảng 7 giờ ngày 1/5/1975, quân ta từ nhiều hướng tiến vào tiếp quản và làm chủ hoàn toàn thị xã Sa Đéc. Ngày 1/5, các huyện Mỹ An, Kiến Văn, Châu Thành, Lấp Vò... được giải phóng. Riêng Chi khu Đức Thành (Lai Vung), quân ta tiếp quản vào sáng 2/5. Đến cuối ngày 2/5, hầu hết tỉnh Sa Đéc được giải phóng.
Nỗ lực vượt khó sau giải phóng
Chiến tranh đã lùi xa nhưng ký ức về những ngày Tháng 4 lịch sử, khó khăn của quê hương sau ngày giải phóng vẫn hiện hữu trong trí nhớ của nhiều lão thành cách mạng; trong đó, có ông Nguyễn Đắc Hiền (sinh năm 1938), nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đồng Tháp.
Theo ông Nguyễn Đắc Hiền, sau khi giải phóng, tỉnh gặp nhiều khó khăn như: khi tiếp quản, Ty ngân khố và các kho xăng dầu của địch gần như cạn kiệt; tình hình an ninh trật tự chưa ổn định; một số người trong các tổ chức chính trị phản động không ra trình diện chính quyền cách mạng, vẫn ngoan cố hoạt động; nhiều bom, mìn còn sót lại…
Bên cạnh đó, nhiều vùng bị chiến tranh tàn phá ác liệt. Do đó, người dân phải đi tản cư nơi khác và trở về khi hòa bình thì nhà cửa, ruộng vườn hoang vu. Không lâu sau hòa bình, tháng 2/1977, phản động Pol Pot từ Campuchia tràn qua biên giới tấn công Đồng Tháp và các tỉnh biên giới. Quân dân Đồng Tháp lại chiến đấu. Cùng với đó, thiên tai ập đến - trận lũ lụt lịch sử năm 1978. Nước lũ dâng cao gây ngập nhà cửa, ruộng vườn khiến mất mùa, thiếu gạo ăn, đời sống người dân đói khổ.

Đồng Tháp đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất lúa, từ khâu làm đất, gieo sạ… đến thu hoạch. Ảnh Nhựt An/TTXVN
Theo ông Nguyễn Đắc Hiền, sau chiến tranh, nền kinh tế của tỉnh nghèo nàn, lạc hậu; nông thôn, nông nghiệp bị tàn phá… Diện tích sản xuất lúa của Đồng Tháp chỉ có 70 nghìn ha, đa số là sản xuất lúa mùa (1 vụ/năm), năng suất thấp. Sản lượng lúa cả năm chỉ có hơn 200 nghìn tấn, không đủ dùng cho trên 1 triệu dân trong tỉnh. Một phần của tỉnh bị nhiễm phèn nặng, trũng thấp, sản xuất nông nghiệp rất khó khăn. Tại những khu di dân, vùng kinh tế mới ở Bắc Trang, Gáo Giồng, kênh Hồng Kỳ…, người dân được cấp đất để sản xuất nhưng do đất nhiễm phèn, lúa và các loại cây trồng khác không sống được.
Ông Lê Văn Nam (xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười) kể lại, trước đây, Tháp Mười còn nhiều đất hoang, mùa mưa lũ nước ngập mênh mông, đất đai ở nhiều khu vực bị nhiễm phèn nặng. Năng suất lúa rất thấp và còn bị chuột, chim tấn công, gây hại. Từ những năm 1980, Nhà nước tổ chức đào, nạo vét nhiều con kênh dẫn nước ngọt kết hợp làm đê bao và giao thông đường thủy, đường bộ. Đây là dấu mốc tạo bước chuyển mình của quê hương, từ sản xuất lúa mỗi năm 1 vụ, nâng lên 2 vụ rồi 3 vụ như hiện nay. Kinh tế ngày càng phát triển.
Bứt phá vươn lên
Ngay sau khi được giải phóng, tỉnh tiến hành đào mới và nạo vét, mở rộng nhiều con kênh, dẫn nước ngọt từ sông Tiền vào để ém phèn và tháo chua rửa phèn. Đó là kênh Hồng Ngự - Vĩnh Hưng, An Phong - Mỹ Hòa, Nguyễn Văn Tiếp, Tân Công Sính, Kháng Chiến, Đường Thét… và rất nhiều những con kênh chính, kênh phụ khác được đào ngang, xẻ dọc. Nhờ đó, công cuộc trị phèn đã thành công, góp phần quan trọng trong việc mở mang khai thác vùng đất này. Nhờ đó, tỉnh đã tăng diện tích trồng lúa và nâng cao năng suất.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Trần Trí Quang cho biết, trong sự nghiệp đổi mới và phát triển quê hương, tỉnh khai thác hiệu quả lợi thế về tài nguyên thiên nhiên. Dấu ấn nổi bật là công cuộc chinh phục, khai phá thành công Đồng Tháp Mười, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị và thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Từ vùng đất ngập sâu, nhiễm phèn, hoang hóa, nơi đây trở thành vùng đất trù phú; đồng lúa từ sản xuất lúa mùa 1 vụ sang sản xuất lúa 3 vụ chất lượng cao. Sản lượng lúa đạt trên 3,3 triệu tấn (cuối năm 2024), đứng thứ 3 khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực và xuất khẩu có giá trị sản xuất ước đạt 17.572 tỷ đồng.

Thành phố Sa Đéc (Đồng Tháp) phát triển ngành hàng hoa kiểng gắn với dịch vụ du lịch. Ảnh Nhựt An/TTXVN
Đồng Tháp thay đổi tư duy chuyển từ “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”; đã tham gia thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải và tiếp tục tiên phong nghiên cứu xây dựng Đề án tổng thể “Xây dựng Đồng Tháp trở thành tỉnh tiên phong, kiểu mẫu về nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”. Tỉnh chú trọng đầu tư cho giáo dục, y tế. Hạ tầng giao thông, đô thị được quan tâm, tạo điều kiện kết nối giao thương, đi lại của người dân. Bộ mặt đô thị, nông thôn có chuyển biến tích cực; đời sống vật chất và tinh thần của người dân từng bước nâng lên.
Sinh ra và lớn lên ở xã Bình Thạnh (huyện Cao Lãnh), ông Lê Minh Khánh nhận thấy rõ sự chuyển mình của quê hương. Ông Khánh bộc bạch, từ sau giải phóng đến nay, nhất là khi triển khai xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, diện mạo quê hương có nhiều khởi sắc. Những căn nhà tạm xưa kia đã nhường chỗ cho những ngôi nhà kiên cố, khang trang, hiện tại. Con đường đất nhỏ hẹp trước nhà của ông hiện giờ đã thay thế bằng con đường rộng 3,5 m và tương lai gần, tuyến đường này sẽ nâng cấp, mở rộng ra 5,5 m.
Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, năm 2024, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 6,44%; quy mô kinh tế tăng thêm 12 nghìn tỷ đồng. GRDP bình quân đầu người đạt trên 77,55 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,08%. Trong 16 năm qua, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Đồng Tháp nằm trong nhóm 5 địa phương có năng lực cạnh tranh cao nhất cả nước. Năm 2024, vùng đất Sen hồng vinh dự là 1 trong 3 tỉnh xuất sắc trên toàn quốc nhận danh hiệu “Địa phương tiêu biểu xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp”.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/dat-sen-hong-but-pha-ngoan-muc-sau-nhung-doi-thay/371857.html